Những doanh nghiệp nhỏ, 'độc lạ' trên sàn trả cổ tức thế nào
Công ty cổ phần Lâm Nông sản thực phẩm Yên Bái (CAP) vừa chốt ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức năm 2022-2023 với tỉ lệ 100% vào 19-3 tới.
Trong khi nhiều doanh nghiệp chỉ trả cổ tức 10-15% trên mệnh giá, CAP sẽ chi cổ tức 50% bằng tiền mặt, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 5.000 đồng và 50% được trả bằng cổ phiếu (100 cổ phiếu nhận thêm 50 cổ phiếu mới).
Theo báo cáo quản trị 2023, gia đình ông Trương Ngọc Biên - chủ tịch CAP, nắm tới hơn 28% vốn. Do vậy, đây cũng là nhóm cổ đông sẽ nhận được nhiều cổ tức nhất.
CAP là doanh nghiệp thành lập năm 1972, vốn điều lệ hơn 100 tỉ đồng, nổi tiếng với lĩnh vực kinh doanh vàng mã.
Thị giá cổ phiếu CAP cũng đang ở mức cao - 101.800 đồng/cp kết ngày 14-3, đã tăng hơn 70% sau một năm. Công ty này cũng nằm trong nhóm chi trả cổ tức cao đều đặn hàng năm.
Trong danh sách doanh nghiệp có ngành nghề "độc" trên sàn, còn có Công ty Cổ phần Phục vụ mai táng Hải Phòng (CPH). Doanh nghiệp này cũng đã lên kế hoạch chi trả cổ tức 2023.
Theo tờ trình đại hội cổ đông, CPH dự kiến chi cổ tức bằng tiền, tỉ lệ 18,48% (1 cổ phiếu nhận 1.848 đồng). Về kết quả kinh doanh, CPH ghi nhận doanh thu năm 2023 là 131 tỉ đồng, giảm 14% so với năm trước. Còn lãi sau thuế hơn 10,1 tỉ đồng, giảm 6%.
Chi trả cổ tức đều đặn nhiều năm qua, nhưng giá mỗi cổ phiếu CPH duy trì ổn định 300 đồng. CPH cũng không ghi nhận giao dịch trong nhiều năm qua khi chỉ có lệnh đặt mua, nhưng "không ai bán".
Lãi kỷ lục, nhiều doanh nghiệp hồ hởi chi cổ tức
Vừa báo lãi kỷ lục, Công ty cổ phần Bến xe Miền Tây (WCS) lập tức chi trả cổ tức cho cổ đông tỉ lệ vượt xa kế hoạch "không thấp hơn 20%" thông qua hồi đầu năm.
Theo đó, WCS chốt ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức hôm 20-3 tới, với tỉ lệ 144%. Mỗi cổ phiếu cổ đông sẽ nhận về 14.400 đồng. Dù là công ty nhỏ với vốn điều lệ 25 tỉ đồng, nhưng thị giá WCS đang ở "top" cao nhất sàn với mức 213.000 đồng/cp, tăng hơn 30% sau một năm.
Năm 2023, doanh thu thuần của WCS đạt 140 tỉ đồng, tăng gần 50% so với năm trước và vượt 17% kế hoạch. Còn lợi nhuận sau thuế đạt 66,4 tỉ đồng, tăng 74%, mức cao nhất nhiều năm trở lại đây.
Nhờ giá đường chạm mức cao nhất trong 12 năm qua, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) cũng báo lãi kỷ lục năm 2023 với 2.183 tỉ đồng, tăng 70% so với 2022.
Rủng rỉnh lãi, QNS dự kiến chia cổ tức 2023 bằng tiền mặt, tỉ lệ 40%. Đây là mức chia cổ tức bằng tiền mặt cao nhất của QNS trong gần chục năm qua kể từ 2014.
Ngược xu hướng với nhiều doanh nghiệp cùng ngành, Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Tây (WSB) vừa trải qua một năm có kết quả kinh doanh tăng trưởng. Doanh thu và lợi nhuận đạt 852 tỉ đồng và 83 tỉ đồng, tăng lần lượt 14% và 17%.
Theo đó, WSB sẽ trình đại hội cổ đông xem xét phương án trả cổ tức 2023 với tỉ lệ 40% bằng tiền thay vì mức 30% đặt ra năm trước. Đây cũng là mức cao nhất 3 năm gần đây. Dự kiến số tiền chi cổ tức khoảng 58 tỉ đồng, phần nhiều sẽ chảy về công ty mẹ là Sabeco.
Ai lựa chọn doanh nghiệp chi cổ tức cao?
Với những nhà đầu tư lựa chọn an toàn, ông Phạm Bình Phương - chuyên gia Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, họ có thể sẽ quan tâm đến các doanh nghiệp có một số yếu tố sau.
Thứ nhất, những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh thiên về sản xuất hoặc những doanh nghiệp ngành tài chính có tính an toàn ổn định cao như ngành bảo hiểm. Thứ hai, chi trả cổ tức bằng tiền mức cao, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý việc tự đầu tư vào cổ phiếu theo chiến lược cổ tức hay chênh lệch giá cũng đòi hỏi nhiều kiến thức, kinh nghiệm, thông tin và thời gian để mang lại hiệu quả.
Một thống kê từ VietstockFinance, trong năm 2023, có 749 doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức bằng tiền trên cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM. Trong đó, 441 đơn vị chi trả với tỉ lệ từ 10% trở lên.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 được tổ chức hôm nay, 14-4, cổ đông Eximbank đã thông qua việc chia cổ tức với tỉ lệ 18% bằng cổ phiếu. Như vậy sau gần 10 năm chờ đợi cổ đông Eximbank mới được chia cổ tức.