Cùng với đó, nhiều sinh viên ngành y tại Hàn Quốc đã quyết định nghỉ học hàng loạt và nhiều giáo sư tại các trường y cũng tuyên bố sẽ từ chức, để phản ứng với kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh.
Vì đâu nên nỗi?
Vào tháng 2, Chính phủ Hàn Quốc thông báo sẽ mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y thêm 2.000 sinh viên, từ 3.058 hiện tại lên hơn 5.000 chỉ tiêu vào năm 2025. Mục tiêu là bổ sung thêm 15.000 bác sĩ vào năm 2035.
Lý do của việc thúc đẩy mở rộng tuyển sinh y khoa là do dân số Hàn Quốc hiện tại là 52 triệu người, nhưng tỉ lệ bác sĩ chỉ là 2,6 bác sĩ trên 1.000 người dân (năm 2022). Con số này thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,7 bác sĩ trên 1.000 người của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Hàn Quốc có tỉ lệ giường bệnh trên 1.000 bệnh nhân cao nhất trong số các nước OECD với 12,8 giường trên 1.000 bệnh nhân. Con số này gấp hơn hai lần số giường bệnh ở Pháp và gấp sáu lần so với Thụy Điển.
Mặt khác, "xứ nhân sâm" đang phải vật lộn với tình trạng thiếu bác sĩ ở một số chuyên ngành quan trọng như sản khoa và nhi khoa cũng như ở các vùng nông thôn.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỉ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, dự báo hơn 1/5 dân số của nước này sẽ ở độ tuổi trên 64 vào năm 2025.
Giới y tế nói gì?
Theo OECD, bác sĩ chuyên khoa Hàn Quốc được trả lương cao nhất trong số các nước phát triển, với thu nhập trung bình gần 192.800 USD/năm (năm 2020).
Tuy nhiên, dữ liệu của Bộ Y tế Hàn Quốc cho thấy các bác sĩ đa khoa được trả lương ít hơn và cũng có sự chênh lệch đáng kể trong thu nhập của các bác sĩ chuyên khoa.
Chẳng hạn, bác sĩ khoa nhi được trả lương thấp nhất, thấp hơn mức trung bình chung 57%. Trong khi bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và da liễu ở bệnh viện tư thường được trả lương cao hơn.
Các bác sĩ tập sự chiếm từ 30-40% tổng số bác sĩ tại các bệnh viện đa khoa hàng đầu ở Hàn Quốc. Họ có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các bác sĩ chính thức trong quá trình phẫu thuật và điều trị bệnh nhân nội trú.
Song các bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú nói rằng họ bị trả lương thấp và phải làm việc quá sức từ 80-100 tiếng/tuần.
Một bác sĩ thực tập chia sẻ với Hãng tin Reuters rằng anh phải làm việc hơn 100 tiếng/tuần với mức lương từ 1.500-3.000 USD/tháng, đã bao gồm cả tiền làm thêm giờ.
Mặt khác, hệ thống bảo hiểm y tế của Hàn Quốc chỉ cho phép các bệnh viện nhận được một khoản phí cố định cho các dịch vụ chăm sóc y tế thiết yếu từ người bệnh. Tuy nhiên, một số bác sĩ cho rằng mức phí do chính phủ đặt ra là quá thấp.
Điều này dẫn đến tình trạng các bác sĩ tại Hàn Quốc "tránh xa" các chuyên ngành thiết yếu như phẫu thuật thần kinh, cấp cứu và nhi khoa. Họ có xu hướng lựa chọn những ngành nghề có tỉ suất lợi nhuận cao như da liễu và phẫu thuật thẩm mỹ (các phẫu thuật không được bảo hiểm chi trả).
Giới y tế phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh của Chính phủ Hàn Quốc vì cho rằng nó sẽ làm suy yếu chất lượng giáo dục ngành y, đồng thời dẫn đến chi phí y tế cao hơn cho bệnh nhân.
Các bác sĩ thực tập nhấn mạnh chính phủ cần giải quyết vấn đề lương và điều kiện việc làm trước khi tăng số lượng bác sĩ.
Đồng thời, họ yêu cầu cần có phụ cấp và giảm thiểu rủi ro pháp lý đối với các sai sót y tế, nhằm khuyến khích các bác sĩ đến làm việc trong những ngành đang thiếu hụt nhân lực.
Hệ lụy của cuộc đình công
Theo báo Guardian, cuộc đình công tính đến cuối tháng 2 đã khiến các bệnh viện đa khoa lớn ở Hàn Quốc phải cắt giảm 50% hoạt động và phải từ chối chăm sóc nhiều bệnh nhân.
Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện các biện pháp khẩn cấp để giảm thiểu tác động từ cuộc đình công như triển khai các bác sĩ quân y, kéo dài thời gian hoạt động tại các cơ sở y tế công và cho phép các y tá được thực hiện một số thủ tục y tế thường do bác sĩ thực hiện.
Chính phủ Hàn Quốc đến nay đã thông báo về việc đình chỉ giấy phép hành nghề của khoảng 5.000 bác sĩ thực tập không tuân thủ yêu cầu quay trở lại làm việc.
Cuộc khủng hoảng ngành y tiếp tục leo thang khi hồi đầu tuần này, giới giáo sư y khoa tại các trường y đã đe dọa sẽ đồng loạt nộp đơn từ chức nếu chính phủ không tìm được lối thoát cho cuộc đình công kéo dài.
Theo Hãng tin Yonhap, các giáo sư y khoa trên toàn quốc đã đưa ra quyết định nộp đơn từ chức bắt đầu từ ngày 25-3 để gây áp lực. Song họ lưu ý vẫn sẽ tận tâm điều trị cho bệnh nhân vì thực tế đã có quá nhiều bác sĩ thực tập đình công.
Các giáo sư cho rằng các trường đại học đã đưa ra yêu cầu tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y mà không lưu ý đến ý kiến của họ.