An Hải Đông nhập An Hải Tây thành phường An Hải Nam?
Theo phương án sáp nhập, tại quận Hải Châu dự kiến sáp nhập phường Hải Châu 1 với phường Hải Châu 2, tên gọi của đơn vị hành chính mới dự kiến thành lập là phường Hải Châu 1.
Tại quận Sơn Trà, dự kiến sáp nhập phường An Hải Đông và An Hải Tây, tên gọi mới dự kiến là phường An Hải Nam.
Ông Bùi Văn Tiếng, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, nguyên trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, cho rằng cách đặt tên gọi của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp là vấn đề lớn.
Do vậy không phải ngẫu nhiên mà Đà Nẵng đưa ra những tên dự kiến nghe lạ lẫm như vậy.
Như trường hợp sáp nhập phường Hải Châu 1 và Hải Châu 2, ông Tiếng cho rằng nên coi đây là sự hợp nhất.
Tuy nhiên chính quyền không đặt lại tên cũ là Hải Châu (Hải Châu chánh xã có nguồn gốc từ làng Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa), mà lại đặt Hải Châu 1 có lẽ do ngại trùng với tên quận.
"Theo tôi, tên phường trùng với tên quận cũng có sao đâu. Giống như thành phố Quảng Ngãi của tỉnh Quảng Ngãi, thành phố Hà Tĩnh của tỉnh Hà Tĩnh, thành phố Nam Định của tỉnh Nam Định, thành phố Hưng Yên của tỉnh Hưng Yên, thành phố Hà Giang của tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên có lẽ người ta cũng tính tới việc giảm rắc rối giấy tờ liên quan", ông Tiếng nói.
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi tại sao phường dự kiến sáp nhập có những tên chẳng ăn nhập. Ví dụ ở quận Sơn Trà, phường An Hải Đông và An Hải Tây, tên gọi của đơn vị hành chính mới dự kiến thành lập là phường An Hải Nam.
Ông Tiếng cho rằng việc tên gọi dự kiến này cũng phù hợp vì hai phường này nằm ở phía nam quận Sơn Trà và giáp với phường An Hải Bắc nằm ở phía bắc quận.
Nhiều cách lấy tên phường mới
Theo chính quyền thành phố Đà Nẵng, đây mới là phương án dự kiến nêu trong kế hoạch tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2023-2025.
Để đi đến thống nhất còn trải qua nhiều khâu, nhiều bước, đặc biệt là việc lấy ý kiến nhân dân.
Ông Tiếng cho biết có rất nhiều cách để đặt tên địa danh. Khi nhập tách xã, huyện, tỉnh cũng có nhiều trường hợp lấy từ đầu, từ cuối để ghép lại.
Đó cũng là cách mà Đà Nẵng dự kiến đặt khi sáp nhập phường Phước Ninh, phường Nam Dương và phường Bình Hiên, tên gọi mới dự kiến là Nam Bình Phước hoặc Nam Phước.
Sáp nhập phường Bình Thuận với phường Hòa Thuận Đông, tên gọi mới dự kiến là phường Hòa Bình.
"Quan điểm của tôi là làm sao phải giữ được yếu tố lịch sử. Tên phường mới phải làm sao giữ được 1-2 từ tố cổ xưa liên quan đến vùng đất. Và nếu có thể, khi hai phường mà nhập lại, giữ y một tên phường mà tên đó có từ tố liên quan đến phường kia là phương án tốt nhất vì tránh xáo trộn giấy tờ", ông Tiếng nói.
Ví dụ khi hợp nhất phường Tân Chính với Chính Gián, không nên gọi đơn vị hành chính mới là Tân Chính Gián, mà chỉ cần gọi Chính Gián là đủ. Qua đó Tân Chính vẫn còn từ tố Chính và từ tố Gián lại gợi nhớ đến đình Thạc Gián trên địa bàn phường.
Đà Nẵng có hội đồng đặt tên đường
Ở Đà Nẵng đã có hội đồng đặt tên đường để xây dựng quỹ tên đường cũng như đặt tên đường vừa phù hợp với văn hóa lịch sử, tầm vóc của từng nhân vật, sự kiện đồng thời khoa học để thuận tiện cho việc tìm kiếm.
Ông Tiếng cho biết việc đặt tên phường ở các giai đoạn trước đây thường do Ban Thường vụ Quận ủy chủ trì lấy ý kiến thống nhất sau khi tham khảo nhiều yếu tố.
Sau khi sắp xếp, trong 2 năm tới Đà Nẵng sẽ chỉ còn 36 đơn vị hành chính phường, giảm 9 đơn vị so với hiện nay.