"Cà phê sửa chữa" tại Manchester, Anh. Ảnh: manchestersfinest.com
"Cà phê sửa chữa" là tên của sự kiện có thể diễn ra ở các trung tâm cộng đồng, nhà thờ, quán cà phê và thư viện. Đây là ý tưởng của bà Martine Postma người Hà Lan vào năm 2009. Theo đó, khách hàng sẽ mang đồ đạc bị hỏng của họ từ nhà đến, có thể đa dạng từ quần áo, đồ nội thất, đồ chơi, đồ điện tử...
Sau khi đánh giá món đồ bị hỏng, tình nguyện viên sửa chữa có kỹ năng phù hợp sẽ thực hiện "phép thuật" đồng thời khuyến khích khách hàng ngồi cùng họ để học cách tự sửa chữa. Nếu không có gì cần sửa chữa, khách hàng có thể thưởng thức một tách trà hoặc cốc cà phê và giúp người khác sửa đồ.
Bà Martine đã tổ chức "cà phê sửa chữa" đầu tiên ở Amsterdam vào tháng 10-2009. Đó là một thành công lớn. Điều này đã thôi thúc bà Martine thành lập tổ chức Repair Cafe International Foundation.
Theo Cafe International Foundation, trên toàn thế giới hiện có trên 3.000 "cà phê sửa chữa", từ Hà Lan, Anh, Mỹ đến Ấn Độ và Nhật Bản với hơn 45.000 tình nguyện viên và khoảng 55.000 đồ vật được sửa chữa mỗi tháng.
"Cà phê sửa chữa" đang mọc lên khắp nơi trên thế giới. Do các tình nguyện viên có tay nghề ở địa phương điều hành, họ đã góp phần giảm thiểu rác thải tại địa phương qua việc sửa chữa đồ chơi, đồ nội thất, đồ gia dụng, đồ điện tử và quần áo… Việc sửa chữa thường miễn phí.
Cô Sophie Heathscott (35 tuổi) tại London đã tổ chức "cà phê sửa chữa" từ năm 2021. Heathscott chia sẻ với phóng viên tờ Guardian rằng bản thân cô đã sửa được rất nhiều quần áo và đồ chơi. Hơn nữa, điều tuyệt vời là các em nhỏ cũng được trải nghiệm hoạt động nhiều ý nghĩa này.
Trong khi đó, cô Harriet Bagley (29 tuổi), khách hàng tại một sự kiện "cà phê sửa chữa" ở ngôi làng nhỏ Carmarthen, xứ Wales, chia sẻ: "Cà phê sửa chữa là cách tuyệt vời để chỉ cho các con tôi về giải pháp xử lý, thay vì chỉ bàn luận với chúng về vấn đề xảy ra".
Ông Ali Anthony (55 tuổi), một tình nguyện viên cà phê sữa chữa ở Wrexham (Anh) nói: "Điều chúng tôi đang cố gắng đạt được là ngăn mọi thứ bị ném vào bãi rác. Tôi cũng hướng dẫn mọi người sửa chữa món đồ, với hy vọng rằng họ sẽ biết cách khắc phục những hư hỏng tương tự trong tương lai. Nhiều người có suy nghĩ sẽ vứt đi những thứ bị hỏng. Nhưng họ thường ngạc nhiên khi biết đồ đạc có thể sửa chữa được và hầu hết không phải là quá khó khăn"./.