Ngày 15/3, sau 9 ngày làm việc, phiên toà xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo khác về những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan đã kết thúc phần xét hỏi.
Kết thúc buổi làm việc hôm nay, chủ tọa phiên tòa thông báo kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận, đại diện VKS thực hành công tố sẽ phát biểu quan điểm giải quyết vụ án vào ngày thứ 3 tuần tới (19/3).
Chủ tọa phiên tòa cũng thông báo, các bị cáo và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án nếu muốn trình bày thêm có thể gửi văn bản đến HĐXX thông qua thư ký phiên tòa để được xem xét.
Trước đó, trong phần thẩm vấn của HĐXX, các luật sư đối với các bị cáo và những người có liên quan vào sáng 15/3, bà Trương Mỹ Lan có nói về một tài sản ở Hà Nội là tòa nhà Capital Place tại số 29 Liễu Giai. Trước đó, con gái bà Lan là bà Chu Duyệt Phấn đã gửi đơn tới tòa trình bày tòa nhà được trả giá hơn 300 triệu USD.
Về vấn đề này, bà Trương Mỹ Lan cho rằng nếu tòa nhà này không liên quan đến vụ án thì rất có giá trị, có thể bán được thấp nhất là 400 triệu USD.
Chủ tọa phiên tòa nói nếu bị cáo Lan biết ai mua được với giá đó có thể đề nghị để được xem xét, tạo điều kiện bán để khắc phục hậu quả của vụ án.
Ngoài tài sản là tòa nhà Capital Place tại số 29 Liễu Giai, Hà Nội, bà Trương Mỹ Lan còn nói về căn biệt thự cổ tại số 110 - 112 Võ Văn Tần, quận 3, Tp.Hồ Chí Minh. Theo bị cáo Trương Mỹ Lan, đây là căn biệt thự do mẹ của bà mua với giá 35 triệu USD (tương đương khoảng 700 tỷ đồng) để cho cháu gái.
“Mẹ tôi mua căn biệt thự này cho con gái tôi, để cháu về Việt Nam sống. Đây là căn biệt thự cổ, là tài sản mẹ tôi mua cho cháu nên xin HĐXX không kê biên biệt thự này để bảo tồn nhà cổ, bảo tồn di tích cho Việt Nam”, bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày.
Bà Trương Mỹ Lan gửi tâm thư cho Ngân hàng nhà nước (NHNN)?
Trả lời các câu hỏi của luật sư về thực trạng 3 ngân hàng trước khi tái cơ cấu, đại diện NHNN cho biết, thực trạng tài chính của cả 3 ngân hàng đều yếu kém. Thời điểm đó, NHNN không có thông liên liên quan đến việc vận động bà Trương Mỹ Lan sở 65% cổ phần của SCB, chỉ biết nhóm cổ đông có 65% cổ phần và do bà Lan làm người đại diện.
“Nếu không có thông tin về bà Lan tại sao khi tổ chức họp, NHNN mời bà Lan tham gia”?, luật sư hỏi. Người đại diện NHNN cho biết, bà Trương Mỹ Lan có mặt trong 2 cuộc họp vào tháng 7/2021 và cuộc họp đầu năm 2022. Việc bà Lan có mặt là vì trước đó người này có gửi tâm thư cho NHNN và Chính phủ. Đại diện NHNN cho biết, trường hợp cần thiết sẽ rà soát lại và gửi nội dung tâm thư của bà Lan cho tòa.
Một nội dung khác được HĐXX và các luật sư làm rõ, đó là các báo cáo kết luận định giá của Công ty Hoàng Quân. Theo bị cáo Lan và các cựu lãnh đạo SCB, Công ty Hoàng Quân định giá tài sản bảo đảm thấp hơn rất nhiều so với thực tế, trong đó có hàng trăm tài sản công ty định giá này không tiến hành định giá, từ đó khiến tổng giá trị tài sản thấp, kéo theo việc tính tỉ lệ thiệt hại cao.
Còn đại diện SCB cho rằng, thiệt hại thực tế của SCB lên đến hơn 764.000 tỷ đồng chứ không phải chỉ gần 500.000 tỷ đồng như cáo trạng cáo buộc bà Lan và các đồng phạm.
Trả lời về các nội dung nêu trên, đại diện Công ty Hoàng Quân cho biết, công ty này ký hợp đồng định giá với SCB vào ngày 3/01/2023 để định giá tổng tài sản của SCB tại thời điểm 30/9/2022. Công ty Hoàng Quân đã định giá tài sản trên cơ sở khách quan, độc lập, đúng giá thị trường. Với hơn 400 tài sản khác mà công ty Hoàng Quân không định giá, đại diện công ty này cho rằng do các tài sản không đầy đủ tài liệu theo quy định pháp luật nên không định giá. Về kết quả định giá công ty đã thể hiện rõ trong chứng thư nên không có ý kiến gì thêm.