Các chuyên gia đã đặc biệt lưu ý thí sinh như vậy trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Cà Mau sáng nay 16-3.
Không đưa tài khoản đăng ký xét tuyển cho người khác
Theo TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố thí sinh đăng ký xét tuyển đại học từ ngày 10 đến 25-7.
Trước khi đăng ký tốt nghiệp THPT, thí sinh sẽ được cấp tài khoản để đăng ký dự thi tốt nghiệp và cũng sử dụng tài khoản này để đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng.
Các bạn phải nhớ tài khoản của mình, không giao tài khoản này cho bất kỳ ai. Một trong những tình huống các trường đại học thường thấy trong những năm trước là có thí sinh giao tài khoản của mình cho bạn. Đến lúc có kết quả xét tuyển lại thấy trúng tuyển vào một ngành khác nên liên hệ các trường xin đổi ngành khác thì không được giải quyết.
Mỗi trường đại học có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, trong đó có 5 phương thức chính: ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh giỏi đoạt giải quốc gia, xét điểm thi THPT, xét điểm thi đánh giá năng lực của các đại học, xét học bạ, xét kết quả học THPT kết hợp các thành tích (chứng chỉ quốc tế, hoạt động thể thao, văn nghệ…).
Trong đó có 4 phương thức xét tuyển sớm, trước kỳ thi THPT. Hiện nay nhiều trường đại học đã nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển sớm. Thí sinh được đăng ký xét tuyển nhiều phương thức khác nhau, nhưng cần chú ý phải đăng ký lại trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các bạn cần phải đăng ký theo thứ tự ưu tiên, trong đó nguyện vọng 1 là cao nhất.
Đăng ký bao nhiêu nguyện vọng xét tuyển là vừa?
"Có những bạn trúng tuyển 2, 3 phương thức. Khi đăng ký lại trên cổng xét tuyển của bộ, nếu các bạn cảm thấy các phương thức xét tuyển sớm mình còn lăn tăn thì có thể đăng ký phương thức xét điểm thi THPT lên nguyện vọng 1. Còn nếu các phương thức xét tuyển sớm đã trúng tuyển và hài lòng rồi thì phải ghi nguyện vọng 1 ngành, trường mình mong muốn học lên nguyện vọng đầu tiên", thầy Hạ khuyên.
Khi đăng ký xét tuyển, thí sinh phải đăng ký mã trường, mã ngành, không cần đăng ký chọn phương thức xét tuyển. Khi thí sinh trúng tuyển vào ngành nào rồi sẽ không được xét các nguyện vọng sau. Do vậy cần phải đưa nguyện vọng mình yêu thích nhất lên nguyện vọng 1. Nếu không trúng tuyển hệ thống sẽ tự động xét tiếp các nguyện vọng sau trong danh sách thí sinh đăng ký.
Thầy Hạ cũng lưu ý không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng, vì như vậy sẽ không tập trung được nguyện vọng mình yêu thích. Có thể từ 3-5 nguyện vọng là phù hợp. Chọn nguyện vọng chỉ nên chọn các ngành mình yêu thích, không nhảy từ lĩnh vực ngành nghề này sang lĩnh vực khác.
"Khi đăng ký nguyện vọng, các bạn có thể tham khảo ý kiến của thầy cô, cha mẹ, bạn bè… nhưng quan trọng nhất các bạn chính là người quyết định trong việc chọn ngành. Hãy suy nghĩ và lắng lại một chút để xem mình thích gì nhất, có phù hợp với năng lực của mình, hoàn cảnh gia đình của mình hay không, cơ hội việc làm ra sao…
Các bạn đừng sợ thất nghiệp, chọn ngành thu nhập cao. Nếu giỏi, bất kỳ ngành nào, các bạn vẫn có thể quyết định được thu nhập, cơ hội thăng tiến. Không phải ngành nào tạo ra được thu nhập cao. Nếu chọn sai ngành, chọn ngành mình không yêu thích thì không học được và có thể bị buộc thôi học. Do vậy, các bạn cần có định hướng rõ ràng cho tương lai của mình", thầy Hạ nhấn mạnh.
Người nóng tính, cộc cằn có nên học làm bác sĩ?
Tại buổi tư vấn, bạn Nguyễn Trúc Mai (học sinh lớp 10 Trường THPT Trần Văn Thời) bày tỏ ước mơ sau này được khám chữa bệnh, xoa dịu nỗi đau cho mọi người nên muốn tìm hiểu về các ngành đào tạo trong lĩnh vực y dược.
"Người nóng tính và cộc cằn học ngành bác sĩ được không? Bản thân em hay nổi nóng nên cha mẹ không đồng tình với ý định chọn học y dược của em. Em có nên chọn ngành y dược?", Mai hỏi.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Y Dược TP.HCM - cho rằng một học sinh ngay từ lớp 10 đã nghĩ đến việc lựa chọn ngành học để sau này giúp cho người bệnh là điều rất tốt. Ngành dược học và ngành y khoa tuy là hai ngành thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe nhưng có mục tiêu khác nhau.
Nếu thích sau này có thể chẩn đoán, điều trị thì nên chọn ngành y khoa. Ngành này đòi hỏi thời gian học dài hơn, tối thiểu 6 năm. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ vẫn chưa được hành nghề ngay mà cần thêm 18 tháng thực hành. Từ ngày 1-1-2027, các bác sĩ cần trải qua kỳ thi đánh giá năng lực bác sĩ y khoa và có kết quả đạt thì mới được hành nghề.
Ngành dược học có thời gian học dài hơn các ngành cử nhân khác là 5 năm và có thời gian thực hành 12 tháng sau tốt nghiệp dược sĩ. Vị trí việc làm của dược sĩ sẽ khác, có thể làm việc ở các công ty sản xuất dược phẩm, các nhà máy trong và ngoài nước. Dược sĩ cũng có thể làm việc ở các bệnh viện, nhà thuốc…
"Như vậy cả hai ngành y khoa và dược học đều liên quan đến người bệnh. Em băn khoăn vì tính em hơi nóng có theo học được ngành y dược thì rõ ràng em đã hiểu được mình và cũng muốn chăm sóc người bệnh.
Theo tôi, đây là tố chất rất cần thiết đối với người làm nghề y. Khi biết cảm thông với nỗi đau của người bệnh, tôi nghĩ lúc đó em sẽ tự biết kiềm chế tính nóng của mình. Chính trong quá trình học, thực tập sẽ rèn cho em tính kiên nhẫn, thông cảm cho người bệnh. Hy vọng với sự định hướng sớm như vậy, em sẽ có lựa chọn ngành học phù hợp cho mình trong lĩnh vực khoa học sức khỏe", thầy Khôi tư vấn.
Nữ sinh có được học ngành hải quân?
Bạn Trần Huỳnh Trang (lớp 11 Trường THPT Trần Văn Thời) lại có đam mê mãnh liệt được thành nữ hải quân nên muốn tìm hiểu về điều kiện xét tuyển ngành hải quân.
Theo thiếu tá Phạm Trường - trợ lý phòng đào tạo Học viện Hải quân, đối tượng tuyển sinh của Học viện Hải quân năm 2024 là nam có chiều cao từ 1,65m, cân nặng 51kg và đạt các tiêu chuẩn về sức khỏe theo quy định của Bộ Quốc phòng.
"Tuy nhiên, thực tế học viện và Quân chủng Hải quân đều có tuyển công chức một số ngành nghề đặc thù mà quân chủng và Bộ Quốc phòng không đào tạo. Ví dụ bạn có thể học ngành ngôn ngữ Anh, tiếng Nga, sư phạm toán - lý - hóa và tin học, các ngành luật, kế toán…", ông Trường nói.
Bạn Nguyễn Tấn Vũ (học sinh lớp 12 Trường THPT Huỳnh Phi Hùng) hỏi ngành thiết kế vi mạch học trong bao lâu và khi ra trường có được giới thiệu việc làm hay không. "Em thấy ngành này phù hợp với em nhưng em đang lo lắng về cơ hội việc làm", Vũ bày tỏ.
Tư vấn cho bạn, PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho hay lĩnh vực vi mạch là quyết tâm của Việt Nam. Chính phủ đang có nhiều chính sách kéo các công ty thiết kế vi mạch về đầu tư tại Việt Nam. Do vậy học ngành vi mạch không lo về việc làm.
"Theo nhu cầu cần khoảng 50.000 kỹ sư thiết kế vi mạch thì việc đào tạo hiện nay còn kém xa. Thị trường thiết kế vi mạch chiếm hơn 50% tại TP.HCM. Nơi cung cấp nguồn nhân lực này từ các trường đại học đào tạo kỹ thuật, điện tử, kỹ thuật máy tính.
Chúng ta có thể học nghề, học đại học, học thạc sĩ và tiến sĩ về thiết kế vi mạch. Vừa qua, có công ty trong nước tài trợ học bổng đào tạo thạc sĩ thiết kế vi mạch. Ngành này đang có sức hút rất lớn nên không lo về việc làm", ông Thắng nhấn mạnh.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau, Trường THPT Trần Văn Thời phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Qua hơn 20 năm đi tư vấn tuyển sinh, điều đọng lại trong tôi, khiến tôi suy nghĩ là sự đồng cảm giữa phụ huynh và học sinh trong việc chọn ngành, chọn trường.