Mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng hiện nay đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó có nhiều nội dung đề xuất nới điều kiện với người mua nhà. Mục tiêu hướng tới là mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội.
Thay đổi quan trọng nhất của Nghị định chính là đã bỏ tiêu chí về điều kiện nơi cư trú - một trong những "rào cản" gây khó cho người dân khi tiếp cận nhà ở xã hội. Hiện dự thảo chỉ yêu cầu người có nhu cầu mua nhà ở xã hội có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố có dự án chứ không "chốt" cứng nhắc là buộc phải có hộ khẩu thường trú.
Và một điểm cũng rất đáng lưu tâm, đó là dự thảo Nghị định mới đã "nới" khung thu nhập bình quân thêm 4 triệu đồng, lên mức 15 triệu, thay vì quy định hiện tại là người mua nhà ở xã hội phải thuộc diện có thu nhập không quá 11 triệu đồng/tháng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân thường xuyên.
Bên cạnh việc nâng khung thu nhập bình quân lên 15 triệu đồng/tháng đối với người mua nhà ở xã hội, các thủ tục hành chính đi kèm cũng đã được cắt bỏ, nhất là việc xác minh thu nhập đã đơn giản hơn rất nhiều so với quy định hiện hành.
Ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: "Có thu nhập dưới 15 triệu mà được cơ quan đơn vị công tác xác nhận. Chỉ có một chỉ tiêu như vậy và thủ tục giấy tờ chỉ là cơ quan đơn vị xác nhận và cơ quan đơn vị xác nhận chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thu nhập này. Như vậy là thủ tục rất đơn giản".
Theo quy định hiện hành, người được mua nhà ở xã hội phải chưa có, chưa sở hữu nhà ở hoặc đang sở hữu nhưng diện tích dưới 10 m2/người. Đây là điều kiện gây ra nhiều phiền phức nhất với các cơ quan hành chính trong việc xác minh.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nhận định: "Những người lao động có thu nhập thấp mà ở tỉnh khác có thể không có nhà ở tại địa điểm đến làm việc nhưng nhà cũ không ai xác nhận cho họ. Mà hiện nay lại bỏ chế độ hộ khẩu, chỉ còn căn cước. Vì vậy, toàn bộ vấn đề này khiến các Sở Xây dựng đang lúng túng".
Với Dự thảo Nghị định mới, điều kiện về nhà ở đã thay đổi và sẽ không còn là trở ngại với cơ quan quản lý tại các địa phương.
Ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết thêm: "Điều kiện về nhà ở là chưa có nhà ở. Và nếu có thì nhỏ hơn 15m2. Chúng tôi cũng đang dự thảo trong Nghị định để trình Chính phủ vào tháng 5 và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7".
Dự thảo còn đề xuất loạt thay đổi về quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; về ưu đãi chủ đầu tư; về loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội; về xác định giá bán, giá thuê mua. Trong đó, nổi bật là những đối tượng tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội được vay ưu đãi với mức lãi suất không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại.
Các cơ quan quản lý Nhà nước nới rộng một số điều khoản, không chỉ tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận tốt hơn với chính sách nhà ở xã hội, mà còn giúp các chủ đầu tư mở rộng thêm khách hàng, giúp xây dựng kế hoạch đầu tư kinh doanh và sẽ có thêm nhiều dự án nhà ở xã hội mới được xây dựng trong thời gian tới. Đây cũng là giải pháp góp phần giúp thị trường bất động sản phục hồi, tăng trưởng trở lại sau một thời gian đình trệ vừa qua.
Những người dân có nhu cầu thực sự rất khó để chạm đến những giá trị đích thực của nhà ở xã hội
Cần các giải pháp mạnh mẽ hơn
Dự thảo còn đề xuất một loạt thay đổi về quỹ đất, để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; hay những đề xuất thay đổi về ưu đãi chủ đầu tư; xác định giá bán, giá cho thuê mua, giá cho thuê nhà ở xã hội; trình tự, thủ tục bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội...
Mặc dù chính sách đã có nhiều đổi mới nhưng nhiều chuyên gia đô thị cho rằng, vẫn cần nghiên cứu điều chỉnh phù hợp hơn, sát thực tế hơn, nhất là với các đô thị trung tâm, những đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có mức sống và chi tiêu đắt đỏ thì quy định về khung thu nhập vẫn cần "nới" thêm.
Theo tính toán của ông Thái Doãn Xiêm - An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội, nếu theo quy định hiện hành, người mua nhà mỗi tháng sẽ phải chi trả cả gốc và lãi khoảng 10 triệu đồng cho khoản vay ngân hàng 70% tổng giá trị tài sản thì những người thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng sẽ không dám vay mua nhà vì còn phải chi trả cho các chi phí khác trong cuộc sống. Còn dự thảo đã nâng khung thu nhập của người được mua nhà ở xã hội lên 15 triệu đồng, cũng chỉ tạm gọi là phù hợp với 3 năm đầu vay gói ưu đãi 120.000 tỷ.
Ông Xiêm chia sẻ: "Các ngân hàng, các tổ chức tín dụng ngồi lại với nhau đưa ra giải pháp để người dân dễ tiếp cận với đồng vốn vay, nhưng với cam kết lãi suất đưa ra trong 3 năm đầu, với người thu nhập thấp, có thể ba năm đầu người ta có thể chi trả chi phí ấy. Nhưng sau 3 năm, lãi suất thả nổi thì tôi thấy chưa phù hợp với mức thu nhập của người dân".
"So với gói 30.000 tỷ trước đây, thì nó chưa hấp dẫn lắm vì lãi suất chỉ được hỗ trợ 1 - 2%. Đối với người nghèo thì đó là cả một vấn đề. Hai là thời hạn vay khá ngắn nên khả năng trả nợ của người dân khó khăn" – ông Trần Ngọc Anh - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera nêu ý kiến.
Hơn nữa, mức sống của người dân đô thị ngày càng cao. Giá nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng cũng bị đẩy lên cao gấp nhiều lần hơn so với 5 năm trước.
"Những người dân có nhu cầu thực sự rất khó để chạm đến những giá trị đích thực của nhà ở xã hội. Cần phải có sự cởi mở hơn nữa, trực tiếp hơn nữa để đảm bảo rằng tất cả người dân khi tiếp cận được nhà ở xã hội thì phải tiếp cận con đường chính thống nhất" – ông Nguyễn Hữu Long - Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.
Sau một năm triển khai, đến nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được hơn 500 tỷ đồng. Và dự thảo vẫn chưa "nới" được các điều kiện cho vay ưu đãi.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nhận định: "Số dự án, số người mua nhà có thể vay được nhà ở xã hội này nó đang rất ít. Ở đây có một số khâu, một là các văn bản pháp lý mà chúng ta quy định là như thế nào và ưu đãi gì thì nó chưa thực sự rõ ràng".
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thì cho rằng: "Điều kiện, thủ tục để được vay nhà ở xã hội lại không đơn giản, đặc biệt việc phát triển nhà ở xã hội cũng không ngoại lệ so với nhà ở thương mại, muốn tiếp cận vốn vẫn phải có các tài sản khác để thế chấp. Rõ ràng, đây là việc sẽ làm đắn đo các chủ đầu tư".
Khảo sát về nhà ở xã hội của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban 4 thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), trên thực tế, những người có thu nhập 10-15 triệu đồng/tháng chỉ tiết kiệm được 4,7 triệu đồng/tháng cho khoản mua nhà.
Trong khi đó, với một căn nhà xã hội 1,5 tỷ đồng, đóng trước 20% (khoảng 300 triệu đồng), vay ngân hàng 1,2 tỷ đồng trong 20 năm với lãi suất là 8 - 9% như hiện nay thì mỗi tháng người mua phải trả số tiền cả vốn lẫn lãi là 10 triệu đồng.
Như vậy, nếu tính thêm chi phí sinh hoạt, học tập của con cái hay những chi tiêu khác trong gia đình thì người có thu nhập trên 15 triệu đồng/tháng vẫn khó khăn trong việc mua nhà, đặc biệt là tại các thành phố lớn có mức chi tiêu cao.
Dự báo, năm 2025 đến năm 2030 nguồn cung nhà ở xã hội sẽ được bổ sung với quỹ nhà lên tới hàng triệu căn. Bởi vậy, việc mở rộng điều kiện mua nhà ở xã hội là cần thiết và phải làm sao phù hợp hơn với thực tế; tạo điều kiện cho công nhân, người lao động có cơ hội sở hữu ngôi nhà của mình. Bên cạnh đó cũng cần tiếp tục xem xét cân nhắc các điều kiện cho vay ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án thì mới mong đạt được mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội từ nay tới năm 2030.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.49423900251304202-ioh-ax-o-ahn-aum-neik-ueid-ueihn-ion/et-hnik/nv.vtv