Liên quan đến vụ việc nợ thẻ tín dụng Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) 8,5 triệu đồng thành nợ xấu hơn 8,8 tỷ đồng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh cho biết, đã nắm được thông tin nhưng chưa đầy đủ.
"Theo báo cáo từ Eximbank chi nhánh Quảng Ninh thì mọi hồ sơ liên quan đến vụ việc này đã chuyển về hội sở, do đó Eximbank Quảng Ninh đang chờ phía hội sở của Eximbank tại Tp. Hồ Chí Minh hỗ trợ các thông tin liên quan đến khách hàng cũng như quá trình phát sinh dư nợ để tổng hợp báo cáo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh cho biết.
Trước đó, Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank AMC) đã có thông báo tới khách hàng có tên P.H.A (địa chỉ tại phường Cẩm Tây, thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh) với số tiền nợ gần 9 tỷ đồng.
Theo nội dung thông báo này, khoản nợ của anh P.H.A tại Eximbank đã quá hạn toàn bộ với tổng số tiền phải thanh toán tạm tính đến ngày 31/10/2023 là: 8.838.869.549 đồng. Trong số đó, dư nợ thẻ tín dụng bao gồm nợ gốc là 8.554.625 đồng; Nợ lãi là 8.830.314.924 đồng. Tổng số tiền khách hàng P.H.A phải thanh toán đến thời điểm thông báo là 8.838.869.549 đồng.
Eximbank cho biết khách hàng P.H.A đã mở thẻ Master Card tại Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh vào ngày 23/3/2013 với hạn mức là 10 triệu đồng và đã có 2 giao dịch thanh toán vào ngày 23/4/2013 và 26/7/2013 tại một điểm chấp nhận giao dịch. Từ ngày 14/9/2013, khoản nợ trên thẻ đã chuyển thành nợ xấu và thời gian quá hạn phát sinh đến thời điểm thông báo đã gần 11 năm.
Eximbank cho biết, ngân hàng đã nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng. Tuy nhiên, khách hàng vẫn chưa có phương án xử lý nợ. Eximbank cũng khẳng định, việc phát thông báo nghĩa vụ nợ cho khách hàng là một hoạt động nghiệp vụ thông thường trong quá trình xử lý và thu hồi nợ. Đến thời điểm hiện tại, Eximbank chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ khách hàng.
Đối với vụ việc này, đúng sai sẽ rõ khi thanh tra, công an vào cuộc
Theo các chuyên gia, đối với vụ việc này, đúng sai sẽ rõ khi thanh tra, công an vào cuộc. Nhưng phần lớn các ngân hàng hiện nay thường áp dụng theo thông lệ là đối với một khoản nợ thẻ tín dụng đã bị chuyển thành nợ xấu, các ngân hàng sẽ khoanh nợ sau khi tính cả gốc, lãi và tiền phạt. Do đó, dù có 10 hay 11 năm, tiền lãi cũng sẽ chỉ dừng ở mức 60 triệu đồng để không tạo áp lực nợ không thể trả đối với khách hàng.
Để biết số nợ vài triệu đồng hóa thành hơn 8,8 tỷ đồng sau 11 năm có chính xác hay không, bên nào đúng, bên nào sai và thì cần phải kiểm tra rõ thông tin từ hồ sơ, hợp đồng giữa hai bên.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết nếu sự việc tranh chấp dân sự này được đưa ra toà và toà án yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xác nhận cách tính lãi của ngân hàng đúng hay sai, cơ quan này sẽ trả lời. Còn lại, việc tham gia vào tranh chấp dân sự không đúng thẩm quyền Ngân hàng Nhà nước.
Trước sự việc xảy ra tại Eximbank, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý người dùng thẻ tín dụng đọc kỹ lãi suất, cách tính lãi ghi trong hợp đồng phát hành thẻ, mà chính chủ thẻ đã ký.
Thẻ tín dụng là một giải pháp tài chính được phía ngân hàng cung cấp cho khách hàng, chi tiêu trước, trả tiền sau. Số tiền chi tiêu tối đa nằm trong hạn mức thẻ tín dụng được cấp. Chủ thẻ được hưởng thời gian miễn lãi trung bình từ 45 - 55 ngày, sau thời hạn miễn lãi, chủ thẻ có 2 lựa chọn thanh toán mỗi tháng (tương đương với mỗi kỳ sao kê) là thanh toán dư nợ tối thiểu hoặc thanh toán toàn bộ dư nợ.
Với những trường hợp chậm trả thanh toán thẻ tín dụng trong thời gian dài, số tiền phát sinh có thể hiểu như sau: số tiền lãi và gốc phải trả của kỳ này được tính dựa trên số tiền gốc và lãi phải trả của kỳ ngay trước đó (không phải tính dựa trên dư nợ gốc).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!