Đường Hùng Vương nối dài tại thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) có tổng mức đầu tư 70 tỉ đồng, được xem là con đường đẹp, rộng rãi bậc nhất thị trấn phố núi này.
Huyện cam kết "được rào lại đất"
Con đường rộng hàng chục mét thảm nhựa bị lưới nhựa, cành cây khô, bảng hiệu, thanh thép, gạch đá và cả một cái giường gỗ cũ kỹ rào chắn. Hai bên tuyến đường chỉ còn lại vỉa hè đủ rộng để xe máy, xe đạp điện và ô tô con qua lại.
Ông Lê Tấn Trung thừa nhận ông và một hộ gia đình khác đã rào lại phần đường này, vì huyện Hướng Hóa chậm trễ giải quyết việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Việc rào đường bắt đầu từ đầu năm 2024. Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, thị trấn Khe Sanh vào vận động nên ông Trung tháo dỡ để người dân đi lại.
"Xong Tết tôi rào đường lại cả tháng mà không thấy ai bên huyện vào trao đổi. Nếu họ trao đổi về vướng mắc, hợp tình hợp lý thì tôi vẫn thông cảm", ông Trung nói.
Gia đình ông Trung bị thu hồi 1.000m2 đất phục vụ dự án đường Hùng Vương, khởi công năm 2017. Đổi lại, ông được cấp 3 lô đất tái định cư có thu tiền sử dụng đất và một lô đất thuộc đội thuế ở quốc lộ 9. Tương tự, hộ Lê Đức Hanh cũng được cấp đất tái định cư.
Do vướng mắc nhiều vấn đề, đến tháng 2-2022, hai hộ dân mới chịu nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, giá đất tái định cư lúc này áp theo mức mới, tăng cao dẫn đến chênh lệch so với thời điểm 2017 là gần 2,2 tỉ đồng.
Tháng 7-2023, Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng huyện Hướng Hóa đối thoại với hai hộ dân, cam kết cuối tháng 9-2023, huyện hỗ trợ chênh lệch giá đất, hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hai hộ.
"Trong trường hợp quá thời hạn nêu trên mà chưa hoàn thành các thủ tục thì hai hộ dân có quyền rào lại phần đất đã thu hồi", bản cam kết do Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng cùng nhiều phòng ban đã ký.
Xe tải đi vòng xa gấp đôi, con em bị ngã
"Hằng ngày qua lại quá vất vả, con cái đi học khó khăn, khi leo xe lên vỉa hè có khi bị ngã. Nhà tôi có xe tải chở hàng hóa nếu đi đường này thì 5km, mà đường vòng dài gấp đôi, đường lại xấu hơn.
Nhà nước nhanh thông đường để dân đỡ vất vả, con em đi học thoải mái", bà Hoàng Thị Oanh, người dân khóm 7, thị trấn Khe Sanh, nói.
Huyện ủy Hướng Hóa cuối tháng 2 và ngày 11-3 đã hai lần gửi văn bản có ý kiến UBND huyện Hướng Hóa sớm giải quyết các vấn đề tồn đọng về đền bù, hỗ trợ mặt bằng, chấm dứt tình trạng rào đường, cản trở giao thông, ảnh hưởng mỹ quan đô thị.
Huyện ủy cũng yêu cầu "tổ chức tháo dỡ, xử lý hành vi rào đường để người dân đi lại đảm bảo an toàn giao thông".
Trước chỉ đạo trên, ông Trần Bình Thuận - chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa - cho hay đang đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ gần 2,2 tỉ đồng tiền chênh lệch cho các hộ dân, đồng thời sẽ sớm tổ chức lực lượng để tháo dỡ rào chắn.
Việc áp dụng cơ chế mới đã giúp công tác giải phóng mặt bằng đường vành đai 3 TP.HCM đạt kỷ lục, trở thành dự án kiểu mẫu. Thành quả dễ thấy ngay là không chỉ dự án "chạy" nhanh hơn mà còn giúp người dân bị ảnh hưởng sớm an cư tại nơi ở mới.