Phát biểu tại chương trình, ông Vũ Minh Lý, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên môi trường, cho biết ô nhiễm rác thải nhựa đang là một trong những vấn đề môi trường toàn cầu. Lượng rác thải nhựa đang ngày càng gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và đời sống con người.
Nhận thức được vai trò trong giải quyết cuộc khủng hoảng chất thải nhựa toàn cầu, Việt Nam đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa, phấn đấu trở thành quốc gia tiên phong trong giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Từ đó, những hành động nhỏ nhưng thiết thực của cộng đồng đã diễn ra khắp nơi, góp phần thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức từ học sinh, người dân đến doanh nghiệp.
Cụ thể, các trường học đã tăng cường việc tuyên truyền nhằm xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh bằng những việc làm cụ thể như không dùng giấy ni lông bọc sách, vở; vận động người dân thu gom vỏ lon, chai nhựa, thùng giấy... để đổi cây xanh hoặc cây trang trí.
Trong đó, Lagom Green Recycle Machine là chương trình giáo dục trải nghiệm tái chế đặc biệt, với mục đích nâng cao nhận thức của mọi người, tập trung vào học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, khu chung cư và các khu công nghiệp.
Xuyên suốt chuỗi hoạt động của chương trình này, học sinh và người dân sẽ được tìm hiểu về rác và quy trình tái chế rác thải nhựa, một vòng tròn khép kín từ khâu phân loại, thu gom và tái chế.
"Qua chương trình này, chúng tôi xác định tập trung vào việc xây dựng và tổ chức các chương trình giáo dục về trải nghiệm tái chế rác nhựa tại các trường học và cộng đồng giai đoạn từ năm 2024 - 2030; khơi dậy ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng thói quen phân loại, thu gom và tái chế rác thải nhựa, hướng tới một môi trường bền vững", ông Vũ Minh Lý nói.
Ông Vũ Minh Lý mong muốn trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Bộ TN-MT triển khai chương trình giáo dục ngoại khóa này cả trong và ngoài trường học, chung tay hành động vì môi trường Việt Nam xanh - sạch - đẹp.