Hàng loạt bất động sản, cổ phần khủng
Sáng 15.3, TAND TP.HCM tiếp tục thẩm vấn làm rõ các vấn đề dân sự trong vụ án Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm.
Phiên tòa chủ yếu tập trung làm rõ các tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan.
Thứ nhất, đối với căn biệt thự cổ tại 112 Võ Văn Tần (Q.3, TP.HCM), bị cáo khai trước đây mua với giá 700 tỉ đồng. Hiện căn biệt thự cổ này đang bị kê biên. Tuy nhiên, bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị không kê biên và xin tòa trả lại cho gia đình để sửa chữa, bảo tồn di tích cho Việt Nam.
Thứ hai, đối với tòa nhà Capital Place ở Hà Nội, bị cáo Trương Mỹ Lan từng khai có thể bán 1 tỉ USD. Tuy nhiên, theo chủ tọa: "Con gái Chu Diệp Phấn của bị cáo Lan có văn bản gửi tòa, trình bày đang có người trả 360 triệu USD. Thế nhưng tòa nhà này đang thế chấp vay của 4 ngân hàng nước ngoài 230 triệu USD. Do đó, sau khi bán xong, trả nợ cho 4 ngân hàng, số tiền còn lại sẽ dùng khắc phục hậu quả trong vụ án. Cho nên bị cáo nói bán tòa nhà này 1 tỉ USD là không đúng".
Thứ ba, Công ty Gia Tuệ, Lâm Đồng (người liên quan) trình bày, trước đây có giao kết chuyển nhượng 2 dự án ở Hồ Tuyền Lâm cho một công ty của Vạn Thịnh Phát, với giá 960 tỉ đồng. Thời điểm đó, phía công ty của Vạn Thịnh Phát mới trả 672 tỉ đồng. Nay, Công ty Gia Tuệ đề nghị hủy hợp đồng, và hoàn trả lại 672 tỉ đồng cho bị cáo Trương Mỹ Lan, tương đương với 6 bất động sản đã được kê biên.
Thứ 4, đối với khách sạn Daewoo Hà Nội, Trương Mỹ Lan khai Công ty cổ phần Bông Sen của gia đình bị cáo có 73% cổ phần. Con bị cáo Lan cũng đề nghị bán khách sạn này, sau đó dùng tiền có được khắc phục hậu quả vụ án.
Thứ năm, tương tự, với một công ty bảo hiểm của bị cáo Trương Mỹ Lan cũng được con gái bị cáo gửi văn bản tới tòa, cho rằng có đối tác mua lại cổ phần với giá 40 triệu USD, tương đương 920 tỉ đồng. Sau khi bán, tiền này cũng sẽ dùng khắc phục hậu quả.
Thứ sáu, đối với tập đoàn nhà máy sản xuất vắc xin, Trương Mỹ Lan đầu tư 315 tỉ đồng. Trong văn bản gửi tòa, con gái bị cáo cho biết sẽ chuyển nhượng toàn bộ cho một đối tác khác với giá 315 tỉ đồng để thu hồi khắc phục vụ án.
Thứ bảy, đối với dự án 29 Liễu Giai đang vay 4 ngân hàng nước ngoài với số tiền 200 triệu USD. Trương Mỹ Lan cho rằng khi mua với giá 700 tỉ đồng, nên hiện nay có người mua 350 triệu USD là đang ép giá. Bị cáo tự nguyện dùng phần còn lại sau khi trả nợ để khắc phục.
Thứ 8, liên quan đến dự án Tuần Châu (tỉnh Quảng Ninh) do Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh và Công ty T&H Hạ Long làm chủ đầu tư, Trương Mỹ Lan cho rằng, bà Phạm Thị Lan Phương là người phụ trách dự án, nên không nhớ gì về dự án này.
"Công ty Tuần Châu cho SCB mượn tài sản, bị cáo chỉ biết SCB đang cơ cấu liên tục, luôn thiếu tài sản, còn việc cơ cấu thế nào thì không rõ. Việc này có thể Dung (tức cựu Phó tổng giám đốc SCB Trần Thị Mỹ Dung - PV) và Hoàng (tức cựu Quyền tổng giám đốc SCB Trương Khánh Hoàng - PV) biết", bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày.
Ngược lại, phía bị cáo Trương Khánh Hoàng lại cho rằng hợp tác giữa Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (tỉnh Quảng Ninh) và Trương Mỹ Lan đã xảy ra từ trước khi Hoàng vào làm. Vì thế bị cáo không tham gia vào hợp đồng, giao dịch này.
Cạnh đó, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung cũng khai, thỏa thuận giữa Công ty T&H Hạ Long và Lan là có từ lâu, trước khi một người khác làm Phó tổng giám đốc SCB, bị cáo chỉ làm theo những gì có sẵn, mọi việc đều theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan.
Thứ 9, liên quan Công ty Thành Hiếu có giao dịch từ trước với ngân hàng SCB cũ, Trương Mỹ Lan cho rằng không dính gì đến Vạn Thịnh Phát. Bị cáo chỉ giúp SCB xử lý nợ, mọi việc do bị cáo Trần Thị Mỹ Dung xử lý…
SCB nói gì về việc giữ tài sản không định giá được?
Cũng tại tòa, Công ty TNHH thẩm định giá Hoàng Quân cho biết nhiều tài sản mà công ty không thẩm định giá là do không đầy đủ tài liệu theo quy định pháp luật nên không định giá. Mục đích thẩm định là nhằm đánh giá thực trạng tài chính của SCB.
Công ty thẩm định trên cơ sở khách quan, độc lập, đúng giá thị trường. Về kết quả định giá, công ty đã thể hiện rõ trong chứng thư nên không có ý kiến gì thêm.
SCB không đồng ý với cáo trạng xác định SCB bị thiệt hại là hơn 498.000 tỉ đồng. Bởi theo SCB thiệt hại tạm tính đến ngày 5.3 là (nợ gốc 482.000 tỉ đồng, lãi suất/phí hơn 277.000 tỉ đồng) mới đúng.
Không đồng tình với quan điểm của SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị HĐXX xem xét lại: "Có rất nhiều tài sản, nhưng cách tính toán của SCB không hợp lý và cơ sở nào để SCB xác định số tiền thiệt hại đó".
Theo luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh (người bào chữa cho bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó tổng giám đốc SCB) cho rằng, cáo trạng xác định có 440/1.166 mã tài sản Công ty Hoàng Quân không định giá với giá trị sổ sách phân bổ hơn 600.000 tỉ đồng, với lý do các tài sản cổ phần, cổ phiếu, bất động sản… không đủ hồ sơ pháp lý. Chính vì vậy, những tài sản này không được cấn trừ vào số tiền mà Trương Mỹ Lan đã được các đồng phạm giúp sức chiếm đoạt của SCB.
Để làm rõ vấn đề trên, luật sư Kim Vinh đặt ra hàng loạt câu hỏi chất vấn SCB: "Những tài sản của SCB cho rằng chưa đảm bảo về pháp lý, nên không yêu cầu thẩm định giá và xác định giá trị bằng 0. Thế nhưng đây lại là tài sản mà SCB đang nắm giữ, vậy ngân hàng quản lý để làm gì? Sao không trả lại cho khách hàng? Ngân hàng giữ tài sản, khi thẩm định lại có cấn trừ số tiền mà các bị cáo gây thiệt hại?".
Tuy nhiên, phía bị hại SCB từ chối trả lời. "Mục đích cuối cùng của SCB là đòi lại tối đa số tiền mà các bị cáo trong vụ án gây ra thiệt hại. Còn trách nhiệm như thế nào thì tòa quyết định", đại diện SCB nói.
Phiên tòa kết thúc phần thẩm vấn, sáng 19.3 Viện kiểm sát sẽ phát biểu quan điểm và đề nghị mức án đối với các bị cáo.