Đây là chia sẻ của TS.BS Nguyễn Quang Hùng, phó giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai bên lề hội nghị cập nhật tiến bộ trong sinh học phân tử, chẩn đoán và điều trị ung thư đường tiêu hóa được tổ chức ngày 15-3, tại Bệnh viện Bạch Mai.
Theo bác sĩ Hùng, hiện nay ung thư đang có xu hướng tăng và trẻ hóa. Thống kê từ Tổ chức ung thư toàn cầu GLOBOCAN, ước tính mỗi năm Việt Nam có đến gần 200.000 ca mắc mới và hơn 100.000 ca tử vong do bệnh lý ung thư.
Trong đó, ung thư đường tiêu hóa chiếm hơn 30% các trường hợp ung thư tại Việt Nam. Tỉ lệ người trẻ mắc bệnh chiếm tới 15% đến 20%.
"Ung thư đường tiêu hóa bao gồm: ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng…
Các bệnh ung thư đường tiêu hóa nguyên nhân là do người có những bệnh về đường tiêu hóa mãn tính không được điều trị. Ví dụ, viêm trào ngược dạ dày thực quản có thể gây ung thư thực quản, viêm dạ dày có thể dẫn đến ung thư dạ dày…
Tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có khoảng 2.000 người nội soi dạ dày, trong đó 80% có viêm dạ dày. Những người mắc viêm dạ dày mãn tính không điều trị có thể tiến triển gây ung thư dạ dày lên tới 60%", bác sĩ Hùng cho hay.
Theo bác sĩ, có nhiều nguyên nhân gây viêm dạ dày, trong đó chủ yếu do chế độ ăn uống, lối sống không lành mạnh, uống nhiều rượu bia, thuốc lá, nhiễm vi khuẩn HP…
Bên cạnh đó, nhiều người phát hiện bệnh nhưng điều trị không triệt để, thậm chí vừa uống thuốc vừa uống rượu bia.
"Một trong những nguyên nhân chính gây viêm dạ dày mà nhiều người gặp phải hiện nay đó là do stress. Stress chiếm hơn 40% gây ra viêm dạ dày mãn tính.
Nếu viêm dạ dày do rối loạn dịch vị trong dạ dày, có thể điều trị cân bằng bằng thuốc. Hay viêm do vi khuẩn HP có thể điều trị bằng kháng sinh.
Nhưng viêm dạ dày do stress thì rất khó khăn để điều trị. Đó cũng chính là nguyên nhân người Nhật dù lối sống lành mạnh nhưng tỉ lệ mắc ung thư dạ dày khá cao. Hiện những người trẻ mắc ung thư dạ dày gia tăng và tỉ lệ nam nữ gần như là bằng nhau. Nguyên nhân do nam nữ hiện nay chịu nhiều stress như nhau.
Bởi vậy, ngoài việc duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh thì người dân cũng cần chú ý chăm sóc sức khỏe tinh thần. Tránh căng thẳng, stress kéo dài gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa", bác sĩ Hùng khuyến cáo.
Tầm soát sớm, điều trị sớm
Theo các bác sĩ, hiện nay với những tiến bộ trong y học, các bệnh ung thư đường tiêu hóa có thể được phát hiện ở giai đoạn sớm, gia tăng tỉ lệ điều trị khỏi cũng như kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh ở giai đoạn muộn.
Có nhiều phương pháp điều trị như điều trị phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị trúng đích, miễn dịch... Trong đó, phẫu thuật được xem là phương pháp điều trị chính hiện nay.
Bác sĩ Hùng nhấn mạnh việc phát hiện sớm ung thư là điều kiện tiên quyết để điều trị bệnh, nhiều trường hợp chỉ cần phẫu thuật đã có thể điều trị gần như khỏi bệnh.
Năm 2016, ông H.N.K. (78 tuổi) phát hiện mình mắc ung thư phổi giai đoạn muộn đã di căn não. Tưởng chừng cơ hội sống đã khép lại, thế nhưng ông K. đã được các y bác sĩ điều trị ổn định suốt 7 năm qua.