Theo quy hoạch, tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức không gian hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình cấu trúc "2 vùng, 2 cụm động lực, 3 hành lang phát triển". Cụ thể, vùng đông gồm các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng ven biển. Trong đó, Tam Kỳ là đô thị trung tâm hành chính, kinh tế, giáo dục, đào tạo; Hội An là đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch, giao lưu quốc tế với các sản phẩm đặc sắc có chiều sâu văn hóa; Điện Bàn là đô thị phát triển công nghiệp, khoa học và đổi mới sáng tạo.
Vùng tây gồm các huyện miền núi bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên; phát triển vùng nguyên liệu lâm sản và dược liệu quốc gia; kinh tế vườn, trang trại, chăn nuôi; khai thác thủy điện, khoáng sản; bảo vệ khu vực biên giới…
Tỉnh Quảng Nam sẽ sáp nhập H.Núi Thành với TP.Tam Kỳ để phát triển thành đô thị loại 1. Năm 2030, Quảng Nam đặt mục tiêu thu hút hơn 15 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu khách quốc tế và 7 triệu khách nội địa. Tỉnh được định hướng là trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa giá trị di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn, khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm… Đáng chú ý, Quảng Nam phấn đấu năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Về quy hoạch và thực hiện quy hoạch, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: "Quảng Nam cần tuân thủ quy hoạch, đồng thời linh hoạt trong cách làm, đối với những mục tiêu không có giá trị cốt lõi thì có thể đề xuất thay đổi. Quy hoạch phải triển khai bằng kế hoạch đồng bộ với quy hoạch cả nước, của vùng. Phải thấu hiểu nhau, doanh nghiệp và người dân cùng thấu hiểu với chính quyền để thực hiện mục tiêu chung và chỉnh sửa những nội dung chưa phù hợp".
Dịp này, tỉnh Quảng Nam đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thỏa thuận nghiên cứu địa điểm đầu tư cho 10 nhà đầu tư đối với 16 dự án trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đăng ký gần 20.000 tỉ đồng. Trong đó, Tập đoàn Thaco Trường Hải được trao chứng nhận đăng ký đầu tư 7 dự án ở lĩnh vực công nghiệp thuộc các công ty thành viên, tổng vốn hơn 3.900 tỉ đồng.