Qua phần trả lời xét hỏi của bà Trương Mỹ Lan, ông Dương Tấn Trước (tổng giám đốc Công ty Tường Việt) và một số bị cáo liên quan khác, nổi lên mối quan hệ làm ăn khá kỳ lạ của hai bị cáo này.
Vay ngân hàng để mua dự án rồi bị lấy lại?
Theo cáo trạng, do có quen biết từ trước nên khoảng tháng 4-2021, bà Lan và ông Trương Khánh Hoàng trao đổi, thỏa thuận với ông Dương Tấn Trước về việc sẽ chuyển nhượng dự án Thanh Yến cho ông Trước và Công ty Tường Việt với giá 2.500 tỉ đồng.
Tuy nhiên, ông Trước không thanh toán tiền mà chỉ cần lập hồ sơ vay 3.500 tỉ đồng.
Trong đó 2.500 tỉ đồng là mua dự án Thanh Yến, 1.000 tỉ đồng còn lại để bà Lan sử dụng và có trách nhiệm trả Ngân hàng SCB.
Ông Trước chỉ đạo nhân viên của Công ty Tường Việt liên hệ với ông Trương Khánh Hoàng (cựu quyền tổng giám đốc SCB) và Trần Thị Mỹ Dung (cựu phó tổng giám đốc SCB) lập phương án vay bằng cách thành lập Công ty Thuận Tiến và Công ty Khánh Minh đứng tên hồ sơ.
Ngày 19-5-2021, SCB ký thỏa thuận cho vay với Công ty Thuận Tiến và Công ty Khánh Minh, số tiền vay giải ngân lần lượt là 1.700 và 1.800 tỉ đồng.
Mục đích vay đều là bổ sung vốn nhận chuyển nhượng phần vốn góp trong Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Sông Hàn (công ty nắm 100% cổ phần Công ty cổ phần đầu tư Hermes Power - chủ sở hữu dự án bất động sản Thanh Yến).
Tài sản đảm bảo cho 2 khoản vay là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với 7.092,2 m2 đất ở phường Bình An, quận 2 (nay là TP Thủ Đức, dự án Thanh Yến).
Sau khi giải ngân, tiền được chuyển lòng vòng vào tài khoản của nhiều cá nhân, công ty thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau của bà Trương Mỹ Lan.
Trả lời hội đồng xét xử ngày 11-3, ông Dương Tấn Trước khai: trong quá trình hợp tác, bà Lan luôn có một danh sách các dự án có nợ xấu ở Ngân hàng SCB.
Trong đó, ông Trước đánh giá dự án Thanh Yến có đầy đủ hồ sơ pháp lý, qua tính toán có hệ số đầu tư có khả năng sinh lời tốt, có tiềm năng phát triển.
Tuy nhiên, với giá chuyển nhượng ban đầu mà bà Lan đưa ra là 3.500 tỉ đồng thì ông Trước cho rằng quá cao nên đề nghị bà Lan giảm xuống 2.500 tỉ đồng và được đồng ý nhưng ông Trước phải làm hồ sơ vay SCB 3.500 tỉ đồng như cáo trạng nêu.
Về thỏa thuận chuyển nhượng dự án Thanh Yến, bà Lan khai: "Vụ vay 3.500 tỉ đồng đừng hiểu tôi đi bán tài sản. Tài sản đó vốn là nợ xấu của SCB, không ai mua hết.
Lúc đầu, SCB bán cho người khác nhưng vì sau đợt dịch người ta không có tiền trả. Trần Thị Mỹ Dung và Trương Khánh Hoàng bàn với Dương Tấn Trước, nói mua giúp SCB giá 3.500 tỉ đồng.
Trước đó, tôi có hứa với bị cáo Trước rằng cứ mua, tôi sẽ nói ngân hàng ráng giúp. Trước nói sợ lỗ, tôi hứa danh dự, nếu lỗ sẽ dùng tài sản bù".
Tuy nhiên, cũng theo ông Dương Tấn Trước khai tại tòa, sau khi 3.500 tỉ đồng được SCB giải ngân, bà Lan lại nói ông Trước tập trung lo pháp lý, để dự án Thanh Yến cho Trương Huệ Vân và Công ty Vivaland thực hiện, đổi lại Công ty Tường Việt sẽ được làm tổng thầu cung cấp trang thiết bị cho dự án.
Về việc này, bị cáo Trương Huệ Vân khai tiếp nhận dự án Thanh Yến theo chỉ đạo của bà Lan, còn thỏa thuận giữa bà Lan và ông Trước như thế nào thì Vân không biết.
Trong khi đó, bị cáo Dung xác nhận lời khai của ông Trước là đúng.
Đến nay, bà Lan vẫn chưa thực hiện việc trả 1.000 tỉ đồng cho SCB nên khoản vay trên vẫn còn dư nợ gốc là 3.500 tỉ đồng, nợ lãi là gần 590 tỉ đồng.
Bị cáo Dương Tấn Trước: "1.500 tỉ đồng là phí dịch vụ"
Cáo trạng còn thể hiện, do ông Trước giúp bà Lan thực hiện công việc liên quan đến việc xin cấp giấy phép xây dựng hạ tầng giai đoạn 1 dự án Mũi Đèn Đỏ, dự án Sài Gòn Bình An (SDI) nên bà Lan chỉ đạo Trần Thị Mỹ Dung làm hồ sơ cho Công ty Tường Việt vay 1.500 tỉ đồng, thực chất là rút tiền SCB để bà Lan cho ông Trước.
Về khoản này, tại tòa ông Trước khai: "Bằng trí tuệ của mình, bị cáo tư vấn pháp lý một số dự án cho chị Lan nên chị Lan hứa sẽ trả phí dịch vụ cho bị cáo. Thế nhưng chị Lan nói chưa có tiền nên nhờ công ty của bị cáo vay SCB vì công ty có lịch sử tín dụng tốt".
Sau khi ông Trước cùng Công ty Tường Việt hoàn thành thủ tục vay vốn, SCB đã giải ngân số tiền 1.498 tỉ đồng.
Trong đó, bà Lan chỉ đạo bà Mỹ Dung giữ lại 240 tỉ đồng để sử dụng vào mục đích riêng. Vì chưa trả cho ông Trước đủ 1.500 tỉ đồng như ý định nên bà Lan tiếp tục nhờ ông Trước sử dụng Công ty Việt Đức đứng tên vay 248,5 tỉ đồng tại SCB.
Từng thần tượng, tin tưởng tuyệt đối bà Trương Mỹ Lan, cựu phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB tỏ ra thất vọng với lời khai của bà Lan cho rằng các bị cáo ở SCB tự tạo lập các khoản vay và mượn tài sản của bà Lan đưa vào để rút tiền.