Chỉ riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau trong năm 2023 đã tiếp nhận và điều trị cho 45 người bị ngộ độc rượu. Một số tỉnh thành khác tại miền Tây cũng xảy ra trường hợp tương tự. Trong những tháng đầu năm 2024, ngộ độc rượu tiếp tục xảy ra.
"Rượu độc" ở đám tang người chết vì rượu
Đó là vụ việc ba người chết vì uống rượu có hàm lượng methanol (cồn công nghiệp) quá cao gây ngộ độc khi đi dự đám tang của ông N.V.T. (41 tuổi, quê Cà Mau). Ông T. chết vì nghi ngộ độc rượu.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, ông T. ở tỉnh Cà Mau, sang xã Nam Yên (huyện An Biên, Kiên Giang) làm việc. Ngày 2-11-2022, ông T. nghi bị ngộ độc rượu và chết. Sau đó, gia đình tổ chức đám tang cho ông T. kéo dài bốn ngày và có trên 150 lượt người đến viếng.
Gia đình có đãi người đến viếng ăn uống các món thịt kho, cháo vịt, lẩu gà, trái cây... và 100 lít rượu.
Sau khi đi dự đám tang của ông T. về, nhiều người bắt đầu chóng mặt, co giật, mờ mắt, đau ngực, khó thở và được đưa tới Trung tâm Y tế huyện An Biên cấp cứu.
Sau hai ngày điều trị, một số người bị ngộ độc rượu đã phục hồi, xuất viện. Còn 14 người chuyển biến nặng, tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cấp cứu. Cả 14 người này đều được chẩn đoán ngộ độc methanol.
Cuối cùng ba người trong số đó đã qua đời với kết luận ngộ độc rượu.
Ngay lập tức các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra. Theo báo cáo do ông Đặng Văn Bình - phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kiên Giang - ký, kết luận gia đình đã mua hơn 100 lít rượu từ tiệm tạp hóa T. (70 lít) và lò rượu B. (30 lít), cùng ở xã Nam Yên.
Lực lượng chức năng lấy mẫu rượu còn sót lại được mua tại tiệm tạp hóa. Ông T. khai lấy rượu từ lò rượu S.T. và lò rượu T.T.N.. Kết quả mẫu xét nghiệm rượu mua tại tiệm tạp hóa có hàm lượng methanol hơn 72.267mg/l - vượt mức giới hạn cho phép 36 lần.
Tương tự các trường hợp trên, ngày 19-8-2023 tại TP Rạch Giá (Kiên Giang), các ông N.H.T. (39 tuổi), N.T.H. (44 tuổi) và H.V.L. (45 tuổi) phải nhập viện cấp cứu nghi do ngộ độc sau khi uống rượu. Sau đó, ông T. và ông H. qua đời.
Kết quả xét nghiệm mẫu rượu còn sót lại trong bữa tiệc trên có hàm lượng methanol vượt giới hạn cho phép.
Còn tại Cà Mau, trong số 45 ca ngộ độc rượu được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cấp cứu và điều trị thì có 29 trường hợp ngộ độc ethanol, ngộ độc methanol là 16 trường hợp. Sau thời gian điều trị có bốn ca tử vong tại bệnh viện, chín ca bị mờ mắt, ba ca bị mù vĩnh viễn.
Điển hình vào tháng 4-2023, tại xã Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời) đã xảy ra vụ ngộ độc rượu làm ông M. (58 tuổi) qua đời và năm người khác phải nhập viện cấp cứu.
Sau đó ba tháng, Cà Mau lại ghi nhận ba người phụ nữ chết sau khi uống rượu liên tiếp hai ngày liền. Tất cả các phụ nữ tử vong đều trú ở ấp Tân Hiệp, (xã Tân Hưng, huyện Cái Nước) với kết luận bị ngộ độc do uống rượu có chứa methanol.
Ngộ độc rượu đến mức báo động
Bác sĩ Mã Nhơn Khiêm - trưởng khoa hồi sức tích cực, chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau - cho biết trung bình mỗi năm bệnh viện tiếp nhận hàng chục ca ngộ độc rượu, trong đó có nhiều ca ngộ độc rượu có chứa methanol.
Các trường hợp ngộ độc methanol có thể khiến bệnh nhân tổn thương não, suy thận cấp..., thậm chí tử vong, nếu được chữa khỏi cũng để lại di chứng rất nặng nề.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Hùng - chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kiên Giang - cho hay liên tiếp hai năm gần đây tình hình ngộ độc rượu xảy ra đáng báo động. Đa số các vụ ngộ độc là do uống rượu có chứa hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép rất nhiều lần.
Theo ông Hùng, ở vùng nông thôn, xã nào cũng có lò rượu nhưng các lò rượu này dạng "cơ sở nhỏ" do đó không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh. Chính vì không có giấy chứng nhận nên đơn vị khó xử lý, chủ yếu để các địa phương tự quản.
"Có thể người sản xuất rượu sơ suất không để ý đã làm chất methanol xuất hiện hoặc các cơ sở sản xuất rượu cố tình sử dụng cồn công nghiệp (methanol) làm rượu" - ông Hùng nói.
Khó truy được nguồn gốc
Nói về việc kiểm tra sản xuất, kinh doanh rượu, ông Lê Khánh Hưng - cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang - cho hay đơn vị chủ yếu kiểm tra xử lý rượu nhập lậu, rất ít kiểm tra xử lý các cơ sở sản xuất rượu nội địa.
"Đơn vị cũng có chức năng kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu ở các địa phương nhưng đa số giao cho các địa phương kiểm tra, xử lý khi có trường hợp ngộ độc", ông Hưng nói.
Cũng gặp trường hợp khó khăn tương tự, theo báo cáo, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau đã có 21 đợt cao điểm và thường xuyên kiểm tra việc kinh doanh rượu bia ở tỉnh. Tuy nhiên, qua kiểm tra không phát hiện và xử lý được trường hợp nào vi phạm.
Ông Huỳnh Vũ Phong, cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau, cho rằng việc xử lý vi phạm rất khó khăn bởi đa phần những người bán rượu ở vùng nông thôn đều bán chung với các mặt hàng khác chứ không đăng ký mặt hàng kinh doanh rượu.
Khi có những đợt kiểm tra đột xuất theo các vụ ngộ độc rượu thì họ đều biết nên tẩu tán rượu rất nhanh.
Dịp Tết cận kề, nhu cầu tích trữ rượu bia tăng cao để sử dụng trong các buổi tiệc tùng, họp mặt. Việc lựa chọn loại rượu không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe.