Cách đây gần 2 năm, khi dự án vành đai 3 TP.HCM chuẩn bị trình Quốc hội, Tuổi Trẻ Online đã đi dọc tuyến 76km để hình dung về con đường đặc biệt quan trọng. Dự án được hàng triệu người dân kỳ vọng, góp phần phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thời điểm đó, con đường đang nằm trong quy hoạch, chưa có ranh mốc, hiện trường chỉ là những cánh đồng, rừng cây, khu vực đầm lầy… Sau hai năm, chúng tôi lại đi dọc khu vực làm vành đai 3 TP.HCM để tận mắt thấy nhiều đoạn đã hình thành dáng dấp.
Dọc theo vành đai 3, nhiều công trường đang hoạt động nhộn nhịp. Có nơi đã thành hình, trụ cầu đã mọc lên.
Sự nhập cuộc mạnh mẽ của các địa phương cho thấy chính sách phân cấp làm cao tốc của Chính phủ là đúng đắn. Điều này góp phần hiện thực hóa mục tiêu cả nước có 5.000km đường cao tốc vào năm 2030.
Tuy nhiên, bên cạnh 3 địa phương đang bứt tốc thi công thì Đồng Nai đang khởi động khá chậm, có nguy cơ ảnh hưởng tới tiến độ chung toàn dự án.
Điều đáng nói, đây là địa phương có diện tích thu hồi đất thấp nhất nhưng lại... chậm nhất.
Vành đai 3 TP.HCM có chiều dài hơn 76km, tổng mức đầu tư 75.378 tỉ đồng, đặt mục tiêu sẽ thông xe phần cao tốc vào năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026. Dự án này đi qua TP.HCM 46km, Bình Dương hơn 10km, Đồng Nai 11km và Long An 6,81km.
Những hình ảnh ghi nhận vành đai 3 TP.HCM suốt chiều dài 76km:
Một số hình ảnh trên công trường xây dựng vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương mà Tuổi Trẻ Online ghi nhận được (gồm công trường giáp huyện Củ Chi, TP.HCM và công trường gần quốc lộ 13) - Ảnh: LÊ PHAN
Hôm 15-3, tại cuộc họp các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, các địa phương cho biết các dự án thành phần do TP.HCM, Bình Dương, Long An làm cơ quan chủ quản cơ bản đã bàn giao ít nhất 70% diện tích mặt bằng. Tuy nhiên, khối lượng mặt bằng còn lại (chủ yếu là đất ở) tiến độ bàn giao mặt bằng triển khai chậm. Riêng đoạn qua tỉnh Đồng Nai công tác giải phóng mặt bằng triển khai còn chậm - Ảnh: CHÂU TUẤN