Ngày 15-3, đình làng Vân Cù (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) mở hội làng phở Vân Cù đón khách đến từ nhiều nơi. Nơi đây được coi là cái nôi phát xuất phở Nam Định.
Cơn mưa xuân đổ xuống. Thực khách kéo đến ngày một đông. Người làng Vân Cù náo nức đón khách đến thưởng thức bát phở đã mang thương hiệu phở làng đi khắp mọi miền.
Từng tốp học sinh vừa tan trường đã rủ nhau đến vui ngày hội, thường thức bát phở thơm ngon xua đi cái rét cuối mùa. "Phở đậm vị, ngon quá là ngon" - em Vũ Ngọc Duẩn (học sinh lớp 6) nói.
Không chỉ được thưởng nếm hương vị thơm ngon từ phở, du khách còn được tận mắt xem nghệ nhân trình diễn nấu phở, được trải nghiệm công đoạn tráng bánh phở thủ công và lắng nghe nghệ nhân cao niên trong làng kể về chuyện phở xưa.
Nghệ nhân Cồ Như Thiều - người làng Vân Cù đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề phở - cho biết ban tổ chức đã chuẩn bị gần 5 tạ bánh phở để làm hơn 3.000 bát phở phục vụ du khách.
"Người làng chúng tôi luôn dặn dò nhau phải giữ gìn nghề phở của cha ông, cố gắng đưa hương vị phở Vân Cù vươn xa" - ông Thiều nói.
Dù đã trải qua các giai đoạn thăng trầm, thế nhưng nhiều thế hệ người làng Vân Cù vẫn luôn gìn giữ nghề truyền thống, chung tay đưa nghề phở của địa phương lan tỏa đến mọi miền đất nước.
Chiều cùng ngày, tại Nam Định diễn ra lễ khai mạc Festival Phở 2024 với chủ đề "Con đường phở Việt" do UBND tỉnh Nam Định phối hợp các đơn vị tổ chức.
Điểm nhấn của chương trình là xác lập nồi phở khổng lồ với sự trình diễn của 20 nghệ nhân và 30 người phụ giúp.
Nồi nước dùng 300 lít được ninh từ xương và bột gia vị với nguyên liệu ước chừng gồm 40kg thịt bò tái, chín, 20kg rau, ớt ăn kèm, và các gia vị mang đậm hương vị Việt, thảo mộc như quế khô, thảo quả, hoa hồi, đinh hương, hạt ngò…
Festival Phở 2024 nhằm tôn vinh văn hóa ẩm thực phở, là cơ hội giúp du khách tham quan và người dân được tìm hiểu, thưởng thức hương vị phở gắn liền với văn hóa các vùng miền trên cả nước, góp phần quảng bá món phở vươn xa hơn nữa trên bản đồ tinh hoa ẩm thực thế giới.
Bên cạnh đó, chuỗi hoạt động tại Festival cũng hướng tới mục tiêu đưa phở trở thành một thương hiệu quốc gia, gắn liền với phát triển du lịch trong và ngoài nước.
Thông qua Festival, ban tổ chức kỳ vọng sẽ tiến tới việc lập hồ sơ để đưa nghề phở Việt trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và thế giới.
Xuất phát từ niềm đam mê với món Phở, nhưng mong muốn có sự phá cách cho món ăn truyền thống này. Anh Trang Trường Minh, chủ thương hiệu AtisPho – Phở Atiso Đà Lạt đã tìm tòi, nghiên cứu và thành công đưa hoa atiso vào Phở.