Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 15.3, Công an tỉnh Bình Thuận đã công bố nguyên nhân vụ cháy thiêu rụi 232 chiếc xe máy tang vật tại trụ sở Công an H.Tánh Linh vào ngày 9.3
Do bất cẩn của chiến sĩ nghĩa vụ công an
Theo Công an tỉnh Bình Thuận, nguyên nhân vụ cháy xuất phát từ sự bất cẩn của chiến sĩ nghĩa vụ tại Công an H.Tánh Linh. Theo đó, một chiến sĩ đang thực hiện quá trình hút xăng từ các xe máy tang vật vi phạm trước khi đưa vào bãi.
Cùng lúc, một chiến sĩ khác đi ăn cơm chiều về vô tình quăng tàn thuốc trúng vào nơi đang hút xăng khiến ngọn lửa bùng phát dữ dội và trở thành đám cháy. Vụ cháy đã được dập tắt sau 45 phút. Tuy nhiên, thiệt hại của vụ cháy là 232 chiếc xe máy tang vật bị thiêu rụi. Ngoài ra đám cháy còn gây thiệt hại các tài sản khác, tổng thiệt hại khoảng 2 tỉ đồng.
Theo Công an Bình Thuận, vụ cháy đang được Công an H.Tánh Linh làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân; đồng thời làm việc với từng chủ phương tiện để thỏa thuận bồi thường dân sự trong vụ cháy này.
Ai sẽ phải bồi thường xe bị cháy?
Người dân có tài sản bị cháy cần làm thủ tục gì để được bồi thường?. Theo luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (giảng viên luật, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai) căn cứ vào khoản 2, 3 Điều 9 Nghị định số: 138/2021/NĐ-CP thì "Người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ. Trường hợp tang vật, phương tiện, giấy phép bị tạm giữ bị mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng... thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật".
Ngoài ra: "Người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép bị tạm giữ có trách nhiệm trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu. Trường hợp tang vật, phương tiện, giấy phép bị tạm giữ bị mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng... phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép bị tạm giữ."
Như vậy đối với các xe bị cháy dẫn đến hư hỏng thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Còn người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện.
Ngoài ra trong trường hợp chủ xe có mua thêm bảo hiểm vật chất xe (bảo hiểm tự nguyện) thì chủ xe yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) bồi thường cho mình.
Sau khi DNBH đã trả tiền bồi thường cho chủ xe, DNBH có quyền yêu cầu Công an H.Tánh Linh (hoặc người có lỗi gây ra đám cháy) bồi hoàn cho mình khoản tiền đã bồi thường trước đó cho chủ xe.
Thủ tục bồi thường bắt đầu từ đâu?
Theo luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, đầu tiên cần xác định chủ xe có mua bảo hiểm vật chất cho xe hay không?
Trong trường hợp có mua bảo hiểm vật chất thì chủ xe có thể liên hệ DNBH để xác định trường hợp cháy trên có thuộc phạm vi được bồi thường hay không? Nếu có thì chủ xe đề nghị phía DNBH tiến hành bồi thường cho mình.
Còn nếu chủ xe không mua bảo hiểm vật chất xe hoặc trường hợp không thuộc phạm vi được bảo hiểm thì có thể yêu cầu người ra quyết định tạm giữ, tịch thu phương tiện phải chịu trách nhiệm bồi thường cho mình.
Sau đó người người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu sẽ phải chịu trách nhiệm đối với người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị thiệt hại.
Muốn được bồi thường thiệt hại thì chủ phương tiện cần phải chuẩn bị các giấy tờ cần thiết như: biên bản tạm giữ xe, phương tiện, giấy chứng nhận đăng ký xe, biên bản xác định tình trạng xe… để chứng minh về việc chủ xe có xe tạm giữ bị cháy và cơ sở để xác định giá trị bồi thường.
Sau đó chủ xe cần liên hệ DNBH nếu chủ xe có mua bảo hiểm vật chất xe, để yêu cầu xác định phạm vi, giá trị bồi thường và yêu cầu DNBH bồi thường nếu thuộc phạm vi được bảo hiểm.
Nếu chủ xe không mua bảo hiểm vật chất xe hoặc được xác định trường hợp cháy trên không thuộc vào phạm vi bảo hiểm chủ xe cần liên hệ với người ra quyết định tạm giữ phương tiện, Công an H.Tánh Linh để yêu cầu bồi thường.
Nếu các bên không thỏa thuận được phương án bồi thường thì chủ xe có thể khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết trách nhiệm bồi thường.