Bộ sưu tập của cô nhận được sự trầm trồ của cộng đồng mạng nhờ sự chi tiết, đẹp mắt và chịu chi.
Bà nội trợ chia sẻ năm 2017, cô lướt mạng xã hội thì thấy hình ảnh người chơi mô hình này. Từ nhỏ cô đã mê kiến trúc nhưng không có duyên với nghề. Vì thế cô quyết định tìm hiểu về thú chơi, dần dần bị nghiện từ lúc nào không hay.
Mỗi mô hình cô tốn tầm 1 tuần thực hiện. Vì có con nhỏ nên mỗi ngày Chi chỉ dành khoảng 1-2 tiếng cho bản thân, ngồi tỉ mẩn lắp cửa sổ, chậu hoa… trang trí cho ngôi nhà gỗ thêm bắt mắt. Còn mô hình nhỏ, cô chỉ tốn khoảng 2-3 ngày để hoàn thành.
Một ngôi nhà có giá tầm 200.000 đồng trở lên. Món mắc nhất khoảng 1,5 triệu đồng do có chi tiết cầu kỳ và kích thước lớn.
Tính đến nay, gia tài đồ sộ của cô gái tầm 40 mô hình nhà gỗ và hơn 10 cái còn chưa lắp.
Kim Chi có ba chiếc kệ chỉ để trưng bày mô hình các loại từ nhà cổ, nhà sân vườn… với kiến trúc đa dạng. "Mình nghỉ khoảng một thời gian mới chơi lại, nên mô hình cũ cũng thất lạc kha khá. Nếu còn lưu giữ chắc cũng tầm 60 mô hình", cô tiếc rẻ cho biết.
Theo Kim Chi, khi chơi mô hình cần phải kiên nhẫn, thêm chút khéo tay và có thêm tài chính nếu yêu thích những mô hình cỡ lớn. Mỗi mô hình căn bản đều có phần giấy, gỗ, vải. Cô thường ưu tiên dán giấy trước, rồi tới đi dây đèn, xong tới cắt vải làm gối, rèm, chăn… rồi mới tới nội thất, hoa cây cỏ.
Trong quá trình làm mô hình, cô gặp rất nhiều lỗi. Lỗi nhỏ thì cô giữ lại xem như kỷ niệm, còn lỗi to như rách giấy hoặc ráp sai không tháo được thì đành lòng bỏ luôn. Thậm chí, có nhiều mô hình nếu không cẩn thận đợi khi keo khô mới phát hiện lỗi sai cũng phải bỏ đi. Vì lúc gỡ ra chắc chắn giấy sẽ rách và gỗ cũng sẽ gãy. Trong suốt quá trình chơi, cô ước tính đã bỏ khoảng 2-3 mô hình.
Có mô hình khi vừa hoàn thiện thì bị con phá hư. Cô tiếc lắm nhưng đành chép miệng bảo: "Thôi coi như có dịp làm lại".
Khó nhất của chơi mô hình nhà gỗ là các mảnh ghép khá nhỏ. Bí kíp của Chi là đọc bảng hướng dẫn thật kỹ và soạn ra từng chi tiết trước khi bắt tay thực hiện. Hồi mới làm những mô hình đầu tiên, cô hay ráp sai phải tháo ra làm lại, dẫn tới dính keo làm xấu mô hình. Chơi càng lâu, cô dần quen, chỉ cần nhìn chi tiết nhỏ là sẽ biết ráp vào đoạn nào.
"Làm mô hình giúp mình rèn tính kiên nhẫn, khéo tay và sáng tạo. Mỗi mô hình mình sẽ cố gắng cho nó có một điểm riêng nào đó. Mình cũng học hỏi thêm kỹ thuật cắt, làm hoa cho mô hình từ những người bạn có chung đam mê", cô nói.
Mỗi mô hình như một câu chuyện, làm cô chìm đắm vào từng chi tiết. Cô có cảm giác như mình đang xuyên không vào tính cổ trang. Mô hình càng có độ cầu kỳ càng làm cô thích thú. Có hôm mê quá, buổi khuya dỗ con ngủ xong, cô cặm cụi lắp ráp tới 3-4h sáng mới chịu ngủ.
Hiện tại, khó khăn lớn nhất của cô là kinh tế. Chi thích những bộ mô hình to nên giá cao. Điều đó cũng đồng nghĩa với thời gian lắp ráp cũng lâu hơn. Mỗi tháng cô đều dành dụm 500.000 - 1 triệu đồng để mua mô hình, và chỉ mua 1-2 bộ.
Cô chia sẻ các hãng ra mẫu mới hơi lâu, nên cô có thời gian chiêm nghiệm các mẫu cũ. Chồng của Chi thường ngồi xem vợ làm. Vì vợ thích, anh thường đưa tiền cho vợ mua. Có hôm anh đùa thanh lý bớt, nhưng Chi thích sưu tầm nên không chịu bán lại cái nào cả.
Qua những chiếc mô hình này, cô mong muốn sẽ có thêm nhiều bạn biết thêm thú chơi mô hình gỗ. Mỗi lúc buồn hay cần xả stress, mô hình giúp bạn thoải mái, vui vẻ hơn. Chơi mô hình cũng là cách rèn tính kiên nhẫn, tập trung. Cô cũng hy vọng gặp gỡ nhiều người bạn có chung sở thích.
"Chỉ cần có đam mê, chúng ta sẽ làm được thôi. Thế nhưng, để có được mô hình đẹp mắt, bạn cần phải cẩn thận. Chỉ sau 1-2 mô hình đầu, chắc chắn bạn sẽ lên tay kha khá. Lỡ mô hình không đẹp, mình không quá buồn vì dù sao nó cũng là mô hình do chính tay mình làm ra", cô nói.
TTO - Nhìn những mô hình, tiểu cảnh đượm màu thời gian như nhà nổi miền Tây, nhà sàn Tây Bắc, đình làng Bắc Bộ... do nhiều bạn trẻ khắp cả nước đăng tải lên các hội nhóm, không ít người mê mệt và trầm trồ.