Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Trương Thanh Đức - giám đốc Công ty Luật ANVI - cho rằng nên nhìn lại về đề xuất áp trần lãi suất cho vay tín dụng, không nên để các ngân hàng tự quyết giới hạn.
Không có trần lãi suất vay tín dụng
* Một khách hàng ở Quảng Ninh có thẻ tín dụng của Eximbank với dư nợ ban đầu 8,5 triệu đồng. Sau 11 năm, dư nợ lên hơn 8,8 tỉ đồng, tức gấp nghìn lần. Dư luận quan tâm về cách tính lãi suất, ông nhìn nhận ra sao dưới góc độ pháp lý?
- Theo Bộ luật Dân sự, lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Khi cộng thêm lãi suất quá hạn thì cũng không được quá 30%/năm. Còn theo Bộ luật Hình sự, trường hợp cho vay với lãi suất trên 100% thì phạm tội cho vay lãi nặng.
Tuy nhiên, trần 20% không áp dụng đối với ngành ngân hàng. Theo quyết định số 1125 của Ngân hàng Nhà nước năm 2023, ngân hàng chỉ được phép thỏa thuận lãi suất không quá 4%/năm khi cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên như phát triển nông nghiệp, nông thôn; kinh doanh hàng xuất khẩu; phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ, ứng dụng công nghệ cao hay mua nhà…
Thế là lãi suất cho vay tiêu dùng có thể lên tới bất kỳ con số nào. Chưa kể, lãi suất quá hạn thay vì chỉ được cộng thêm tối đa 10% như quy định chung, thì lại bằng 150% lãi suất trong hạn.
Với vụ Eximbank, có thể họ áp dụng lãi suất kép, cộng gộp, nhập lãi vào gốc hay thường gọi là "lãi mẹ đẻ lãi con", tính theo từng tháng, nên việc nhảy từ 8,5 triệu đồng lên 8,8 tỉ đồng là hoàn toàn có thể, nếu lãi suất nợ quá hạn khoảng 70%/năm.
* Như vậy, có thể hiểu trần lãi suất cho vay 20%/năm thực tế chỉ được sử dụng nhằm điều chỉnh hoạt động tín dụng phi chính thức, thưa ông?
- Đối với bên ngoài ngành ngân hàng, nếu cho vay vượt quá trần lãi suất 20% là vi phạm, áp dụng lãi quá hạn quá 30%, còn gấp tới 5 lần thì có thể xem xét xử lý hình sự.
Tuy nhiên, toàn bộ điều đó không áp dụng đối với ngành ngân hàng. Do vậy, ngân hàng có thể cho vay với lãi suất 100%, thu lãi quá hạn 150%/năm và đặc biệt tính lãi nhập gốc ra con số rất lớn.
Việc khách hàng phải chịu lãi suất, lãi phạt, và các loại phí như thế nào sẽ được thỏa thuận trong hợp đồng cho vay hay sử dụng thẻ. Tuy nhiên nhiều khi khách hàng cũng không đọc, hoặc đọc cũng không hiểu, do khó hiểu.
Không nên để dùng dằng khoản nợ xấu cả thập kỷ
* Dư luận cũng thắc mắc vì sao ngân hàng lại để một món nợ nhỏ kéo dài đến tận 11 năm như vậy. Trường hợp này có quá cá biệt, thưa ông?
- Thông thường ngân hàng sau khi chuyển thành nợ xấu thì sẽ phải tìm mọi biện pháp để xử lý như phát mại tài sản bảo đảm, bán nợ, khởi kiện và tất toán, xóa nợ, chứ không để dềnh dang tới 11 năm như vậy.
Nếu để xảy ra vụ việc dai dẳng như này, ngân hàng có thu được nợ thì có khi cái mất sẽ lớn hơn. Nói chung, kinh doanh phải chấp nhận rủi ro, dựa trên uy tín và quan trọng nhất là biết cách giữ khách.
Đã đến lúc xem xét quy định trần cho vay tín dụng tiêu dùng
* Vụ việc khách hàng tại Eximbank còn nhiều điểm chưa rõ, cơ quan chức năng đã vào cuộc. Nhưng sẽ có nhiều bài học cho cả ngân hàng và những người xài thẻ tín dụng?
- Vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng có nhiều ưu điểm như thuận tiện, đơn giản, kịp thời… Để thu hút người sử dụng, ngân hàng thường phát hành thẻ tín dụng kèm rất nhiều chính sách hấp dẫn.
Tuy nhiên, khách hàng cần lưu ý, dễ chi tiêu quá đà, nhất là lãi suất đối với hình thức vay này bao giờ cũng cao hơn, đặc biệt là lãi suất quá hạn bởi ngân hàng phải dự phòng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.
Nếu không may phát sinh những rắc rối, tranh chấp, kể cả khi không dùng thẻ mà vẫn bị ghi nợ, thì phải nhanh chóng xử lý. Nếu không thỏa thuận được với ngân hàng thì phải khởi kiện hoặc trình báo cho cơ quan để giải quyết, chứ không nên thờ ơ, bỏ mặc.
Thêm nữa, cũng cần lưu ý, không trả được sẽ rơi vào danh sách "đen", có nợ xấu, sẽ bị lưu vết, mất uy tín, mất điểm tín dụng, không tiếp cận được vốn tín dụng.
Cuối cùng, đã đến lúc phải sửa đổi luật, áp dụng thống nhất quy định về lãi suất cho vay đối với mọi thành phần kinh tế, cao thì cùng cao, thấp thì cùng thấp, theo lẽ công bằng, bình đẳng, hợp lý, hợp tình.
* Cảm ơn ông!
TS Nguyễn Quốc Hùng, phó chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA):
Hiện hành chỉ có một số lĩnh vực ưu tiên thì có quy định lãi suất tối đa. Còn không có quy định trần cho vay tiêu dùng. Lãi suất cho vay không có tài sản đảm bảo, nhiều rủi ro nên bao giờ cũng cao hơn.
Mức lãi suất vay tiêu dùng phổ biến tại ngân hàng, các công ty tài chính áp dụng từ 20 - 50%/năm. Lãi suất chậm thanh toán được tính bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả. Tức với khoản vay lãi suất 50% có thể lên tới 75%, nói không bên nào dám cho vay quá 100%.
Nhưng cũng phải nói thêm, với lĩnh vực vay tiêu dùng, nhân sự, chi phí quản lý đi kèm hàng triệu khoản vay nhỏ nhỏ rất tốn kém. Chưa kể thu hồi nợ rất khó khăn, do vậy họ cũng cần dự phòng rủi ro.
Nhìn chung, nên để lãi suất cho vay tín dụng tiêu dùng theo cơ chế thỏa thuận, để thị trường tự điều tiết. Nếu bên nào cao quá thì người dùng không vay nữa. Không cần thiết phải áp trần lãi suất tín dụng tiêu dùng.
Tại hội thảo "Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?" do Tuổi Trẻ tổ chức cuối năm 2023, tiến sĩ Lê Thị Hoàng Thanh, phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), cho rằng cần có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và giới hạn các loại phí quản lý khoản vay để cân bằng quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay.
Tại thông tư 18 năm 2019 của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính được thực hiện theo quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
"Như vậy, pháp luật chưa có quy định cụ thể mức lãi suất trần và mức lãi suất tối đa đối với hình thức vay tiêu dùng của các tổ chức tài chính. Trên thực tế nhiều trường hợp người vay không đồng ý trả gốc và lãi vì cho rằng tiền lãi quá cao vượt quá khả năng gánh vác của họ” - tiến sĩ Thanh nhận định.
Luật sư Quách Thành Lực - giám đốc Công ty Luật Pháp trị:
Ngân hàng nếu không thương lượng được với khách hàng về việc trả nợ gốc, nợ lãi thì họ phải kiện khách hàng ra tòa để thu hồi số tiền này.
Tuy vậy nếu kéo dài tới 11 năm, có khởi kiện, tòa án thụ lý thì ngân hàng chỉ thu hồi được khoản nợ gốc 8,5 triệu đồng, còn số tiền nợ lãi tòa án sẽ không giải quyết.
Bởi lẽ số tiền nợ gốc được xác định là quan hệ đòi tài sản nên không áp dụng thời hiệu, người đòi tài sản đòi lúc nào cũng được, tòa án sẽ luôn thụ lý giải quyết.
Còn với nợ lãi phát sinh từ hợp đồng vay tài sản được xác định là tranh chấp hợp đồng, lúc này người cho vay chỉ được quyền đòi trong thời hạn 3 năm kể từ thời điểm biết bên cho vay không trả nợ.
Theo khoản 3, điều 150 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện "là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện".
Một khách hàng ở Quảng Ninh sử dụng thẻ tín dụng của Eximbank với dư nợ ban đầu hơn 8,5 triệu đồng. Sau gần 11 năm chưa trả, dư nợ hiện tại lên hơn 8,8 tỉ đồng. Cách tính của ngân hàng liệu có đúng?