Theo lãnh đạo Bệnh viện Thống Nhất, chương trình tầm soát miễn phí bệnh thận sẽ diễn ra trong thời gian khoảng thời gian 1 năm. Đối tượng chủ yếu dành cho người trẻ tuổi ở các khu dân cư, công nhân các khu công nghiệp, đặc biệt là những người chưa có bảo hiểm y tế, không có thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Theo PGS-TS, Nguyễn Bách, Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Thống Nhất, trong chương chương trình tầm soát bệnh thận, người dân sẽ được nhân viên y tế đo huyết áp, vì tăng huyết áp và bệnh thận có liên quan mật thiết với nhau, sau đó thực hiện tổng phân tích nước tiểu. Tổng thời gian mất khoảng 20 phút/người.
"Người trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh thận cao, thường do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, như ăn nhiều đạm động vật, ít uống nước, sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc… Bên cạnh đó còn do sử dụng bừa bãi các loại thuốc đặc biệt là thuốc kháng viêm, lạm dụng thực phẩm chức năng hay các sản phẩm thuốc đông y không rõ nguồn gốc; hút thuốc lá, uống rượu và thức khuya...", PGS-TS Nguyễn Bách nói.
PGS-TS Đỗ Kim Quế, Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất thông tin thêm, cần tầm soát và phát hiện sớm bệnh thận vì không thể chờ bệnh đến giai đoạn cuối mới bắt đầu điều trị mà phải phòng ngừa và phát hiện bệnh sớm. Với người suy thận mạn thì phải lọc thận suốt đời hoặc phải ghép thận để kéo dài sự sống nhưng hiện nay nguồn thận ghép vẫn còn khan hiếm.
Cũng theo PGS-TS Đỗ Kim Quế, Bệnh viện Thống Nhất đã lên kế hoạch và triển khai chương trình ghép thận - hỗ trợ bệnh nhân suy thận trong 5 năm với sự hỗ trợ từ nhiều nơi, đặc biệt là Bệnh viện Chợ Rẫy. Ca ghép thận đầu tiên được thực hiện vào năm 2022, đến nay, bệnh viện đã ghép ca thứ 11 và chuẩn bị ghép ca thứ 12.