Ông Đậu Anh Tuấn - phó tổng thư ký kiêm trưởng ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - khẳng định theo ghi nhận của VCCI, doanh nghiệp ngành đồ uống đang chịu tác động tiêu cực kép từ dịch COVID-19 cùng với tác động của tình hình thế giới.
Trong bối cảnh đó, những chính sách liên quan như quy định của nghị định 100 về xử phạt giao thông, quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) càng khiến doanh nghiệp khó khăn.
Ngành bia rượu "khó chồng khó"
Đặc biệt, với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến thông qua vào tháng 5-2025, ngành bia rượu sẽ chịu tác động khi phải tăng thuế theo lộ trình, bao gồm cả sản phẩm nước giải khát có đường.
Những chính sách này càng khiến doanh nghiệp "khó chồng khó". Vì vậy, ông Tuấn cho rằng cần đề xuất giãn tiến độ tăng thuế tiêu thụ, cũng như giảm thuế VAT cho doanh nghiệp ngành bia rượu.
Còn ông Nguyễn Duy Hưng - phó chủ tịch VBA - bày tỏ mong muốn Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành lưu tâm, xem xét, cân nhắc, đánh giá các chính sách một cách hài hòa, phù hợp với điều kiện thực tế.
Theo đó, chính sách ban hành cần kèm theo các giải pháp đồng bộ, phù hợp thực tiễn để thực hiện được tốt, hiệu quả giúp các chính sách pháp luật có thể đi vào cuộc sống.
Do đó, VBA kiến nghị xem xét lùi lộ trình sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ít nhất từ năm 2025 trở đi, để tạo các điều kiện giúp các doanh nghiệp phục hồi, ổn định và dần phát triển trở lại.
Từ thực tiễn hoạt động, ông Lâm Du An, phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO), khẳng định doanh nghiệp ngành bia rượu đang đối diện rất nhiều khó khăn do tác động kép từ đại dịch và xung đột chính trị.
Từ năm 2021, tăng trưởng của doanh nghiệp giảm 10 - 15% so với năm 2019, năm 2022 tăng trưởng giảm 7% và năm 2023 doanh thu giảm 11%, lợi nhuận trước thuế giảm 23%. Các nhà máy sản xuất gia công trong hệ thống kiệt quệ bởi giá đầu vào tăng 20 - 40%, trong khi giá bán không thể tăng.
Do đó, ông An cho rằng việc Quốc hội, Chính phủ kéo dài thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt 2-3 năm nữa sẽ giúp hỗ trợ phần nào doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Cùng với đó, SABECO kiến nghị chưa áp dụng phí tái chế từ năm 2024 vì khi áp thuế thì chi phí một lon bia tăng 40%, một chai bia tăng 50%. Những chính sách này nếu áp dụng sẽ làm chi phí đội lên hàng trăm tỉ đồng.
Có lộ trình áp dụng phù hợp
Theo bà Nguyễn Thị Minh Thảo - trưởng ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), CIEM đã có báo cáo đánh giá định lượng tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành đồ uống có cồn.
"Doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực nước giải khát nói riêng đang trong giai đoạn rất khó khăn. Các chính sách ban hành cần đảm bảo nhất quán với định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ phục hồi và phát triển doanh nghiệp", bà Thảo nói.
Đại diện CIEM kiến nghị cơ quan soạn thảo nên đánh giá tác động một cách toàn diện khi đề xuất mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cùng với đó, Chính phủ nên lùi thời hạn hoặc có lộ trình đối với việc áp dụng sắc thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường để các doanh nghiệp xây dựng chiến lược thích ứng, kế hoạch cải tiến sản phẩm, trong khi có thể khấu hao dây chuyền công nghệ cũ.
Mới đây, Bộ Tài chính đưa ra phương án đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, với mục đích kiểm soát gia tăng tỉ lệ thừa cân béo phì, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, dự thảo này hiện còn nhiều tranh luận từ phía các nhà sản xuất.