Cách đây 15 năm, nam diễn viên người Mỹ Josh Duhamel (năm nay 52 tuổi) đã mua một miếng đất ở bang Minnesota và thiết kế khu đất ấy thành nơi trú ẩn cho ngày tận thế.
Ngoài hai căn nhà chính rộng rãi còn có phòng tắm hơi ven hồ, vài gian nhà phụ và ba giếng nước. Ông đã học săn thú, đốn cây và canh tác quanh nhà.
Giữa năm 2023, ông thẳng thắn thừa nhận với báo chí: "Tôi là người chuẩn bị cho ngày tận thế". Trong khi nhiều người cho rằng ngày tận thế là chuyện xa lắc xa lơ, thì không ít người "thà cứ chuẩn bị sẵn còn hơn nước tới chân mới nhảy" và họ tập trung các kỹ năng sinh tồn.
Những người theo xu hướng sống sót
Từ điển Merriam-Webster định nghĩa người chuẩn bị là người lập kế hoạch và chuẩn bị mọi thứ để sinh tồn sau thảm họa thiên nhiên hoặc các biến động lớn như kinh tế toàn cầu sụp đổ, chiến tranh thế giới mà không cần chính phủ trợ giúp.
Theo trang web History Cooperative (Mỹ), công việc chuẩn bị những thứ đơn giản để sinh tồn đã diễn ra từ xa xưa vì đây là một phần cuộc sống hằng ngày.
Đến khi các tiện ích như siêu thị và hàng hóa sản xuất hàng loạt trở nên phổ biến, phong trào chuẩn bị mới bắt đầu hình thành.
Lịch sử phong trào chuẩn bị được chia làm năm giai đoạn.
Những năm 1950 và 1960: Chứng hoang tưởng và suy thoái kinh tế thời Chiến tranh lạnh: Phong trào chuẩn bị ra đời ở Mỹ trong những năm 1950 khi Chiến tranh lạnh với Liên Xô cũ hình thành chứng hoang tưởng lan rộng.
Nhiều người Mỹ tin rằng nước Mỹ có thể bị tấn công hạt nhân bất cứ lúc nào. Chính phủ Mỹ khuyến khích công dân xây hầm tránh bom nguyên tử.
Diễn tập tránh bom đã trở thành chuyện thường ngày. Thêm vào đó là suy thoái kinh tế xảy ra hàng loạt.
Nhà chính trị và cố vấn đầu tư Harry Browne bắt đầu tổ chức hội thảo về các phương pháp sống sót. Cảm giác sợ hãi đặc trưng kéo dài được thể hiện rõ nhất trong cuốn sách Thư mục người ẩn mình của Don Stephens xuất bản năm 1967.
Tác giả khuyến khích mọi người tìm nơi hẻo lánh xây dựng chỗ trú ẩn và giới thiệu một số mẹo sống sót.
Những năm 1970 và 1980: Người ẩn mình và người sống sót: Năm 1975, tác giả Kurt Saxon bắt đầu lập một bản tin với tiêu đề "Người sống sót" đề cập đến các kỹ năng và công nghệ sơ khai đối phó với thảm họa.
Nếu Don Stephens là người đặt ra thuật ngữ "người ẩn mình" thì Kurt Saxon là người tạo thuật ngữ "người sống sót". Hai thuật ngữ "người sống sót" và "người ẩn mình" thường được sử dụng thay thế cho nhau trong thập niên 1970, sau đó bắt đầu khác biệt dần.
Người theo xu hướng sống sót thường có phong cách chuẩn bị mang tính chiến đấu hơn như làm vũ khí tự chế trong khi người ẩn mình luôn tránh xung đột và sống như người vô hình.
Nhiều sách viết về hệ thống kinh tế sụp đổ và chuẩn bị đối phó với thảm họa đã được xuất bản trong thập niên này. Đến những năm 1980, lối sống sinh tồn đã trở thành ngành công nghiệp trị giá nhiều tỉ USD. Ngoài sách, nhiều cuộc triển lãm về vật dụng sinh tồn bắt đầu được tổ chức.
Những năm 1990: Người bảo thủ cực đoan: Phong trào sinh tồn trong những năm 1960 thường gắn liền với các phong trào cổ vũ sinh thái và phát triển bền vững. Song đến những năm 1990, các phong trào này bắt đầu phân hóa.
Người theo xu hướng sống sót được coi như người bảo thủ cực hữu chống chính phủ. Lối suy nghĩ tiêu cực này được thể hiện qua hàng loạt sự kiện như cuộc bao vây Ruby Ridge năm 1992, cuộc bao vây khu nhà Waco năm 1993, vụ tấn công khủng bố của Timothy McVeigh năm 1995.
Nỗi sợ hãi năm 2000 (Y2k) đã thúc đẩy phong trào sống sót bùng phát. Khi nỗi sợ hãi này hóa ra chỉ là chuyện nhảm nhí thì càng củng cố thêm ý kiến cho rằng phong trào sống sót là cực đoan và vô căn cứ.
Phong trào chuẩn bị sống tự lực cánh sinh
Năm 2001: Lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ "người chuẩn bị": Từ điển Merriam-Webster cho rằng thuật ngữ "người chuẩn bị" được sử dụng đầu tiên vào năm 1904, song không chứng minh sử dụng ở đâu đầu tiên.
Thật ra các trang web về phong trào chuẩn bị chỉ bắt đầu xuất hiện vào đầu năm 2001. Sau vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11-9-2001, chính quyền đột ngột hướng dẫn người dân dự trữ băng keo, sản xuất bộ dụng cụ sinh tồn và chuẩn bị phương án sơ tán.
Đây chính là những điều mà phong trào sống sót đã rao giảng nhiều năm trước. Nhu cầu cần chuẩn bị được củng cố thông qua các sự kiện như cơn bão Katrina kinh hoàng năm 2005 và cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2007 - 2008. Những năm đầu thế kỷ 21, phong trào chuẩn bị dần dần trở thành nghĩa vụ yêu nước.
Từ năm 2010 trở đi: Phong trào chuẩn bị trở nên phổ biến: Khoảng năm 2010, phong trào chuẩn bị dần dần chứng tỏ khác biệt so với phong trào sống sót. Tom Martin - người sáng lập mạng lưới American Preppers Network - giải thích người sống sót là người có truyền thống sử dụng súng đạn, đồ ăn sẵn và sống nhờ vào trồng trọt.
Ngược lại, người chuẩn bị chủ yếu áp dụng một số phương thức truyền thống về lối sống tự lực cánh sinh.
Trong những năm tiếp theo, phong trào chuẩn bị bùng phát mạnh và chia thành nhiều nhóm như người chuẩn bị cho ngày tận thế, người chuẩn bị cho biến đổi khí hậu, người sinh tồn trong thiên nhiên hoang dã, người sống tự cung tự cấp. Mỗi nhóm có đặc thù riêng.
TS triết học chính trị Joseph T. F. Roberts giải thích trên trang web The Collector (Canada) trong những năm gần đây, đội ngũ những người chuẩn bị cho ngày tận thế lộ diện nhiều hơn nhờ các chương trình truyền hình thực tế về sinh tồn và các phóng sự điều tra đăng trên báo về kế hoạch thoát khỏi ngày tận thế của giới siêu giàu.
Họ có nhiều hình thức chuẩn bị khác nhau tùy thảm họa tận thế mà họ chuẩn bị đối phó. Một số lo sợ xã hội bất ổn, thảm họa môi trường hay hệ thống tiền tệ sụp đổ thường tích trữ thực phẩm, nước uống, rượu, đạn và kim loại quý như vàng, bạc.
Một số khác tìm mua hầm trú ẩn. Nhiều người rời bỏ địa bàn đông dân cư về vùng nông thôn sống theo kiểu tự cung tự cấp.
Triết lý cá nhân của người chuẩn bị
Trung tâm Nghiên cứu phê phán về các phong trào khải huyền và thiên niên kỷ (CenSAMM) giải thích người chuẩn bị thường nói về khả năng tự lực cánh sinh, tự cung tự cấp và nghĩa vụ của một công dân là phải tự chăm sóc bản thân thay vì trông cậy chính phủ.
Các trang web và cộng đồng của người chuẩn bị thường giới thiệu các kỹ năng truyền thống của cha ông thời khai hoang mở đất để sống tự lực cánh sinh tốt hơn.
Các bước chuẩn bị đối phó với thảm họa gồm: Dự trữ thực phẩm và nước; chuẩn bị túi sinh tồn đề phòng sơ tán vào nơi hoang dã; lập kế hoạch đối phó sự cố mất điện hoặc cúp điện lưới; thích ứng với công nghệ cấp điện độc lập; học hỏi các kỹ năng hoang dã, thực hành sơ cứu; học cách tự vệ; sản xuất lương thực; lập kế hoạch sơ tán.
--------------------------
Dự báo xác suất 70% thủ đô Tokyo sẽ phải hứng chịu trận động đất mạnh 7,3 độ Richter vào năm 2050. Thảm họa tiềm ẩn này được gọi là "ngày X". Ngoài nỗi lo sợ về động đất, người Nhật còn sợ chiến tranh hạt nhân. Họ đã tìm nơi trú ẩn cho ngày xảy ra thảm họa.
Kỳ tới: Người Nhật chuẩn bị cho ngày X
Theo báo El País, các "sự kiện" đáng lo ngại gồm môi trường sụp đổ, vụ nổ hạt nhân, bão mặt trời, vi rút ngoài vòng kiểm soát, hệ thống máy tính bị phá hoại trên diện rộng hoặc trí thông minh nhân tạo nổi loạn...