Sáng 23/9/2002, cảnh sát huyện Nghị Quân, thành phố Đồng Xuyên, tỉnh Thiểm Tây nhận được tin báo án mạng xảy ra tại thôn Cao Miếu. Nạn nhân là Khấu Mai, 59 tuổi, được hàng xóm phát hiện tử vong trong phòng khách, trên cổ có ba vết chém.
Tại hiện trường, bà Mai ngã xuống cạnh ghế sofa cách cửa không xa, cửa ra vào và cửa sổ còn nguyên vẹn, không có dấu hiệu bị đột nhập hay dấu hiệu vật lộn trong nhà.
Theo hàng xóm, bà Mai góa bụa, gia cảnh bình thường, sống kín đáo, ít khi ra ngoài và có mối quan hệ xã hội đơn giản.
Bác sĩ pháp y xác nhận bà Mai chết vào đêm khuya, ba vết đâm trên cổ trúng động mạch cảnh gây tử vong nhanh chóng. Đầu nạn nhân bị tổn thương do hung khí cùn. Tuy nhiên, hai loại hung khí không được tìm thấy tại hiện trường.
Cảnh sát suy đoán thủ phạm và nạn nhân có quen biết, nếu không tại sao một góa phụ lại mở cửa lúc nửa đêm?
Trên người bà Mai có vài trăm nhân dân tệ tiền mặt, ngôi nhà cũng không có dấu hiệu bị lục lọi, cho thấy thủ phạm gây án không phải vì cướp của.
Ngoài vết máu trên sàn, trên ngực nạn nhân còn có bã chè dường như bị đổ ra từ cốc nước trên bàn, trên máy giặt có chữ "Lai" viết bằng máu. Sau khi kiểm tra, chữ được viết bằng máu của chính nạn nhân.
Dựa vào dấu máu tại hiện trường, cảnh sát xác định bà Mai không hề di chuyển sau khi bị thương và ngã xuống đất. Chữ bằng máu đó chỉ có thể do hung thủ để lại. Cảnh sát không tìm thấy dấu vân tay hoặc dấu chân nào đáng ngờ tại hiện trường, dường như thủ phạm đã cố tình dọn dẹp.
Qua điều tra sơ bộ, cảnh sát chỉ có thể nhận định nghi phạm là "một người đàn ông trưởng thành có quen biết với nạn nhân".
Người dân trong thôn tiết lộ bà Mai có quan hệ thân mật với người đàn ông tên Mục Cường, 62 tuổi, sống gần nhà. Cả hai đã tính đến chuyện kết hôn. Trước đó, bà Mai từng có hai bạn trai khác, nhưng họ đều đã lập gia đình riêng và không có động cơ giết người.
Để tìm manh mối mới, cảnh sát điều tra lại hiện trường, tìm thấy dưới gầm ghế sofa cách thi thể không xa có một miếng bông gòn dính nhiều máu. Qua đối chiếu, miếng bông này được xé ra từ chiếc chăn bông cũ trên giường bà Mai, vết máu lớn trên đó là của nạn nhân.
Cảnh sát suy đoán hung thủ dùng miếng bông lau máu hoặc lau chùi hiện trường nên gửi đi xét nghiệm để tìm ADN hắn lưu lại. Kết quả là ngoài máu của nạn nhân, họ tìm thấy ADN của một người đàn ông khác. Cảnh sát lập tức thu thập mẫu máu của tất cả đàn ông trưởng thành trong bán kính 50 km quanh nhà bà Mai để so sánh ADN, nhưng không ai cho kết quả trùng khớp.
Trong lúc cuộc điều tra bế tắc, cảnh sát nhận được cuộc gọi từ thôn Cao Miếu, trình báo có người bị sát hại. Người gọi là ông Cường, bạn trai bà Mai.
Tuy nhiên khi đến hiện trường, cảnh sát phát hiện em trai ông Cường là Tào Cương, vốn được cho là đã bị giết, lại đang nằm nghỉ trên giường. Cương hơn 30 tuổi, bị câm điếc từ nhỏ, là em cùng mẹ khác cha với ông Cường. Cả hai đều chưa lập gia đình riêng nên vẫn sống chung từ khi cha mẹ qua đời.
Nửa đêm hôm đó, Cương đột nhiên đánh thức anh, khoa tay ra hiệu rằng khi ra ngoài đi vệ sinh bị một kẻ bịt mặt tấn công, cứa vào cổ. Ông Cường vội gọi cảnh sát trong cơn hoảng loạn, khai nhầm rằng em trai đã bị giết.
Tuy nhiên, điều tra viên tinh mắt phát hiện Cương có biểu hiện lạ. Trước cảnh sát, anh ta luôn lộ vẻ căng thẳng, trên cổ có một vết cứa nhưng nhỏ và rất nông.
Qua thẩm vấn, điều tra viên được biết vào đêm bà Mai bị hại, Cương nhiều lần nôn ói vào nửa đêm, sau đó thức dậy trước bình minh để giặt và phơi quần áo mặc ngày hôm trước. Trong lần lấy máu trước đó, Cương khai rằng phải đi khám bệnh nên chưa lấy mẫu. Vài giờ trước khi bị "tấn công", Cương bị nhân viên công tác đến tận nhà lấy mẫu xét nghiệm.
Tuy nhiên, kết quả cho thấy ADN của Cương không trùng khớp với ADN trên miếng bông.
Cảnh sát chỉnh lý lại toàn bộ vụ án và phát hiện ngoài Cương, còn một người đàn ông khác chưa được lấy mẫu là Vương Phúc, con rể thứ hai của bà Mai, làm tài xế chở hàng.
Bà Mai có một con trai và hai con gái. Hôm bà bị hại, con trai đưa con dâu sắp đẻ vào bệnh viện huyện. Hai con gái đều lấy chồng ở thôn khác. Con rể thứ hai bất hòa với bà Mai từ trước khi kết hôn, bà thậm chí không đến dự đám cưới, đôi bên chỉ nối lại quan hệ sau khi hai vợ chồng có con.
Phúc giải thích rằng phải đi giao hàng dài ngày nên không thể hợp tác lấy máu.
Kết quả đối chiếu cho thấy ADN nam giới trên miếng bông thuộc về Phúc. Tuy nhiên, sau khi tra xét hành tung của Phúc, cảnh sát phát hiện vào đêm xảy ra án mạng, anh ta được một người trong thôn thuê lái xe đến Tây An giao than, đến 4h mới về, không có thời gian gây án. Camera giám sát trên đường xác nhận bằng chứng ngoại phạm của Phúc.
Theo phân tích của chuyên gia pháp y, tất cả những người đàn ông từng tiếp xúc với miếng bông đều có thể để lại ADN trên đó, nhưng một lần tiếp xúc không có nghĩa anh ta là kẻ giết người. Hung thủ chắc chắn đã chạm vào miếng bông, nhưng không phải tất cả mẫu ADN trên bông đều có thể trích xuất được dựa trên trình độ kỹ thuật của địa phương vào thời điểm đó. Đội điều tra quyết định gửi vật chứng về Bộ Công an để xét nghiệm chính xác hơn.
Tháng 2/2003, Bộ Công an thông báo trên miếng bông đó, ngoài ADN của nạn nhân và Phúc, còn có một lượng nhỏ ADN của Cương.
Khi bị thẩm vấn lần hai dưới sự hỗ trợ của chuyên gia ngôn ngữ ký hiệu, Cương không chịu nổi áp lực tâm lý nên nhanh chóng nhận tội.
Theo lời khai, khi mẹ còn sống không tán thành chuyện tình cảm giữa ông Cường và bà Mai, khiến hai mẹ con thường cãi vã căng thẳng. Cương luôn rất nghe lời mẹ nên cũng ghét "chị dâu tương lai", thậm chí cho rằng bà Mai là nguyên nhân khiến gia đình bất hòa. Tuy nhiên, do bị câm điếc, khó biểu đạt, không ai biết về sự bất mãn của Cương đối với bà Mai.
Sau khi mẹ qua đời vào tháng 8/2002, mối quan hệ giữa ông Cường và bà Mai ngày càng gắn bó, Cương thỉnh thoảng sẽ bị nhờ sang giúp đỡ "chị dâu" một số việc đồng áng. Anh ta luôn vâng lời nên hàng xóm tưởng rằng quan hệ giữa họ rất tốt. Nhưng trên thực tế, Cương rất khó chịu.
Thấy mẹ mới mất mà hai người vội bàn chuyện kết hôn, Cương tức tối đổ cho bà Mai khiến mẹ mình tức chết để đạt được mục đích, từ đó quyết tâm không cho họ được như ý. Ông Cường và bà Mai không hề biết về sự oán giận trong lòng em trai.
Đêm 22/9/2002, Cương lừa bà Mai mở cửa, lập tức dùng gậy đánh vào đầu.... Vì oán hận, Cương hắt trà lên người nạn nhân rồi lặng lẽ dọn dẹp hiện trường. Để đánh lạc hướng điều tra, dù chưa từng đi học, anh ta cố nhớ lại cách viết chữ "Lai" bằng máu, đây là họ của một hộ gia đình trong thôn.
Cương nghĩ rằng điều này sẽ loại bỏ được nghi ngờ về mình, nhưng sau đó cảnh sát yêu cầu tất cả nam giới xét nghiệm máu để hợp tác điều tra, trong lúc hoảng loạn, anh ta tự diễn màn kịch bị tấn công.
Sau khi bị bắt, Cương khai nhận nơi giấu hung khí.
Người dân trong thôn ngỡ ngàng khi biết Cương là hung thủ sát hại "chị dâu" vì thường ngày thấy anh ta hiền lành, thật thà.
Theo chuyên gia tâm lý, Cương luôn được mẹ và anh che chở, thiếu sự chín chắn, trưởng thành về suy nghĩ. Bị khuyết tật từ nhỏ nên Cương luôn bị người thân nhận định là không thể thành gia lập nghiệp. Theo thời gian, anh ta dần chấp nhận điều này, cũng quen tiếp nhận ý kiến của mẹ mà không cần suy nghĩ, từ đó bị ảnh hưởng bởi sự oán giận của mẹ đối với bà Mai.
Sau khi mẹ qua đời, Cương thấy mình chỉ còn anh trai, nhưng anh lại lên kế hoạch kết hôn và bắt đầu cuộc sống mới. Cương chưa sẵn sàng chấp nhận người chị dâu bị mẹ ghét bỏ, cũng chưa sẵn sàng sống tự lập. Tâm lý phức tạp này có thể đã khiến anh ta thấy khủng hoảng và cảm giác bị bỏ rơi. Nỗi oán giận và sợ hãi giấu kín trong lòng kết hợp, cuối cùng khiến Cương mất đi lý trí.
Về việc ADN của con rể thứ hai có trên miếng bông gòn thấm máu, sau nhiều lần tra hỏi, Phúc mới nhớ ra từng cùng vợ về thăm mẹ hơn một tháng trước án mạng. Anh ta uống say, nôn ra tấm chăn cũ được bà Mai trải làm đệm trên giường, đó chính là chiếc chăn bị hung thủ xé bông ra thấm máu.
Tuệ Anh (Theo Toutiao, Sina)
Xem thêm: lmth.4231274-ial-gnout-uad-ihc-iov-nik-uaig-nah-nao-gnol/ten.sserpxenv