Thế hệ trẻ bây giờ rất khác, họ dễ dàng rời bỏ công việc hoặc nghỉ hưu sớm nếu nơi đó không đáp ứng được những mong đợi của họ. Muốn thúc đẩy tinh thần làm việc và giữ chân người trẻ tài năng ở lại với mình là cả một nỗ lực rất lớn đến từ phía người sử dụng lao động.
"Cục diện" bây giờ đã khác
Qua khảo sát, được biết một trong những nguyên nhân chính khiến người trẻ muốn nghỉ hưu sớm chính là do áp lực đến từ công việc. Họ dần có xu hướng tách ra làm việc độc lập, lựa chọn các công việc tự do (freelance), tự kinh doanh hoặc đầu tư sinh lãi…
Trò chuyện với chị Võ Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Tổ chức hành chính - đào tạo và phát triển (Công ty Ngọc Hạt TA Cửu Long - TAC), được biết thị trường lao động những năm gần đây có rất nhiều biến động, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.
Chị Thảo cung cấp thông tin: Theo báo cáo của Microsoft thì đến giữa năm 2021, có tới 42% người đi làm trên thế giới chia sẻ rằng họ đang có ý định nghỉ việc, ngay cả khi tình trạng thất nghiệp leo thang trên toàn cầu. Đến tháng 12.2021, khảo sát nguồn nhân lực của Anphabe cũng cảnh báo tình trạng này đã lan tới Việt Nam khi tỷ lệ người vừa đi làm vừa tìm kiếm công việc mới trong 6 tháng gần nhất là 58%.
"Môi trường làm việc vui vẻ, đúng sở thích và thu nhập cao đang trở thành những tiêu chí hàng đầu khi người trẻ tìm việc. Cùng với đó, trong thời đại công nghệ số, việc tự kinh doanh, có thêm những nguồn thu nhập thụ động là không quá khó cũng đã khiến tư duy tự chủ tài chính và nghỉ hưu sớm nhen nhóm trong suy nghĩ của các bạn trẻ", chị Thảo phân tích.
Trong quá trình làm việc và tiếp xúc với các nhân sự trong doanh nghiệp, chị Võ Thị Phương Thảo nhận ra các bạn trẻ thế hệ 9X và Gen Z rất nhạy bén về thông tin, có khả năng quan sát và tiếp thu tốt. Tuy nhiên, họ dễ dàng bị tác động bởi cảm xúc, hành vi, thái độ, lời nói của những người xung quanh, dễ dàng bỏ cuộc trước những khó khăn trong công việc hoặc những thay đổi ngoài mong đợi của họ. Do đó, muốn thúc đẩy, khuyến khích tinh thần lao động ở thế hệ này, các doanh nghiệp cũng tự thân có những thay đổi tích cực.
Chị Phương Thảo nhấn mạnh: "Bên cạnh việc chuyển đổi kinh doanh phù hợp với nền kinh tế thị trường, các công ty cũng cần thực hiện khảo sát, đánh giá "sức khỏe doanh nghiệp" để nắm bắt tình trạng hiện tại của mình; đầu tư chăm sóc, gắn kết người lao động theo xu hướng mới của thế hệ và thị trường tương ứng; xây dựng và quảng bá văn hóa doanh nghiệp, thương hiệu nhà tuyển dụng ngay từ trong nội bộ từng nhân sự của công ty và cả bên ngoài thị trường để thu hút nhân tài, mở rộng nguồn nhân lực tiềm năng".
"Quan trọng hơn hết là xây dựng chương trình đánh giá năng lực nhân sự, lộ trình đào tạo và phát triển cho từng nhân viên một cách rõ ràng, phù hợp với mục tiêu mới của doanh nghiệp để gia tăng sự gắn kết lâu dài", chị Phương Thảo chia sẻ thêm.
Đừng để người trẻ nối nhau nghỉ hưu sớm…
Từng tham gia các chương trình tư vấn tuyển dụng và nghiên cứu thị trường lao động nhiều năm, ông Trần Anh Tuấn (Phó chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM) nhận định: "Phải thừa nhận rằng, thị trường việc làm đang dần nghiêng về phía có lợi cho ứng viên nhiều hơn là nhà tuyển dụng. Việc xây dựng được trải nghiệm tuyển dụng tốt và mối quan hệ lâu dài với ứng viên thực sự trở nên cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết".
Theo ông Tuấn, việc giao tiếp giữa bên sử dụng lao động và người lao động cũng đang dần khó khăn hơn. Các ứng viên giờ đây kỳ vọng cao vào môi trường làm việc, tâm lý ngại rủi ro cũng rất lớn nên các đơn vị doanh nghiệp phải nỗ lực hết mình trong việc cải tiến quy trình tuyển dụng, nhằm tạo được lòng tin và khơi gợi tinh thần làm việc bên trong họ.
Ngoài tiền lương và chế độ đãi ngộ, ông Tuấn cho hay việc quan tâm, chăm lo cho đời sống tinh thần của người lao động cũng rất cần trong thời đại mới. Doanh nghiệp nên đồng hành cùng họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
"Không chỉ các đơn vị kinh tế mà toàn xã hội cũng phải chung tay giúp đỡ, động viên người trẻ làm việc, đừng để họ nối nhau nghỉ hưu sớm. Người trẻ là một phần không thể thiếu trong lực lượng lao động, chính sự sáng tạo và trẻ trung đó sẽ góp phần tạo dựng vị thế cho đất nước Việt Nam trên toàn cầu", ông Anh Tuấn khẳng định.
Như đã nói, một bàn tay không thể vỗ thành tiếng, bên cạnh sự tiếp sức của xã hội và các bên tuyển dụng, lao động trẻ cũng nên có những hành động thiết thực để thay đổi bản thân thay vì đâm đầu chạy theo xu hướng nghỉ hưu sớm.
Ông Trần Anh Tuấn có lời khuyên rằng các bạn trẻ nên liên tục cập nhật về tin tức thị trường, chủ động học hỏi để phát huy năng lực của bản thân. Đặc biệt là phải nắm bắt các xu hướng làm việc mới, biết áp dụng AI vào công việc để nâng cao năng suất lao động. Nếu cố gắng học tập và nỗ lực mỗi ngày thì sẽ không bao giờ phải lo thất nghiệp.
Suy nghĩ nhất thời, hệ lụy lâu dài
Chị Võ Thị Phương Thảo chia sẻ rằng tỷ lệ nghỉ việc - thiếu gắn kết trong doanh nghiệp nếu tục kéo dài sẽ tạo nên sự bất ổn trong chất lượng nguồn nhân lực, một trong những hệ quả của nó là "chảy máu chất xám" khi những nhân sự có năng lực, nhân sự giỏi liên tục rời bỏ doanh nghiệp.
Hậu quả tiếp theo sau là người lao động toàn thời gian rất khó phát triển toàn diện trong sự nghiệp. Và họ sẽ luôn trong trạng thái săn lùng công việc mới vì mọi thứ đều ngắn hạn, thiếu sự ổn định lâu dài.
Ông Trần Anh Tuấn bổ sung, các bạn trẻ chưa ra trường mong muốn nghỉ hưu sớm có thể chỉ là mong muốn nhất thời. Điều này tưởng chừng vô hại nhưng nếu không phân tích, làm rõ rất có thể sẽ dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng trong tương lai.
Thay vì nghỉ hưu sớm, các bạn nên tận dụng sức trẻ để "làm giàu" kiến thức, trải nghiệm cho bản thân mình, chủ động học hỏi, phát triển kỹ năng, trang bị thêm ngoại ngữ và học cách thích nghi với nhiều hoàn cảnh. Khi bản thân các bạn "đủ đầy", tinh thần và hiệu suất lao động cũng từ đó mà tăng lên.
Ảnh 1: Chị Võ Thị Phương Thảo - Ảnh: NVCC
Ảnh 2: Ông Trần Anh Tuấn - Ảnh: NVCC