Bức ảnh khiến Hoàng gia Anh chao đảo
Ngày 10/3, tài khoản Instagram chính thức của Thân vương và Vương phi xứ Wales chia sẻ bức ảnh chụp Công nương Kate và ba con để kỷ niệm Ngày của Mẹ ở Vương quốc Anh.
Bức ảnh nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý vì đánh dấu lần trở lại chính thức đầu tiên của Công nương Kate kể từ Giáng sinh 2023. Nó thay cho lời khẳng định từ Cung điện Kensington rằng hoàng hậu tương lai vẫn ổn và đang phục hồi tốt.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, ba hãng thông tấn lớn nhất thế giới là Reuters , Associated Press ( AP ) và Agence France-Presse ( AFP ) đồng loạt ban hành “photo kill” (tiêu diệt ảnh) đối với bức ảnh. Theo đó, ba cơ quan báo chí thông báo hủy, gỡ bỏ bức ảnh ra khỏi cơ sở dữ liệu và yêu cầu khách hàng cũng xóa nó khỏi ấn phẩm của họ. Getty Images và PA sau đó cũng có động thái tương tự.
Sự việc gây chấn động toàn cầu, dội quả bom mới vào Hoàng gia Anh với sức công phá còn ghê gớm hơn cả những gì Hoàng tử Harry và Meghan Markle gây ra. Chưa bao giờ uy tín của Hoàng tử William và Công nương Kate bị giảm sút đến như vậy. Khi Công nương Kate lên tiếng xin lỗi, công chúng Anh tỏ thái độ hoài nghi người thực sự viết ra những dòng đó không phải là Vương phi xứ Wales. Họ kêu gọi bằng chứng xác thực và hợp lý hơn từ Cung điện Kensington.
Lý do cho hành động quyết liệt của các hãng ảnh lớn nhất thế giới là bức ảnh chụp 4 mẹ con Công nương Kate đã bị chỉnh sửa. Người ta phát hiện không chỉ 1-2 mà đến 10 lỗi trong bức ảnh như bàn tay của Công chúa Charlotte không khớp với ống tay áo len, một bên tay và mái tóc của Công nương Kate không rõ nét, ngón tay của Hoàng tử Louis bị xoắn một cách kỳ lạ...
Reuters , AP và AFP tuyên bố xóa bức ảnh khỏi kho lưu trữ vì nó không đáp ứng các tiêu chuẩn về ảnh của họ.
Tiêu chuẩn bất khả xâm phạm
Là ba hãng thông tấn lớn nhất thế giới, Reuters , AP và AFP sở hữu kho lưu trữ hình ảnh khổng lồ, không chỉ độc quyền, đa dạng, sắc nét mà còn đảm bảo tính chân thật cao. Không phải ngẫu nhiên mà các cơ quan này kiếm được nhiều tiền bằng việc bán ảnh cho vô số tờ báo, công ty truyền thông trên khắp thế giới. Cùng với đó, họ cũng đặt ra yêu cầu cao đối với nguồn ảnh gửi về hoặc khi mua sản phẩm từ các nhiếp ảnh gia. Các hãng thậm chí soạn thảo tiêu chuẩn riêng cho hình ảnh báo chí.
Ngày 11/3, AP đăng bài giải thích với tiêu đề " Tại sao AP rút lại bức ảnh chính thức đầu tiên của Vương phi xứ Wales kể từ khi phẫu thuật bụng?".
"Tiêu chuẩn biên tập của AP quy định rằng hình ảnh phải chính xác. AP không sử dụng hình ảnh bị thay đổi hoặc xử lý kỹ thuật số", hãng thông tấn Mỹ viết.
Bộ giá trị và nguyên tắc tin tức do AP xây dựng nên chỉ rõ việc chỉnh sửa ảnh nhỏ (bao gồm cắt xén, điều chỉnh độ sáng tối và màu sắc) có thể chấp nhận được khi cần thiết để tái tạo rõ ràng và chính xác, đồng thời phải duy trì tính chất chân thực của bức ảnh.
Những thay đổi về mật độ, độ tương phản, màu sắc và mức độ bão hòa làm thay đổi đáng kể ảnh gốc là không được chấp nhận. Nền không được làm mờ hoặc loại bỏ bằng kỹ thuật số như giảm bớt hoặc tăng tông màu mạnh. Việc loại bỏ “hiệu ứng mắt đỏ” (hiện tượng đôi mắt có màu đỏ khi tiến hành chụp chân dung thiếu sáng bằng cách đánh flash vào mắt đối tượng) khỏi ảnh cũng không được phép.
Khi AP xác định rằng bức ảnh có vẻ đã bị chỉnh sửa, họ ban hành "photo kill" - thuật ngữ trong ngành để chỉ việc rút lại hình ảnh và hướng dẫn khách hàng xóa ảnh khỏi hệ thống của họ.
Tương tự, tài liệu dài 31 trang về tiêu chuẩn biên tập của AFP có liệt kê các quy tắc cơ bản về ảnh. Trong đó, quy tắc thứ 6 viết rõ: "Tránh bóp méo hiện thực bằng cách chỉnh sửa gây ấn tượng sai lệch về tình huống". Không chỉ vậy, AFP cũng cấm phóng viên ảnh và truyền hình chỉnh sửa hình ảnh hoặc video, cũng như giả mạo hoặc thay đổi chủ đề.
Trong khi đó, Reuters nhấn mạnh các cơ quan phân phối hình ảnh và tin tức hàng đầu cấm xuất bản những hình ảnh đã được chỉnh sửa quá mức.
Reuters quy định về điều này trong Sổ tay Báo chí. Theo đó, công cụ chỉnh sửa photoshop chỉ có thể được sử dụng trong những vấn đề rất hạn chế, bao gồm: định dạng hình ảnh, cắt xén, điều chỉnh kích thước cũng như cân bằng tông màu và màu sắc.
Nếu vi phạm nguyên tắc đặt ra, các cơ quan báo chí loại bỏ ngay hình ảnh vi phạm. Trường hợp của bức ảnh về Công nương Kate là bằng chứng rõ ràng nhất của việc không có ngoại lệ, ngay cả đến từ nguồn có độ tin cậy cao như Hoàng gia Anh.
Cung điện Kensington không còn là nguồn đáng tin cậy
Ngày 14/3, Phil Chetwynd, giám đốc tin tức toàn cầu của AFP, tuyên bố trên chương trình Media Show của BBC Radio 4 rằng Cung điện Kensington không còn được coi là nguồn đáng tin cậy sau vụ bê bối ảnh. Theo ông Chetwynd, hãng đã xem xét lại mối quan hệ với vợ chồng xứ Wales và sẽ kiểm tra nghiêm ngặt các bức ảnh được họ phân phối trong tương lai.
Nếu trở về trước ngày 10/3, phát ngôn đó là không thể tưởng tượng được. Tuy nhiên, ông Chetwynd nhấn mạnh bức ảnh lỗi đã gây ra rắc rối lớn cho AFP và đáng lẽ không được phép sử dụng vì nó vi phạm nguyên tắc của hãng.
“Giống bất cứ điều gì, khi bạn thất vọng trước một nguồn, tiêu chuẩn sẽ được nâng lên… Hiện tại, chúng tôi đã gửi thông báo cho tất cả nhóm của mình để cực kỳ cảnh giác hơn về nội dung xuất hiện trên bàn làm việc - ngay cả từ những gì chúng tôi gọi là nguồn đáng tin cậy”, ông Chetwynd trả lời MC Ros Atkins.
Ông tiết lộ AFP cũng như các cơ quan khác đã yêu cầu Cung điện Kensington cung cấp bản gốc nhưng không nhận được phản hồi nên hình ảnh bị gỡ bỏ. Theo giám đốc tin tức, việc các cơ quan truyền thông yêu cầu ngừng lưu hành các bức ảnh là điều bất thường, hiếm khi xảy ra.
“Chúng tôi làm điều đó có lẽ chỉ mỗi năm một lần, tôi nghĩ ít hơn. Những lần sử dụng ‘kill notice’ (thông báo tiêu diệt) trước đây của chúng tôi là từ hãng thông tấn Triều Tiên hoặc Iran. Điểm mấu chốt là bạn không thể bóp méo sự thật trước công chúng. Đó là vướng mắc về sự tin tưởng. Vấn đề lớn ở đây là về niềm tin, sự thiếu tin tưởng và mất lòng tin của công chúng vào các tổ chức nói chung và trên các phương tiện truyền thông. Vì vậy, điều cực kỳ quan trọng là một bức ảnh phải thể hiện được thực tế đầy đủ như vốn dĩ nó được nhìn thấy trong đó”, ông Chetwynd nhấn mạnh.