UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải xin ý kiến về phương án đầu tư dự án đường vành đai 4 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Vành đai 4 TP.HCM tổng chiều dài khoảng 206,82km. Trong đó, dự án đi qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 18,23km, Đồng Nai 45,6km, Bình Dương 47,45km, TPHCM 17.3km. Đoạn qua Long An dài 78,3km (bao gồm đoạn trên địa bàn Long An 74,5km, đoạn trên địa bàn TP.HCM 3,8km).
Giai đoạn 1 các địa phương sẽ đầu tư 4 làn cao tốc hoàn chỉnh, giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 8 làn. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 105.964,6 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng khoảng 33.095 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 47.258 tỉ đồng...
Dự án được triển khai theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đường vành đai 4 TP.HCM qua địa phương có điểm đầu tại ngã tư Tóc Tiên - Châu Pha khu vực nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và ĐT992, cách đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khoảng 230m.
Điểm cuối trên địa phận huyện Châu Đức tiếp nối với dự án đường vành đai 4 TP.HCM trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Qua nghiên cứu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trình hai phương án để Bộ Giao thông vận tải xem xét, lựa chọn.
Cụ thể, phương án 1 triển khai mặt đường rộng 25,5m với mức vốn khoảng 7.972 tỉ đồng. Trong đó, vốn nhà nước 3.965 tỉ đồng chiếm 49,75% (ngân sách trung ương 1.983 tỉ đồng, ngân sách địa phương 1.983 tỉ đồng. Còn vốn nhà đầu tư 4.005 tỉ đồng chiếm 50,25%. Thời gian hoàn vốn dự án 20 năm.
Phương án 2 triển khai mặt đường rộng 27m với mức vốn hơn 8.100 tỉ đồng. Trong đó, vốn nhà nước 4.095 tỉ đồng chiếm 50,57% (ngân sách trung ương 2.048 tỉ đồng, ngân sách địa phương 2.048 tỉ đồng). Vốn nhà đầu tư 4.005 tỉ đồng chiếm 49,43%. Thời gian hoàn vốn 20 năm.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng kiến nghị thống nhất về nội dung đề xuất các cơ chế chính sách thực hiện thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư đường vành đai 4 TP.HCM.
Chẳng hạn để phù hợp với phương án tài chính toàn tuyến và thuận lợi cho việc lựa chọn nhà đầu tư cần thiết phải đề xuất Quốc hội, Chính phủ tăng mức vốn đóng góp của ngân sách vào dự án lớn hơn 50% tổng mức đầu tư dự án và lựa chọn thời gian thu hồi vốn cho các dự án khoảng 20 năm.
Vành đai 4 TP.HCM có tiến độ ra sao ?
Về tiến độ, dự kiến trong tháng 3-2024, đơn vị tư vấn tổng thể phối hợp sở Giao thông vận tải các địa phương, các đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần để thống nhất về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật chung, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng, phân kỳ đầu tư, kế hoạch, tiến độ thực hiện... trình Bộ Giao thông vận tải xem xét, chỉ đạo.
Tháng 4-2024, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án xây dựng đường vành đai 4 TP.HCM trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.
Quý 3-2024, các địa phương hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả các dự án, trình cấp thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư. Quý 3-2025, các địa phương sẽ hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư và triển khai thi công, hoàn thành công trình vào 2027.
Đây là yêu cầu được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đưa ra tại cuộc làm việc với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương liên quan về tình hình triển khai dự án vành đai 4 TP.HCM.