Lập gia đình, trở thành ông bố bà mẹ đơn thân, lập gia đình nhưng không sinh con, sống chung với tình yêu mà không cưới hay sống độc thân là sự lựa chọn của mỗi người.
Điều quan trọng nhất là bạn hiểu trái tim của mình cần điều gì, sống như thế nào để cho bản thân được vui vẻ và hạnh phúc trọn vẹn theo cách của mình.
Ở tuổi 45, sống ở nhiều môi trường khác nhau, tôi ít thấy có gia đình nào hạnh phúc… gần như trọn vẹn (tôi không dùng từ trọn vẹn vì càng hiếm).
Ngoài áp lực tiền bạc, bạo lực gia đình luôn hiện hữu. Một trong những điều khiến tổ ấm gia đình trở thành tổ không ấm, thậm chí là "tổ lạnh" chính là trọng nam khinh nữ.
Đến thời hiện đại, khoảng chục năm nay, tình trạng ly hôn khá nhiều, nhất là ở các thành phố lớn.
Người phụ nữ ngày nay độc lập và tự chủ về tài chính nên họ làm chủ bản thân mình.
Họ mạnh mẽ vượt qua những rào cản, định kiến để ly hôn nếu bị bạo lực, hay có những vấn đề khiến họ thấy cuộc sống gia đình ngột ngạt, không hạnh phúc.
Bởi vậy, dù đàn ông hay phụ nữ, cần mạnh mẽ, chủ động để giải thoát cho chính mình, gia đình mình nếu hôn nhân là niềm đau chứ không phải là mái ấm, niềm hạnh phúc.
Nhiều bạn trẻ giờ thích độc thân
Nhiều năm về trước (và bây giờ càng nhiều hơn), một số cô cậu học trò hướng đến tương lai sống độc thân. Không chỉ những cô cậu học sinh bậc THPT hướng vậy, ngay cả những bạn nhỏ đang học bậc THCS đã có ý định như thế.
Thời đại 4.0, học sinh tiếp nhận từ nhiều nguồn liên quan đến tình cảm gia đình như trên báo chí, phim ảnh,… và "rõ nét" hơn từ gia đình, từ những người thân, hàng xóm nên hướng tương lai của chính mình là độc thân vui vẻ.
Có thể suy nghĩ đó sẽ thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, điều các bạn hướng đến cũng có những lý do rất đúng với những gì mình biết được nhiều góc khuất của mái ấm.
"Tôi lấy vợ là vơ lấy tội"
Mỗi năm tôi đều gặp lại một cậu bạn thân từ thời sinh viên nhiều lần. Thời sinh viên ấy bạn có vài mối tình. Cũng lãng mạn, cũng "một thời để nhớ". Sau khi ra trường, bạn quen một người con gái cùng quê, nay là vợ.
Vợ cũng là một mối tình đậm sâu của bạn. Sau kết hôn, cuộc sống của gia đình ổn về kinh tế, gia đình cũng kha khá hạnh phúc. Dù có vợ bên cạnh hay không, thỉnh thoảng bạn nói với tôi rằng "Tôi lấy vợ là vơ lấy tội". Vừa vui vừa thật.
Hai vợ chồng có lúc này lúc kia. Khó tránh khỏi va chạm. Và nhiều lần bạn nói, nếu có kiếp sau, bạn sẽ không lấy vợ. Nếu không lấy vợ, bạn sẽ làm được nhiều điều bạn thích, bạn mong muốn. Bạn sẽ trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn, có thể thỏa mãn đi đến vùng sâu, vùng xa để dạy học…
Trao con niềm hạnh phúc do con lựa chọn
Tôi có hai cậu nhóc. Một đang học lớp 11 và một đang học lớp 7. Ngay từ khi con còn nhỏ hay cả khi các con lớn hơn, dù có con bên cạnh hay không có mặt của con, tôi muốn các con sống một cuộc đời ý nghĩa, hạnh phúc theo sự quyết định của các con. Tôi để các con tự quyết định chọn nhanh trường mà mình yêu thích, công việc mình đam mê (không cần lương cao, danh vị), miễn sao công việc ấy chính đáng.
Tôi cũng để con tự quyết định sống ở đâu, không nhất thiết phải gần cha mẹ (về mặt địa lý). Và đặc biệt các con cần chọn lập gia đình hay không. Điều này càng để con lựa chọn hạnh phúc cho mình. Quyết định thế nào mà các con cảm thấy niềm vui và hạnh phúc mỗi ngày là điều quan trọng. Cuộc đời của các con là khi các con là chính mình.
Xã hội thay đổi, mọi thứ thay đổi chóng mặt nên hôn nhân gia đình cũng cần thay đổi để được hạnh phúc. Nếu người chọn sống đơn thân, họ cảm thấy hạnh phúc theo sự lựa chọn của mình, người khác đừng "soi", đừng quy chụp, đừng bàn ra tán vào.
Với những người chọn làm cha - mẹ đơn thân, hay yêu mà không cưới, cưới mà không sinh con, chúng ta cũng miễn bình luận.
Đặc biệt nhất, để hôn nhân gia đình được hạnh phúc, hãy cởi trói cho mình khỏi những ràng buộc khiến mình mệt mỏi, biết tôn trọng không gian riêng tư, cần độc lập nhiều mặt, trong đó có tài chính (điều này khá mệt mỏi đối với số đông gia đình khi chồng giữ tiền hay vợ giữ tiền).
Cần có cách sống hướng tới những giá trị tinh thần. Chính giá trị vật chất lấn át giá trị tinh thần khiến cho gia đình lục đục. Hãy sống cho chính mình, chứ không phải vì "sợ người ta nói".
Bạn có từng đặt câu hỏi "mình kết hôn vì ai, mình nghĩ gì khi cưới một người"? Bạn quan tâm đến những điều gì nhất trước khi xây dựng gia đình nhỏ của riêng mình? Và những lý do gì khiến bạn phải quyết định ra đi? Mời bạn chia sẻ câu chuyện và tâm sự về hòm mail tto@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Chắc rồi mỗi người sẽ có một lý do, một câu chuyện riêng để biến một mối quan hệ thành hôn nhân. Nhưng có lẽ đến 99% đến từ cảm xúc gọi là yêu.