Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi Công văn số 31/CV-VASEP tới các bộ, ngành: Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư; Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính và Tổng cục Thuế góp ý về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi và dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 9 của Dự thảo, tất cả các dịch vụ xuất khẩu sẽ áp dụng thuế GTGT 10% ngoại trừ một số dịch vụ được quy định chi tiết tại khoản này.
VASEP cho rằng quy định trên chưa hợp lý bởi theo thông lệ quốc tế, các quốc gia khác đều áp thuế suất 0% cho dịch vụ xuất khẩu và cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào. Đồng thời, các nước này thường áp dụng nguyên tắc doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm, cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.
Do đó, việc đánh thuế GTGT đối với dịch vụ xuất khẩu là không phù hợp với thông lệ, xu hướng của thế giới, tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu so với các nước.
Bên cạnh đó, khi áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ xuất khẩu, các doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa vẫn được khấu trừ. Thậm chí, thủ tục hoàn thuế sẽ càng đơn giản hơn vì được khấu trừ cho dịch vụ xuất khẩu. Cơ chế khấu trừ thuế này là rất tốt.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp không thuộc đối tượng kê khai thuế, họ lại không có cơ chế được hoàn thuế. Vì vậy, việc áp dụng thuế đối với dịch vụ xuất khẩu gây ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa, bởi vì cùng là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xuất khẩu nhưng một bên được khấu trừ thuế đối với dịch vụ xuất khẩu, một bên không được khấu trừ. Đồng thời, khi áp dụng đối với doanh nghiệp chế xuất là sai với nguyên tắc thu thuế và đối tượng chịu thuế.
Theo phân tích của cơ quan này, đối với các doanh nghiệp chế xuất, toàn bộ khoản thuế phải nộp sẽ phải tính vào chi phí. Điều này dẫn đến giá thành của sản phẩm xuất khẩu bị đội lên rất nhiều.
Kết quả dẫn đến doanh nghiệp chế xuất tại Việt Nam bị giảm sức cạnh tranh so với các đối thủ ở các quốc gia khác, giảm kim ngạch xuất khẩu, từ đó không giữ chân được nhà đầu tư hiện tại cũng như không thu hút được nhà đầu tư mới do chính sách thuế bất lợi hơn các quốc gia khác.
Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Từ giai đoạn đổi mới đến nay, xuất khẩu hàng hoá luôn là động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước, với tốc độ tăng trung bình gần 15% mỗi năm.
Kết quả này có được không thể không kể đến vai trò của việc đơn giản hóa thủ tục hải quan đối doanh nghiệp chế xuất bằng việc xem doanh nghiệp chế xuất là khu phi thuế quan, giúp doanh nghiệp giảm bớt quy trình, thủ tục hải quan, doanh nghiệp thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ với khối lượng lớn nhanh chóng.
VASEP nhận định, đây là cơ chế ưu việt, cạnh tranh và rất tốt của Chính phủ Việt Nam về thu hút đầu tư so với nước khác. Do đó, áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ xuất khẩu không những giảm sự cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất mà còn tạo thêm nhiều thủ tục về thuế cho doanh nghiệp chế xuất. Đồng thời, đi ngược lại với chính sách khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu và chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia của Chính phủ.
Cũng theo VASEP, hiện nay, xuất khẩu dịch vụ là lĩnh vực đang có tiềm năng phát triển rất lớn. Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 20 tỷ đô la, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 11% mỗi năm, cao hơn so với tăng trưởng GDP. Việt Nam đang nhập siêu dịch vụ ở mức hơn 10 tỷ đô la mỗi năm.
Để cung cấp dịch vụ xuất khẩu, các doanh nghiệp thường không yêu cầu vốn đầu tư quá lớn như công nghiệp chế biến chế tạo, phù hợp với một nền kinh tế thiếu vốn như Việt Nam. Thêm vào đó, xuất khẩu dịch vụ trên môi trường internet hiện nay giúp quảng bá hình ảnh đất nước và làm gia tăng sức mạnh mềm của quốc gia.
Xuất khẩu hàng hoá luôn là động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước, với tốc độ tăng trung bình gần 15% mỗi năm. Kết quả này có được không thể không kể đến vai trò của chính sách thuế GTGT đối với hàng hoá xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% và doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào.
"Mặc dù trong quá trình áp dụng, vẫn có tình trạng một số doanh nghiệp gian lận để trục lợi hoàn thuế, nhưng điều đó không thể phủ nhận ích lợi to lớn của chính sách thuế xuất khẩu hàng hoá 0%. Ngành thuế giai đoạn đầu cũng gặp nhiều khó khăn trong việc chống gian lận hoàn thuế, nhưng qua nhiều năm thực hiện, với nhiều nỗ lực thì tình trạng này đã được hạn chế rất nhiều", VASEP nhận định.
Đối với xuất khẩu dịch vụ, Luật Thuế GTGT hiện hành cho phép hưởng thuế suất 0%. Nhưng trên thực tế phản ánh của nhiều doanh nghiệp, họ vẫn thường bị áp mức thuế 10% do cán bộ thuế không phân biệt được đâu là dịch vụ tiêu dùng trong nước, đâu là dịch vụ xuất khẩu. Cũng xuất phát từ lý do khó khăn trong thực thi này, Dự thảo này đã đề xuất không cho phép dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% nữa, mà thay vào đó là áp thuế 10%.
Theo quy định của một số quốc gia khác trong việc thực hiện chính sách thuế GTGT dịch vụ xuất khẩu 0% cho thấy các nước thường áp dụng nguyên tắc doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm, cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm. Để bảo đảm kê khai thuế chính xác, các quốc gia cũng yêu cầu doanh nghiệp phải hạch toán riêng doanh thu từ người dùng trong nước và nước ngoài, sử dụng nhiều biện pháp kiểm tra như dữ liệu từ các nền tảng trung gian (Google, Apple...), IP của người dùng, và dữ liệu thanh toán ngân hàng. Các thông tin này được thu thập, phân loại và quản lý theo rủi ro.
Nhiều doanh nghiệp phản ánh, thời gian qua, để bảo đảm hạch toán riêng giữa doanh thu từ người dùng trong nước và người dùng nước ngoài, doanh nghiệp đã buộc phải tách sản phẩm thành hai phiên bản để cung cấp cho hai thị trường khác nhau. Tuy nhiên, giải pháp này phát sinh nhiều vấn đề và làm tăng chi phí vận hành, cung cấp sản phẩm của doanh nghiệp.
Hiện nay, tình trạng các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam ra nước ngoài mở doanh nghiệp diễn ra ngày càng phổ biến. Ngoài việc có được ưu thế về huy động vốn từ nhà đầu tư, môi trường kinh doanh thuận lợi, thì vấn đề thuế cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng này. Nếu mở doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp cho người dùng nước ngoài, sản phẩm sẽ phải chịu hai lần thuế GTGT cho hai quốc gia. Nhưng nếu mở doanh nghiệp tại nước ngoài để cung cấp cho người dùng tại Việt Nam thì chỉ phải chịu một lần thuế GTGT tại Việt Nam.
Trước những bất cập kể trên, VASEP đề nghị giữ nguyên quy định về thuế cho dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% như quy định hiện hành. Đồng thời, giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp phân loại dịch vụ xuất khẩu và dịch vụ tiêu dùng trong nước.
Về đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến kê khai, xuất hóa đơn, hoàn thuế, xử lý sai sót
Để giúp các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong việc đơn giản hóa rất nhiều thủ tục liên quan hiện nay như kê khai thuế, xuất hóa đơn, hoàn thuế, xử lý sai sót trong quá trình thực thi Luật Thuế GTGT, phản ánh đúng bản chất Sắc thuế, và đạt hiệu quả thực thi cao, đề nghị bổ sung và Dự thảo Luật Thuế GTGT các đề xuất bổ sung như sau:
Thứ nhất, đề xuất cắt giảm từ 4 mức thuế suất xuống còn 3 mức thuế GTGT.
Cụ thể có 2 mức: không chịu thuế, không tính thuế (như hiện hành) và 1 mức 7% hoặc 8% áp dụng thống nhất theo nhóm hàng hóa, dịch vụ nhằm loại bỏ việc doanh nghiệp, người dân phải giải thích, giải trình với cơ quan thuê hay bị cơ quan thuế phân biệt mức thuế theo mục đích sử dụng.
Cùng 1 quy trình sản xuất nhưng có sản phẩm thì chịu thuế GTGT 5%, có sản phẩm lại chịu thuế GTGT lên tới 10% chỉ do đó là phế liệu, phế phẩm của dây chuyền sản xuất sản phẩm sơ chế và sản phẩm giá trị gia tăng,...
VASEP đưa ra lý do của đề xuất trên nhằm đơn giản hóa việc tính thuế, áp thuế (cho cả người dân, doanh nghiệp, cơ quan thực thi, quản lý thuế) tránh tình trạng vướng mắc gì các doanh nghiệp, hiệp hội cũng phải có công văn hỏi (Ví dụ: như Thuế suất cho sản phẩm nghêu từ năm 2018 đến nay vẫn có nhiều doanh nghiệp phải viết công văn hỏi các Cơ quan Thuế). Phản ánh sát bản chất bản sắc thuế GTGT là hướng đến đối tượng chi trả thuế là người tiêu dùng.
Thứ hai, về khấu trừ thuế và hoàn thuế GTGT.
Bản chất Thuế GTGT là đánh vào người tiêu dùng (sản phẩm mất đi hay ra khỏi đời sống, kinh doanh), không đánh vào doanh nghiệp (doanh nghiệp là người thu-nộp hộ nhà nước nên sẽ phải được hoàn hay khấu trừ đầu vào) nên để đảm bảo công bằng, đúng bản chất sắc thuế, Dự thảo cần sửa đổi quy định hoàn thuế đối với sản xuất - kinh doanh nội địa, cho phép nếu thuế được khấu trừ âm 500 triệu thì được hoàn thuế đầu vào.
Đồng thời sửa quy định bắt buộc kê khai hóa đơn đúng kỳ (chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp kê khai đúng kỳ), cho phép chậm, giải trình theo quy định miễn là đảm bảo phù hợp với quy định, chuẩn mực kế toán và Luật kế toán và hạch toán (cho phép độ lệch thời gian hạch toán: Kho và công nợ hàng và hóa đơn).
Điều chỉnh quy định về lập hóa đơn hàng trả lại phù hợp chê độ, chuẩn mực kế toán (tài khoản riêng, ghi nhận hàng bán trả lại) phù họp trường hợp hàng xuất khẩu trả lại (bên trả ra hóa đơn, bên xuất khẩu lại phải ra hóa đơn một lần nữa khiến công việc trở nên nhiêu khê, trùng lắp, khó quản lý.
Lý do của đề xuất này nhằm công bằng giữa các đối tượng doanh nghiệp (gián thu) là cộng tác viên thu-nộp hộ cơ quan thuế. Tránh doanh nghiệp lạm dụng nhưng cũng đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp: Các doanh nghiệp đều bình đẳng được hoàn thuế hay khấu trừ kịp thời mà doanh nghiệp không bị buộc trở thành người chịu thuế/gánh thuế và vẫn được hach toán vào chi phí.
Tuệ Minh