Sức nóng lan toả đến các nhà băng
Hạ nhiệt vài ngày gần đây, tỷ giá tại các ngân hàng và giá USD trên thị trường tự do lại tăng đáng kể trong phiên 15/3. Một phần nguyên nhân cũng đến từ diễn biến của USD trên thế giới. Chỉ số US Dollar Index (DXY) hiện giao dịch ở mức 103,4 điểm, tăng 0,71% so với mức đáy của tháng xác lập tròn một tuần trước. Cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tháng 3 đang gần kề với nhiều thông tin được chờ đợi sẽ công bố vào rạng sáng thứ Năm tuần sau.
Diễn biến chỉ số DXY trong một năm qua. |
Lạm phát của Mỹ bất ngờ tăng lên 3,2% trong tháng trước, tăng so với tháng trước và cao hơn kỳ vọng của các chuyên gia. Điều này cũng ủng hộ thêm cho sự thận trọng của Fed quyết định cắt giảm lãi suất. Trọng tâm được chờ đợi tại cuộc họp tới là quan điểm của các quan chức Fed, liệu có tiếp tục ủng hộ kế hoạch 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay hay không.
Theo cập nhật mới nhất từ CME Group, khả năng Fed giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp điều hành chính sách tiền tệ thứ Năm tuần tới (21/3) gần như chắc chắn với tỷ lệ đặt cược lên đến 99%. Tuy nhiên, đối với cuộc họp vào tháng 6/2024, tỷ lệ đặt cược vào khả năng cơ quan này giữ nguyên lãi suất đang tăng lên từ 34,8% lên trên 40%. Dù vậy, các nhà giao dịch vẫn đặt cược nhiều nhất vào khả năng Fed hạ lãi suất 25 điểm cơ bản (54,5%).
Các nhà giao dịch đang đặt cược nhiều hơn vào khả năng Fed tiếp tục giữ nguyên khung lãi suất điều hành (5,25% - 5,5%). Nguồn: CME |
Ngân hàng Nhà nước sáng nay yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.979 VND/USD, tăng 12 VND/USD so với hôm qua, đồng thời, cũng đánh dấu ngày điều chỉnh tăng thứ 3 liên tiếp. Với biên độ +/-5% theo quy định, tỷ giá tại các ngân hàng giao dịch trong khoảng 22.781 VND/USD - 25.177 VND/USD.
Cập nhật đến đầu giờ chiều nay, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại lại có dấu hiệu tăng nhiệt từ chiều qua. Phần lớn các nhà băng đã nâng tỷ giá bán ra lên khoảng 24.900 VND/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá tăng 40 VND/USD so với hôm qua, lên mức 24.570 VND (mua chuyển khoản) và 24.910 VND (bán ra), vượt qua các mốc kỷ lục từng ghi nhận trước đây. Tỷ giá tại VietinBank thấp hơn 7 đồng mỗi chiều. Ở một số ngân hàng tư nhân, tỷ giá thấp hơn nhưng không nhiều, phổ biến ở mức 24.890 VND/USD chiều bán ra.
Khảo sát tại một số cửa hàng, giá USD đang được thu mua ở mức giá 25.480 đồng chiều mua vào và 25.560 đồng chiều bán ra, tăng hơn 100 đồng mỗi chiều so với hôm qua. Dù vậy, giá USD tự do vẫn chưa trở lại mức đỉnh thiết lập đầu tuần.
Phát hành tín phiếu, ngăn đầu cơ tỷ giá
Dù đã tăng đáng kể tại các nhà băng, chênh lệch giữa tỷ giá trên thị trường chính thức và phi chính thức vẫn ở khoảng khá lớn, có thể thúc đẩy hành vi kiếm lời từ chênh lệch giá. Các động thái của Ngân hàng Nhà nước nhằm ngăn sức nóng của tỷ giá đã được thực hiện trong tuần qua.
Từ ngày 11/3, Ngân hàng Nhà nước đấu thầu tín phiếu với giá trị 14.999,8 tỷ đồng, kỳ hạn 28 ngày, theo phương thức đấu thầu lãi suất. Lãi suất trúng thầu 1,4%/năm. Số thành viên tham gia các ngày qua đều vượt số thành viên trúng thầu. Tỷ lệ trúng thầu ngày càng cao hơn, đạt 10/11 thành viên tham gia trong ngày 14/3. Các đợt đấu tín phiếu vừa qua đều được tổ chức vào buổi chiều (14h-15h). Cập nhật đến đầu giờ chiều, trang thông tin của Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có thông báo chào bán tín phiếu trong ngày hôm nay (15/3). Tính chung trong cả 4 phiên, tổng cộng, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu thu về gần 60.000 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Dragon Capital nhận định việc phát hành tín phiếu lần này là động thái điều hành cần thiết trong việc hạ nhiệt tỷ giá. Đồng thời, tổ chức này cũng nhấn mạnh động thái trên không mang ý nghĩa của sự thay đổi chính sách tiền tệ.
Theo chuyên gia phân tích từ quỹ này, từ đầu năm đến nay, tỷ giá VND giảm 1,6%, thấp hơn so với các đồng tiền khác trong khu vực như JPY (-4,3%), THB (-3,3%), KRW (-2,2%) hay TWD (-2,8%). Các yếu tố về dòng tiền như kiều hối, lượng FDI giải ngân và cán cân thương mại thặng dư vẫn đang hỗ trợ cho đồng VND.
Tuy vậy, các yếu tố tác động tiêu cực đến tỷ giá cũng được chỉ ra.
“Trong vài tuần gần đây, tỷ giá trên thị trường chợ đen liên tục biến động, lên mức 25.750 VND/USD, ngoài ra, giá vàng miếng lên mức trên 82 triệu đồng/lượng và đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin liên tục lập đỉnh mới. Những yếu tố trên khiến nhu cầu mua USD trên thị trường chợ đen tăng vọt và tạo ra mức chênh lệch gần 4% giữa tỷ giá trên thị trường chợ đen và thị trường liên ngân hàng”. Chuyên gia từ Dragon Capital cũng nhấn mạnh tình hình trên khiến tỷ giá trên thị trường chính thức sẽ dễ tăng khi có dòng tiền ra, nhất là khi hoạt động xuất nhập khẩu đang có những tín hiệu hồi phục tích cực do nhu cầu nhập hàng về để xuất khẩu.
Do đó, quỹ đầu tư này cho rằng mục đích phát hành tín phiếu là nhằm hút bớt thanh khoản dư thừa để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn.
Dù vậy, về dài hạn, chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn đang theo chiều hướng nới lỏng, với ưu tiên là giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp để phục hồi kinh tế. Nhắc lại về đợt phát hành tín phiếu hút tiền năm 2023, chuyên gia từ Dragon Capital cho biết lãi suất vẫn tiếp tục giảm và thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn rất dồi dào.
Ngoài ra, trên thị trường thế giới, Fed được dự báo đang tiến rất gần đến quyết định cắt giảm lãi suất trong nửa sau năm nay và xu hướng chính sách tiền tệ Nhật Bản thắt chặt trở lại sau nhiều năm có thể làm USD yếu đi. Điều này sẽ gỡ bỏ được áp lực đối với tỷ giá VND và giúp Việt Nam có dư địa để tiếp tục duy trình chính sách tiền tệ nới lỏng.