Đánh giá cho thấy sự giống nhau bất ngờ giữa "xã hội" kiến và xã hội người.
1/3 chăm chỉ sửa chữa những sai lầm
Tác giả bộ ba tiểu thuyết Kiến - Ngày của kiến - Cách mạng kiến nói trong truyện ngụ ngôn La Fontaine thì loài kiến rất chăm chỉ làm việc, còn ve sầu chỉ ca hát.
Nhưng quan sát của ông về loài kiến từ khi còn là một nhà báo khoa học cho thấy 1/3 loài kiến không làm việc, 1/3 có làm việc nhưng rất vụng về, chỉ làm cản trở. Chỉ 1/3 còn lại chăm chỉ, hiệu quả để sửa chữa những sai lầm của 1/3 vụng về kia, giúp vận hành toàn bộ xã hội.
Đó là xã hội kiến. Và nhà văn cho rằng xã hội loài người cũng hoạt động như vậy.
Nói với Tuổi Trẻ, Bernard Werber cho biết đây chỉ là đánh giá của cá nhân ông, không bao hàm ý nghĩa chỉ trích.
Xã hội loài người ở đâu và thời nào cũng vận hành theo "công thức" như vậy. Công thức tưởng như bất bình đẳng, vô lý ấy lại tạo thế kiềng ba chân vững chãi cho mô hình xã hội loài người cũng như loài kiến và có thể nhiều loài khác.
Nếu ta biết buông bỏ
Như quan niệm của ông về ý nghĩa việc viết văn là để mở ra các cánh cửa cho bạn đọc, những trò chuyện của Bernard Werber cũng mở những cánh cửa mới cho suy tưởng.
Ông nhắc về những giới hạn, ngộ nhận của chúng ta về sức mạnh, vị trí thực sự của con người trong thế giới, cách con người sử dụng khoa học công nghệ phục vụ đời sống nhưng thường là sử dụng sai cách...
Chia sẻ về cuốn sách của mình, ông bảo lâu nay con người muốn kiểm soát mọi thứ nhưng điều đó là không thể và chính suy nghĩ này ngăn bước con người có thể khám phá những thế giới rất khác, những cánh cửa mới.
"Nếu ta biết buông bỏ, với tâm thế khiêm nhường rằng ta không biết hết về thế giới vạn vật và càng không kiểm soát hết các quy luật của thế giới thì ta có thể sống được với những trải nghiệm khác".
Viết tiểu thuyết về loài kiến, Bernard Werber một lần nữa nhắc người đọc nhìn lại vị trí thực sự của loài người trong thế giới, không phải chủ nhân mạnh nhất, đứng trên muôn loài như lâu nay con người vẫn tưởng.
Loài kiến bé nhỏ có mặt ở hành tinh này từ 120 triệu năm, trong khi con người mới có mặt từ 3 triệu năm nay. Kiến có kiến thức hóa học, có thể tự điều chế kháng sinh cho mình. Kiến còn có cả một nền nông nghiệp, nghệ thuật về chiến tranh...
Hơn hết, nhà văn muốn nhắn nhủ mọi người cùng nhắm mắt, tĩnh lặng lại để dập tắt sự tức giận trong mỗi con người, cùng cười với nhau, lan tỏa năng lượng tích cực.
TT - Hãy bắt đầu bằng một câu đố: Dùng sáu que diêm để xếp được sáu tam giác. Ðó chỉ là một trong những trò thử thách trong chương trình truyền hình "Bẫy suy tưởng" được giới thiệu trong Ngày của kiến - một cuốn sách đầy hấp lực chinh phục người đọc ngay từ những trang đầu tiên.