vĐồng tin tức tài chính 365

Lộ nhiều chiêu hướng dẫn cài đặt VNeID giả mạo, chiếm đoạt tiền tỉ

2024-03-14 14:31
Giao diện của ứng dụng VNeID thật của Bộ Công an trên điện thoại - Ảnh: MINH HÒA

Giao diện của ứng dụng VNeID thật của Bộ Công an trên điện thoại - Ảnh: MINH HÒA

Cài đặt ứng dụng có giao diện gần giống VNeID của Bộ Công an

Ngày 14-3, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà T.T.Th. (55 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết ngày 1-3, bà nhận được điện thoại (giọng nam) xưng là cán bộ công an và đề nghị bà cài đặt ứng dụng VNeID để kích hoạt định danh điện tử mức 2.

Người này đã hướng dẫn bà Th. vào Google tìm trang web "dichvucong.bvgov.com" để tải ứng dụng VNeID. Tin lời người này, bà Th. tải ứng dụng "VNeID" về điện thoại. "Ứng dụng  này có giao diện gần giống giao diện ứng dụng VNeID thật của Bộ Công an", bà Th. chia sẻ.

Khi bà Th. đăng nhập thì có gửi mã OTP về số điện thoại bà đang dùng. Sau khi nhập, trên màn hình hiện lên tỉ lệ % và được người đàn ông nói là tỉ lệ tải phần mềm.

Lúc đang tải, bà Th. nhận được thông báo tài khoản Ngân hàng Vietcombank chuyển khoản tiền cho tài khoản 8851442285 mang tên TO THAI DUY (Ngân hàng BIDV) hết 60 triệu đồng. Lúc này, chồng bà gần đó mới tá hỏa, mở điện thoại ra và cắt dây trong điện thoại để ngắt kết nối.

Sau khi biết mình bị lừa, bà Th. đến Công an quận Bình Thạnh trình báo vụ việc. Đồng thời, bà cũng đến chi nhánh Ngân hàng Vietcombank và chi nhánh BIDV để trình báo sự việc.

"Trong quá trình cài đặt ứng dụng trên web lạ, tôi không đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng VCB Digibank cũng như thực hiện lệnh chuyển tiền, không hiểu tại sao họ thực hiện lệnh chuyển tiền qua tài khoản khác được. Trên email thông báo của hệ thống cũng thông báo rõ chủng loại thiết bị, địa chỉ IP của thiết bị (vị trí) đăng nhập app VCB Digibank mà nhóm lừa đảo dùng, các thông tin về tài khoản nhận tiền, người nhận tiền đều rất rõ ràng. Số điện thoại hiện nay cũng được kích hoạt sim chính chủ", bà Th. bày tỏ.

Mất 1,5 tỉ đồng trong tích tắc

Tượng tự, ngày 7-3, chị L.K.Q. nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 09478839123, tự xưng là cán bộ Công an phường 16, quận 4, yêu cầu chị Q. đăng ký lại thông tin định danh mức 2 do tài khoản của chị chưa được đăng ký vì lỗi hệ thống.

Sau đó, người này đọc đúng họ tên, số căn cước công dân và nơi cư trú của chị Q., thông báo chị Q. có thể lên công an để đăng ký nhưng hiện tại đang quá tải, phải xếp hàng rất đông, chờ đợi lâu mới tới lượt. Để chị Q. không phải mất thời gian xếp hàng chờ đợi, người này hướng dẫn chị Q. thực hiện các thao tác cài đặt ứng dụng qua điện thoại cho thuận tiện nên chị Q. đồng ý.

Người đàn ông này nói với chị Q. là nếu thực hiện trên điện thoại iPhone thì sẽ tiếp tục bị lỗi hệ thống nên yêu cầu chị Q. phải sử dụng điện thoại có hệ điều hành Android để làm lại định danh (chị Q. lúc này đang sử dụng một máy chính là iPhone và một máy phụ là Samsung). 

Sau đó, người đàn ông dùng Zalo tên "Thanh Luân" kết bạn với chị Q. và gọi video qua Zalo để hướng dẫn chị Q. (trong lúc gọi không thấy hình ảnh của người đàn ông).

Chị được hướng dẫn vào mục tìm kiếm trên Google tìm "dichvucong.bvgov.com" và tải ứng dụng "Cổng dịch vụ công Bộ Công an" về điện thoại.

Sau khi tải ứng dụng về, người này hướng dẫn chị Q. thực hiện các bước để định danh như: đăng nhập, lấy dấu vân tay… Người đàn ông thông báo dịch vụ này phải đóng phí 12.000 đồng và hướng dẫn chị Q. đăng nhập app ngân hàng MB Bank trên điện thoại Samsung.

Sau đó, kẻ gian bảo chị Q. lấy sim chính từ điện thoại iPhone bỏ qua điện thoại Samsung để thực hiện trả phí và hướng dẫn chị Q. lấy lại mật khẩu app ngân hàng MB Bank trên điện thoại Samsung. Sau khi chị Q. nhận tin nhắn từ MB Bank về điện thoại Samsung thì ngay lập tức tài khoản ngân hàng MB Bank của chị Q. bị trừ tiền 3 lần, mỗi lần là 499.999.999 đồng (tổng cộng gần 1,5 tỉ đồng).

Thấy tài khoản bị trừ hết tiền, chị Q. lo lắng và liên hệ phía ngân hàng thì được biết tài khoản của chị đã bị "hack" và toàn bộ số tiền của chị đã bị bốc hơi đến một tài khoản của người khác. Lúc này, chị Q. biết mình bị lừa nên đến công an trình báo.

Với cách thức tương tự, ngày 4-3, chị H.T.K.L. cũng bị lừa 80 triệu đồng. Chị L. đã trình báo Công an quận 1.

Không hướng dẫn kích hoạt VNeID qua điện thoại

Trước đó, Công an TP.HCM thông tin thời gian qua xuất hiện thủ đoạn giả danh cơ quan công an gọi điện thoại cho người dân hướng dẫn cài đặt ứng dụng (app) VNeID giả mạo, kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Công an TP.HCM khẳng định công an chỉ hỗ trợ kích hoạt định danh điện tử trực tiếp cho người dân, không hướng dẫn kích hoạt qua gọi điện thoại.

Theo Công an TP.HCM, lợi dụng sự nắm bắt chưa đầy đủ các thông tin liên quan đến việc cài đặt app VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử của một bộ phận người dân, kẻ xấu đã gọi điện, sau đó gửi đường link qua tin nhắn Zalo, Facebook... yêu cầu người dân truy cập và cài đặt phần mềm "VNeID" giả mạo (có giao diện giống với ứng dụng VNeID thật).

Từ đó, kẻ xấu kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng và thực hiện lệnh chuyển tiền trên điện thoại nạn nhân chiếm đoạt tài sản.

Công an TP.HCM khuyến cáo người dân chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống trên App Store (đối với hệ điều hành iOS cho điện thoại iPhone) và CH Play (đối với hệ điều hành Android). Tuyệt đối không cài đặt VNeID từ nguồn ngoài, từ các đường link lạ; không bật chế độ cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định trên điện thoại, nguy cơ mất an toàn cho thiết bị; không cung cấp thông tin cá nhân của bản thân qua điện thoại.

Cảnh báo cuộc gọi lừa đảo Cảnh báo cuộc gọi lừa đảo 'hướng dẫn kích hoạt tài khoản VNeID'

Kẻ xấu giả danh công an gọi điện, gửi đường "link lạ" hướng dẫn cài đặt VNeID giả mạo để lấy cắp tiền của nạn nhân.

Xem thêm: mth.76691550141304202-it-neit-taod-meihc-oam-aig-dienv-tad-iac-nad-gnouh-ueihc-ueihn-ol/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Lộ nhiều chiêu hướng dẫn cài đặt VNeID giả mạo, chiếm đoạt tiền tỉ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools