Thiết bị trông như một miếng dán nhỏ này không chỉ có thể xác định các chuyển động của cổ họng, mà còn khai thác chuyển động để tạo ra điện năng, giúp thiết bị tự vận hành mà không cần pin hay nguồn sạc.
Nghiên cứu, công bố ngày 12-3 trên tạp chí Nature Communications, về lý thuyết có thể giúp những người bị rối loạn giọng nói do dây thanh âm bị tổn thương hoặc liệt dây thanh âm giao tiếp, bao gồm những người đang hồi phục sau phẫu thuật ung thư vòm họng.
Trang LiveScience dẫn lời trưởng nhóm nghiên cứu Jun Chen, làm việc tại Đại học California (Mỹ), cho biết ý tưởng về thiết bị xuất hiện sau khi ông đau họng vì giảng bài hàng giờ liền.
Theo ông Chen, thiết kế của miếng dán này dựa trên một nghiên cứu (do ông làm tác giả chính) công bố năm 2021 trên tạp chí Nature Meterials và nghiên cứu về vật liệu trước đó.
Từ giữa thế kỷ 19, các nhà khoa học đã biết từ tính của một số kim loại cứng có thể bị thay đổi khi chúng chịu áp lực cơ học. Trong nghiên cứu năm 2021, nhóm của ông Chen đã tìm thấy nguyên mẫu tương tự có thể hoạt động với một vật liệu mềm làm từ các nam châm cực nhỏ nhúng trong silicon mỏng.
Hiện nay, trong nghiên cứu mới nhất, nhóm sử dụng vật liệu nói trên trong miếng dán, giúp miếng dán có khả năng phản ứng với áp lực từ chuyển động của cơ cổ tác động lên nó. Khi một người thực hiện các chuyển động cần thiết để nói, thiết bị sẽ phản ứng bằng cách tạo ra các tín hiệu điện có thể chuyển thành lời nói.
Dù kết quả đầy hứa hẹn, song thiết bị vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển. Thử nghiệm thiết bị cũng chỉ giới hạn trong một số cụm từ và câu ngắn. Ông Chen cho biết nhóm sẽ tiếp tục làm việc để tăng khả năng chuyển thành lời nói của thiết bị.
Các công nghệ hiện có, chẳng hạn như một thiết bị nhỏ chạy bằng pin gọi là thanh quản điện, thường đắt tiền hoặc xâm lấn và nhiều người không thể tiếp cận chúng. Nhóm nghiên cứu cho biết nếu được chứng minh là hiệu quả, thiết bị mới có thể giúp công nghệ hỗ trợ giọng nói trở nên thuận tiện hơn và ít xâm lấn hơn.
Hai nghiên cứu mới đăng trên tạp chí khoa học Nature cho thấy sự tiến bộ trong giao diện não - máy tính (BCI), giúp hai bệnh nhân bị liệt có thể nói chuyện thông qua máy tính.