Tại dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, Chính phủ đề xuất mỗi giấy phép lái xe (GPLX) có 12 điểm, người điều khiển phương tiện nếu vi phạm sẽ bị trừ điểm tương ứng. GPLX được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm bị trừ điểm gần nhất.
Trường hợp bị trừ hết điểm, GPLX sẽ không còn giá trị, người được cấp GPLX phải tham gia "kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ" do lực lượng CSGT tổ chức, kết quả đạt yêu cầu thì GPLX được phục hồi đủ 12 điểm. GPLX cấp đổi, cấp lại hoặc nâng hạng sẽ giữ nguyên số điểm như trước khi đổi, cấp lại hoặc nâng hạng.
Tài xế hưởng lợi, nhà tuyển dụng cũng "vui lây"
Nhất trí với đề xuất của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, quy định điểm, trừ điểm GPLX là một biện pháp quản lý nhà nước văn minh, hiện đại, nhằm quản lý quá trình chấp hành luật của lái xe thay vì quản lý từng hành vi đơn lẻ.
Thống kê cho thấy mỗi năm có hơn 500.000 GPLX bị tước quyền sử dụng có thời hạn. Khi bị tước, người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, sản xuất kinh doanh, đời sống hằng ngày của người dân. Hơn thế, việc tước GPLX đang thực hiện thủ công, nhiều người vi phạm bỏ GPLX không đến lấy, tồn đọng nhiều GPLX tại cơ quan xử phạt, dẫn đến lãng phí nguồn lực quản lý.
Việc áp dụng quy định trừ điểm GPLX sẽ giải quyết được các vấn đề trên. Việc trừ điểm thay vì tước GPLX mang tính nhân văn hơn, vừa quản lý chặt chẽ người được cấp GPLX, vừa tạo điều kiện cho những người này có cơ hội điều khiển phương tiện khi cố gắng, chấp hành tốt quy định của pháp luật về TTATGT đường bộ. Nếu GPLX chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống.
Đề xuất trừ điểm giấy phép lái xe, tài xế sẽ được hưởng lợi?
Cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ quản lý người lái xe thuận lợi và toàn diện hơn, từ khi đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, cho đến quá trình chấp hành pháp luật, tái phạm (nếu có) của người lái xe. Nhờ vậy, người tham gia giao thông sẽ dần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Ông Hà Tuấn (57 tuổi, trú tại Hà Nội) từng bị tước GPLX 3 tháng vì chạy xe vượt quá tốc độ cho phép. Ông kể, đó là khoảng thời gian khó khăn vì không thể lái xe đi làm, phát sinh công việc gì cũng phải thuê xe hoặc nhờ người chở đi, rất bất tiện và tốn kém. Ông Tuấn mong có hình thức xử lý linh động hơn việc tước GPLX, trong đó trừ điểm là giải pháp khả thi.
Cũng bày tỏ sự ủng hộ, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Quyền cho rằng, quy định trừ điểm GPLX sẽ giúp tài xế nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Họ sẽ phải thường xuyên theo dõi thông tin trên cơ sở dữ liệu, luôn chú ý và chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông để không bị trừ hoặc trừ hết điểm.
Một lợi ích quan trọng nữa mang lại cho các nhà tuyển dụng. Thông qua hệ thống quản lý điểm GPLX, doanh nghiệp hoặc cơ quan sẽ nắm bắt được "lịch sử" đạo đức của tài xế để đánh giá tốt hay xấu, từ đó cân nhắc việc ký kết hợp đồng lao động và giám sát việc tài xế chấp hành pháp luật về giao thông trong suốt quá trình làm việc.
Nhân văn nhưng tránh "nhờn luật"
Với những lỗi vi phạm đến mức tước GPLX, ngoài khoản tiền phạt, điều khiến tài xế lo lắng nhất là không thể tiếp tục điều khiển phương tiện giao thông trong thời gian GPLX bị tước. Vì thế, các tài xế "dè chừng" và cẩn thận hơn khi ngồi trước vô lăng.
Quy định trừ điểm GPLX giúp tài xế vi phạm không bị tước GPLX ngay, vẫn có thể điều khiển phương tiện giao thông. Nhưng điều này cũng đặt ra băn khoăn liệu có nảy sinh tâm lý "nhờn luật", "cứ vi phạm đi, hết điểm thì chỉ cần một buổi kiểm tra kiến thức là được phục hồi"?.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, lo lắng trên là hoàn toàn hợp lý. Ông kiến nghị nếu tài xế bị trừ hết điểm GPLX thì phải sau một khoảng thời gian nhất định (vài tháng chẳng hạn) mới được "kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ". Nội dung, hình thức kiểm tra phải đảm bảo thực chất, khách quan và nghiêm túc, đủ sức răn đe để tài xế nhận thức được vi phạm và không muốn tái phạm. Nếu kiểm tra mang tính hình thức hoặc không khách quan, hiệu quả chính sách sẽ không đạt như kỳ vọng.
Vẫn theo dự thảo, lực lượng CSGT sẽ tổ chức "kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ" với những tài xế bị trừ hết điểm GPLX. Việc này có phát sinh thêm nguồn lực, có nên tận dụng cơ sở hạ tầng của các trung tâm sát hạch GPLX hiện hữu?
TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị, cho rằng về thẩm quyền tổ chức kiểm tra thì có thể giao lực lượng CSGT như dự thảo đã nêu. Tuy nhiên, Bộ Công an và Bộ GTVT nên xây dựng thông tư phối hợp để quá trình thực hiện đạt hiệu quả cao. Ví dụ, khi tài xế bị trừ hết điểm, ngành công an có thể chuyển hồ sơ để ngành GTVT triển khai kiểm tra kiến thức pháp luật. Khi đạt kết quả, tài xế được cấp chứng chỉ hoặc văn bản công nhận tương tự. Ngành công an sẽ công nhận chứng chỉ này, để phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền khôi phục điểm GPLX cho tài xế.
Ông Thủy nhấn mạnh, nên tận dụng các cơ sở sát hạch GPLX do Bộ GTVT đang quản lý, thay vì xây dựng thêm hạ tầng chỉ để phục vụ việc "kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ" sẽ dẫn tới tốn kém, lãng phí.
Vị chuyên gia này cũng kiến nghị, cơ quan quản lý cần nghiên cứu xây dựng khung pháp lý về trừ điểm GPLX một cách rõ ràng, minh bạch; tránh trường hợp người vi phạm và CSGT phải "đôi co", tranh luận. Cùng với đó, quá trình trừ điểm GPLX phải áp dụng triệt để các giải pháp công nghệ, không gây phiền hà cho người dân, hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra tiêu cực.
Không phát sinh tiêu cực
Theo đánh giá của Bộ Công an, thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm GPLX sẽ bảo đảm đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người vi phạm; theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu về sát hạch, cấp GPLX, dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính. Khi có quyết định xử phạt (đối với hành vi vi phạm có quy định trừ điểm), tài xế sẽ nhận được thông báo của cơ quan xử phạt về việc GPLX bị trừ điểm. Hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ tự động trừ điểm, không có sự tiếp xúc giữa người có thẩm quyền xử phạt và người vi phạm, nên sẽ không phát sinh tiêu cực, không trùng chéo với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính.