Sáng 13/3/2024, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (nguyên Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, gọi tắt là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 đồng phạm, liên quan đến sai phạm tại công ty này, Ngân hàng SCB và các đơn vị khác liên quan bước vào ngày làm việc thứ 7, tiếp tục phần xét hỏi của các luật sư.
8 luật sư tham gia xét hỏi sáng nay đều xoay quanh các bị cáo Trương Mỹ Lan, Trần Thị Mỹ Dung, Võ Tấn Hoàng Văn, Bùi Anh Dũng, Dương Tấn Trước, Nguyễn Phương Anh, Hồ Bửu Phương… nhằm làm rõ nội dung vụ án.
Trong đó, vẫn tập trung làm rõ các hồ sơ vay, thẩm định nâng giá tài sản đảm bảo, dòng tiền về các công ty "ma" trong hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát và việc chỉ đạo “giải quỹ” nhằm cắt dòng tiền để phục vụ mục đích của Trương Mỹ Lan khi cần lấy tiền mặt về sử dụng.
Một lần nữa, Trần Thị Mỹ Dung khai, khi bà Lan yêu cầu lượng tiền mặt cần sử dụng sẽ chỉ đạo trực tiếp cho bị cáo. Nhận lệnh xong, bị cáo về sẽ triển khai. Tiền trả các khoản vay cũ bao gồm gốc và lãi thì tài sản đảm bảo cho khoản vay này sẽ được định giá lại, đẩy giá lên để vay mới. Việc giải ngân, giải quỹ chỉ là hợp thức hóa thủ tục và có các anh cùng làm.
Trong đó, bị cáo Dung cũng trình bày, do lượng công việc quá nhiều cần nhân viên chia sẻ nên: “Nếu Bùi Ngọc Sơn chỉ làm nhiệm vụ của mình, là chuyên viên chính thì không bị bắt, không vướng lao lý trong vụ án này. Những khi quá nhiều việc, bị cáo là người nhờ Sơn hỗ trợ liên hệ thẩm định giá trao đổi thông tin và 5 chứng thư thẩm định Sơn làm giúp bị cáo. Bị cáo rất day dứt vì làm liên lụy đến Sơn” – Dung trình bày.
Cũng tại tòa sáng nay, trước câu hỏi của luật sư về số lượng tiền rất lớn thưởng cho Bùi Anh Dũng (40 tỷ đồng), hơn 100 tỷ đồng cổ phần thưởng cho Trương Khánh Hoàng và nhiều lãnh đạo khác của SCB, Trương Mỹ Lan trình bày không nhớ cụ thể 2 tỷ hay 20 tỷ đồng nhưng cho đều toàn bộ cán bộ công nhân viên của Ngân hàng SCB.
"Cho nhân viên SCB có cần xét duyệt của ai không? Theo bị cáo tiền đó của SCB hay tiền bị cáo?"- luật sư hỏi. "Toàn bộ tiền của bị cáo" - Trương Mỹ Lan trả lời (!?).
Luật sư hỏi có gì chứng minh đó là tiền của bị cáo hay không, bà Lan nói bạn của bà có nhiều cổ phần bán cho SCB, còn bà không cần chứng minh. "Tiền của tôi không cần chứng minh vì nó rất nhỏ so với tôi"- Trương Mỹ Lan đáp. Đó là “Tiền của cá nhân tui cho... họ. Tui nói chủ trương cho, còn việc thực hiện việc cho là nhân viên làm chứ tui không trực tiếp”- Trương Mỹ Lan đáp.
Những ngày trước, Bùi Anh Dũng (Cựu chủ tịch HĐQT SCB) khai về số tiền 40 tỷ dồng nhận từ Trương Mỹ Lan vào hai dịp Tết 2020-2021 là nghĩ làm tốt nên “bà chủ” thưởng. Nhưng sáng nay tại tòa, Trương Mỹ Lan lại cho rằng, vợ của Bùi Anh Dũng và con của bị cáo này cũng làm việc tại SCB và lấy danh nghĩa phu nhân của Chủ tịch HĐQT "quấy quả" khiến cho SCB rối ren hơn, nên Trương Mỹ Lan kêu nhân viên nói với Bùi Anh Dũng lấy số tiền đó về sắp xếp chuyện gia đình và động viên vợ… nghỉ việc.
Về việc định giá dự án Mũi Đèn Đỏ, luật sư đặt câu hỏi với bị cáo Dương Tấn Trước "với người tư vấn dự án cho Vạn Thịnh Phát, liên quan dự án Mũi Đèn Đỏ, định giá của Savills 180.000 tỷ đồng, so với giá của Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân là hơn 17.000 tỷ, bị cáo thấy chênh lệch ra sao?", luật sư hỏi.
"Tôi hoàn toàn không biết. Tôi là người không liên quan SCB, chỉ vì có mối quan hệ chị Lan nên mới rơi vào hoàn cảnh hôm nay. Tôi chỉ đọc phần cáo trạng liên quan tới mình" và xin phép không trả lời câu hỏi này", Trước đáp.
Theo cáo trạng, Trương Mỹ Lan là người điều hành Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có hơn 1.000 công ty "ma" trong và ngoài nước, không có hoạt động kinh doanh, chia thành nhiều tầng lớp tạo thành một hệ sinh thái. Trong đó, Vạn Thịnh Phát là trung tâm, kiểm soát toàn bộ hoạt động. Các công ty "ma" chủ yếu được bị cáo Lan dựng lên để phục vụ việc đứng tên các khoản vay khống và chuyển nhượng cổ phần.
Từ năm 2011, bị cáo Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân để hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và lợi dụng hoạt động của ngân hàng để huy động vốn phục vụ kinh doanh cá nhân. Trương Mỹ Lan sử dụng SCB như một công ty tài chính để cấp vốn cho hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát.
Với việc sở hữu 91,5% cổ phần của SCB thông qua nhiều cá nhân, pháp nhân, Trương Lan đã chỉ đạo lãnh đạo ngân hàng cùng cán bộ chủ chốt ở Vạn Thịnh Phát rút tiền của SBC bằng hình thức lập các hồ sơ vay khống; có khi chỉ đạo rút tiền trước, hoàn thiện hồ sơ sau.
Để thực hiện kế hoạch, Trương Mỹ Lan đã tuyển chọn những người thân tín có kinh nghiệm lâu năm về lĩnh vực tài chính, ngân hàng nắm giữ vị trí chủ chốt tại SCB. Những người này được Trương Mỹ Lan trả lương 200-500 triệu đồng một tháng, tặng thưởng tiền, cổ phần dịp lễ Tết để dễ bề chi phối.
Để rút tiền, Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhóm cấp dưới chủ chốt ở Vạn Thịnh Phát dùng các công ty "ma", thuê hoặc nhờ các cá nhân đứng tên tài sản, cổ phần, ký hợp thức hóa hồ sơ vay khống. Ngoài ra, Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo những người được giao quản lý các công ty có hoạt động kinh doanh thực tế, trong đó có cháu ruột là Trương Huệ Vân và chồng là Chu Lập Cơ... ký hồ sơ lập phương án vay vốn khống.
Trương Mỹ Lan cũng bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới móc nối với loạt công ty thẩm định giá nâng khống giá trị tài sản đảm bảo lên hàng chục lần, hoặc đưa vào các tài sản không đủ pháp lý, không đăng ký giao dịch bảo đảm để dễ dàng lấy các tài sản có giá trị lớn ra và thay thế bằng các tài sản khác thấp hơn. Hầu hết các khoản vay của Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát đều được giải ngân trước rồi hợp thức hồ sơ sau, trong đó có nhiều khoản không có phê duyệt của cấp có thẩm quyền tại SCB.
Cáo trạng xác định, trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2022), SCB đã giải ngân cho nhóm công ty hệ sinh thái của Trương Mỹ Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng (hơn 1 triệu tỷ đồng), chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng, 7% còn lại là nhóm khách hàng thông thường.
Cụ thể, giai đoạn từ năm 2012 đến 2017, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập hồ sơ khống cho 304 khách hàng, vay 368 khoản; sau khi cấn trừ vào số tài sản đảm bảo các khoản vay này gây thiệt hại 64.600 tỷ đồng.
Từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỷ đồng và chiếm đoạt 304.000 tỷ; gây thiệt hại gần 130.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. Tổng cộng, Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng.
Cáo trạng cũng xác định, để che giấu thực trạng yếu kém của SCB, giúp nhà băng thoát khỏi diện kiểm soát đặc biệt, bà Lan đã chỉ đạo thuộc cấp mua chuộc đoàn cán bộ thanh tra. Trong đó, riêng bà Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng Thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước nhận 5,2 triệu USD. Để có nguồn vốn duy trì hoạt động, Trương Mỹ Lan tìm cách thâu tóm SCB, nhằm biến ngân hàng trở thành công cụ tài chính của mình.
Xem thêm: lmth.939951_bcs-auq-yauq-hcit-uhc-nahn-uhp-iv-yt-04-ohc-nal-ym-gnourt/na-uv/nv.moc.nagnoc