Chiều ngày 13/3, TAND thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ngày xét xử thứ 7 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức liên quan.
Vụ án do Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cầm đầu, cùng với 85 bị cáo đồng phạm khác thao túng SCB, gây thiệt hại của ngân hàng này hơn 304.000 tỷ đồng.
Trong phần thẩm vấn của các luật sư liên quan đến tài sản là dự án Mũi Đèn Đỏ và các tài sản liên quan trong vụ án án, cùng với việc định giá tài sản của Công ty Hoàng Quân, bị cáo Trương Mỹ Lan và nhiều cựu lãnh đạo của SCB cho rằng, kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân là không chính xác, thấp hơn rất nhiều so với giá trị thật.
Liên quan đến việc định giá của Công ty Hoàng Quân, cáo trạng nêu: Quá trình tạo lập các hồ sơ vay vốn để rút tiền của Ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã đưa 1.166 mã tài sản để đảm bảo cho 1.284 khoản vay, tổng giá trị tài sản đảm bảo đã bị nâng khống ghi nhận trên sổ sách là 1.265.504 tỷ đồng.
Để thực hiện báo cáo rà soát cho mục đích đặc biệt khi tổ chức tín dụng thuộc diện kiểm soát đặc biệt theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), theo đó tất cả tài sản bảo đảm của các khoản nợ với tổng số dư trên 50 tỷ đồng đối với khách hàng doanh nghiệp và trên 10 tỷ đồng đối với khách hàng cá nhân; tài sản bảo đảm của các khoản phải thu từ hợp đồng bán nợ, tài sản đã nhận để cấn trừ nợ vay đều được định giá lại bởi tổ chức có chức năng Thẩm định giá.
Ngày 03/01/2023, Ngân hàng SCB đã ký Hợp đồng thuê Công ty TNHH Thẩm định giá Hoàng Quân (viết tắt là Công ty Hoàng Quân) thực hiện định giá tài sản Ngân hàng SCB tại thời điểm ngày 30/9/2022.
Kết quả, Công ty Hoàng Quân xác định giá trị các tài sản của Ngân hàng SCB là 295.940 tỷ đồng, trong đó: Tài sản cố định của Ngân hàng SCB là: 5.946 tỷ đồng; Tài sản bảo đảm của các khoản vay còn dư nợ (bao gồm các khoản vay đã bán nợ cho VAMC, bán nợ trả chậm, cấn trừ nợ, bán tài sản trả chậm) là: 289.994 tỷ đồng.
Đối với 1.166 mã tài sản đảm bảo cho 1.284 khoản vay thuộc trách nhiệm của Trương Mỹ Lan, Công ty Hoàng Quân định giá 726/1.166 mã tài sản có giá trị định giá lại được phân bổ là 253.561 tỷ đồng; 440/1.166 mã tài sản Công ty Hoàng Quân không định giá với giá trị sổ sách phân bổ là 622.476 tỷ đồng, vì lý do: các tài sản là cổ phần, cổ phiếu, quyền tài sản, bất động sản không đủ hồ sơ, pháp lý tài sản, một số tài sản không thuộc phạm vi định giá lại.
Theo đánh giá của Ngân hàng SCB, có 517/726 mã tài sản có đủ pháp lý thế chấp/cầm cố để được tính giá trị tài sản khi thực hiện trích lập dự phòng rủi ro, giá trị phân bổ theo tờ trình và/hoặc Hợp đồng thế chấp/Cầm cố là 179.196 tỷ đồng; Số còn lại 209/726 mã tài sản không có đủ điều hiện pháp lý (chưa có hợp đồng thế chấp/cầm cố, hợp đồng thế chấp chưa được công chứng, tài sản chưa đăng ký giao dịch đảm bảo quy định,...).
Do vậy, Ngân hàng SCB không thể tiến hành xử lý tài sản, không đủ điều kiện để được tính giá trị tài sản khi trích lập dự phòng rủi ro.
Kết quả định giá nêu trên là căn cứ xác định thiệt hại của vụ án (dư nợ các khoản vay trừ đi giá tài sản đảm bảo đã được Công ty Hoàng Quân định giá).
Tuy nhiên, tại phiên tòa bị cáo Trương Mỹ Lan không đồng ý với kết quả thẩm định của Công ty Hoàng Quân. Theo bị cáo Lan, với 726 tài sản được Công ty Hoàng Quân định giá chỉ có tổng là trị khoảng hơn 253.000 tỷ đồng là quá thấp.
Dẫn chứng, dự án Mũi Đèn Đỏ được Công ty Hoàng Quân định giá chỉ 17.000 tỷ đồng, trong khi có "nhắm mắt, nhắm mũi" thì khi bồi thường cũng đã hơn 100.000 tỷ đồng, từ đó bị cáo Lan đề nghị xem xét định giá lại.
Đối với 440/1.166 mã tài sản Công ty Hoàng Quân không định giá vì lý do: các tài sản là cổ phần, cổ phiếu, quyền tài sản, bất động sản không đủ hồ sơ, pháp lý tài sản, một số tài sản không thuộc phạm vi định giá lại, bị cáo Trương Mỹ Lan nói đã rất nhiều lần có ý kiến về các tài sản này.
Theo bị cáo Lan, các tài sản này có một phần từ trước thời điểm hợp nhất SCB và đang trong quá trình hoàn thiện giấy tờ, nên trên thực tế
các mã tài sản này rất có giá giá trị. Từ đó, bị cáo Lan đề nghị HĐXX định giá lại toàn bộ 1.166 mã tài sản để đảm bảo tính chính xác và giảm thiệt hại trong vụ án.
Liên quan đến kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân, trong đó tài sản là dự án Mũi Đèn Đỏ, luật sư Nguyễn Thành Công (bào chữa cho bị cáo Trần Thị Mỹ Dung) hỏi bị cáo Trương Khánh Hoàng, cựu quyền Tổng giám đốc SCB về giá trị đền bù dự án công viên Mũi Đèn Đỏ ở thời điểm trước khi khởi tố vụ án này. Trả lời, bị cáo Hoàng cho rằng, thời điểm năm 2020 thì dự án này có giá thị trường từ 60 đến 80 triệu đồng/m2. Do đó, bị cáo Hoàng cho rằng Công ty Hoàng Quân chỉ định giá tài sản là dự án Mũi Đèn Đỏ chỉ hơn 17.000 tỷ đồng là quá thấp.
Cùng có câu trả lời, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung cũng cho biết, thời điểm gần xảy ra vụ án, dự án Mũi Đèn Đỏ (có diện tích khoảng 117ha), đã thực hiện đền bù hơn 90%. Chỉ tính giá trị đền bù đất lúa tại dự án từ khoảng 80 đến 90 triệu đồng/m2.
“Theo bị cáo nghĩ với diện tích đó nhân với giá trị thì trường thì có giá trị khoảng 70.000 tỷ đồng, đó là giá trị thực tế, chưa tính các thủ tục pháp lý”, bị cáo Dung trả lời và nói thêm rằng, giá trị định giá của Công ty Hoàng Quân về dự án Mũi Đèn Đỏ là rất thấp.