Cuối tuần trước, Đài RSI của Thụy Sĩ phát sóng cuộc phỏng vấn với Giáo hoàng Francis, trong đó người đứng đầu Giáo hội Công giáo cho rằng cần có sự can đảm để Kiev "giương cờ trắng" và tham gia đàm phán hòa bình với Nga.
"Bây giờ không phải là thời điểm cần thiết để đề nghị Ukraine đầu hàng. Ngược lại, đây là thời điểm chúng ta cần tiếp tục giúp đỡ" - người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell, nói trong cuộc phỏng vấn với Đài RNE của Tây Ban Nha, ngày 14-3.
Nhà ngoại giao hàng đầu của EU là quan chức mới nhất bình luận về phát ngôn của Giáo hoàng.
Bình luận của Giáo hoàng cũng gây phản ứng ở Ukraine. Ngày 10-3, Tổng thống Volodymyr Zelensky nhắc đến các nhân vật tôn giáo đang giúp đỡ Ukraine, nhưng không đề cập trực tiếp đến Giáo hoàng Francis.
"Họ ủng hộ chúng tôi bằng những lời cầu nguyện, bằng các cuộc thảo luận và bằng việc làm của chính họ. Đó mới thật sự là giáo hội đối với người dân", ông Zelensky nói. "Chứ không phải cách đó hàng nghìn cây số, làm trung gian giữa bên muốn sống và bên muốn hủy diệt".
Về bình luận Kiev cần sự can đảm để "giương cờ trắng", Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba nhấn mạnh rằng người can đảm là người luôn "đứng về lẽ phải" và quốc kỳ Ukraine là lá cờ duy nhất mà đất nước này sẽ "sống, chết và chiến thắng" vì nó.
"Chúng tôi sẽ không bao giờ treo bất kỳ lá cờ nào khác", ông Kuleba tuyên bố.
Trong khi đó, Điện Kremlin cho biết họ chia sẻ với mong muốn của Giáo hoàng về các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, bản thân Matxcơva cũng đã nhiều lần kêu gọi đàm phán.
Theo Điện Kremlin, ngay cả sau khi các cuộc đàm phán giữa Matxcơva và Kiev đổ vỡ hồi mùa xuân năm 2022, Nga vẫn nhiều lần nhấn mạnh rằng nước này sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình có ý nghĩa, tuy nhiên đổ lỗi cho chính quyền Ukraine về tình trạng thiếu đột phá ngoại giao.
Trong khi đó, Kiev và đồng minh phương Tây nhấn mạnh rằng thỏa thuận chỉ đạt được khi thỏa mãn các điều kiện của Ukraine. Nước này đang thúc đẩy công thức hòa bình do Tổng thống Zelensky đề xuất, trong đó kêu gọi Nga trả lại toàn bộ lãnh thổ cũ, rút toàn bộ quân đội và đưa các lãnh đạo Nga ra tòa án quốc tế để xét xử.
Đức là bên mới nhất chỉ trích phát biểu của Giáo hoàng Francis cho rằng Ukraine nên đầu hàng. Trong khi đó tại Nga, Điện Kremlin tiếp tục bình luận tích cực về chuyện này.