Vladimir Putin lớn lên trong đống đổ nát của Leningrad thời hậu chiến - nay là St. Petersburg, một thành phố bị tàn phá bởi cuộc bao vây tàn bạo kéo dài 900 ngày trong Thế chiến II. Mẹ của Putin, bà Maria, suýt chết vì đói trong khi cha ông đi chiến đấu.
Tại bệnh viện nơi bà Maria sinh con, cứ 50 trẻ sơ sinh thì có một trẻ chết trước khi xuất viện. Nhà báo người Anh Philip Short, tác giả cuốn sách Putin viết trên tờ Sunday Times rằng ngay từ đầu, đó là một cuộc chiến giữa sống và cái chết.
Khi còn nhỏ, ông Putin thường bị bắt nạt. Tuy vậy, ông không bao giờ chùn bước. Người bạn thân nhất của Putin ở trường kể lại trên tờ Boston Globe rằng: "Cậu ấy có thể đánh nhau với bất kỳ ai… Cậu ấy không hề sợ hãi… Nếu một gã to lớn nào đó xúc phạm cậu ấy, cậu ấy sẽ lao thẳng vào hắn ta... Putin không phải là người mạnh nhất trong lớp chúng tôi, nhưng trong một trận chiến, cậu ấy có thể đánh bại bất cứ ai, bởi vì cậu ấy sẽ chiến đấu đến cùng".
Một ví dụ về việc cuộc sống tuổi thơ đã ảnh hưởng đến tính cách của ông Putin là việc đối mặt với một con chuột trong tòa nhà nơi ông sống.
Trong cuốn tiểu sử First Person, ông Putin kể về quãng thời gian gia đình sống trong căn hộ tập thể tại một khu nghèo khó ở St. Petersburg. Theo đó, ông đã học được một bài học về sự nhanh nhẹn và kiên nhẫn.
Chuyện là có một lũ chuột ở ngay lối vào, lũ trẻ con trong khu phố, trong đó có ông Putin đã quen với việc săn đuổi lũ chuột bằng gậy. Một lần, ông phát hiện một con chuột và đuổi nó cho đến khi dồn nó vào góc tường.
“Nó không có nơi nào để chạy”, Putin nhớ lại trong hồi ký của mình. “Đột nhiên nó lao tới và lao vào tôi… May mắn thay, tôi nhanh hơn một chút và đóng sầm cửa ngay trước mũi nó".
Ông đi đến kết luận: "Không nên dồn ai vào chân tường, không nên ép ai phải vào tình thế không lối thoát".
Nhiều năm qua, hàng trăm bài báo trong và ngoài nước Nga nhắc đến câu chuyện con chuột như một cơ sở để hiểu về thế giới quan của Tổng thống Vladimir Putin. Theo cách hiểu này, nước Nga dưới thời ông Putin thường xuyên bị dồn vào góc tường trong các cuộc chơi địa chính trị với những nước lớn. Thay vì chấp nhận số phận, họ luôn ra đòn phản công.
Ngày 31/12/1999, vị Tổng thống đầu tiên của Liên Bang Nga, ông Boris Yeltsin đã tuyên bố từ chức và trao lại quyền lãnh đạo đất nước cho ông Vladimir Putin - một chính trị gia khi ấy không được nhiều người biết đến, người giữ cương vị Thủ tướng trong chính quyền của ông Yeltsin.
Nhưng trước đó, câu trả lời của ông Putin là “Không”.
"Yeltsin triệu tôi tới Kremlin. Ông ấy nói đang cân nhắc tôi vào vị trí Thủ tướng và sau đó sẽ đề xuất tôi làm Tổng thống Nga. Chuyện xảy đến khá bất ngờ và tôi đáp rằng, tôi không chắc mình phù hợp với cương vị ấy, vận mệnh ấy", ông Putin kể lại trong bộ phim tài liệu I, Putin - A Portrait của nhà làm phim người Đức Hubert Seipel.
Theo hồi ký của ông Boris Yeltsin, ông đã phải nói chuyện với ông Putin hai lần về chủ đề này. Lần đầu tiên diễn ra vào ngày 14/12/1999, chỉ cách 5 ngày trước cuộc bầu cử quốc hội Nga.
Theo nhà báo - nhà sử học Nga Mikhail Zygar, Tổng thống Boris Yeltsin chọn Putin làm người kế nhiệm vì Putin không can dự vào các nhóm tài phiệt Nga. Thời điểm đó, ông Putin còn trẻ, được xem là không thuộc thế hệ con ông cháu cha, lại là người có tư tưởng dân chủ vì đã từng tham gia nhóm cải cách của thị trưởng St. Petersburg đầu tiên Anatoly Sobchak.
Trong cuốn sách Những người ở Điện Kremlin, nhà báo - nhà sử học Nga Mikhail Zygar cũng mô tả ban đầu ông Putin không tự mình quyết định con đường trở thành Tổng thống.
Ông Putin chỉ đáp ngắn gọn: "Tôi sẽ làm việc bất cứ ở đâu mà ông đề cử!".
"Kể cả chức vụ cao nhất?", ông Yeltsin hỏi tiếp.
Câu trả lời của ông Putin làm Yeltsin nản lòng: "Tôi nghĩ tôi chưa sẵn sàng cho quyết định này. Đây là một vận mệnh khá khó khăn".
Về cuộc trò chuyện diễn ra cách đây 25 năm, trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Dmitry Kiselev cho Rossiya 1 và RIA Novosti ngày 13/3/2024, Tổng thống Putin cho biết ông đã nói một cách chân thành, không phải vì ông sợ điều gì đó mà bởi vì ông nghĩ rằng bản thân chưa sẵn sàng để giải quyết tất cả những vấn đề này, và không cho phép mình làm mọi thứ tệ đi.
“Nếu quay lại thời điểm ấy, tôi cũng sẽ lặp lại điều tương tự”, ông nói.
Trong bộ phim tài liệu The President do Nga sản xuất, ông Putin từng phát biểu: “Ngay cả trong giấc mơ tệ nhất, tôi cũng không thể nghĩ là có khi nào đó tôi sẽ ra tranh cử Tổng thống. Bởi tôi thấy đó là việc hoàn toàn vô liêm sỉ. Các vị đừng cười, đó là vì người ta luôn phải hứa cái gì đó hoành tráng hơn đối thủ cạnh tranh”.
Phải đến hai tuần sau đó, sau cuộc nói chuyện thứ hai với Yeltsin diễn ra ngay trước thềm năm mới - lúc 9h sáng ngày 29/12/1999 - ông Putin mới đồng ý. Putin gọi những cuộc trò chuyện với Yeltsin là mang tính quyết định đối với bản thân ông.
“Chúng tôi đã quay lại vấn đề này một vài lần. Cuối cùng, ông ấy nói rằng, tôi là người có kinh nghiệm, tôi biết mình làm gì, cống hiến những gì", ông Putin chia sẻ.
Cuối cùng, năm 2000, cuộc bầu cử Tổng thống Nga được tổ chức sớm và ông Putin đã giành chiến thắng vào ngày 26/3 với 52,92% phiếu bầu ủng hộ. Cuộc trường chinh của Tổng thống Putin để vực dậy nước Nga bắt đầu, đánh dấu "kỷ nguyên Putin" ở Nga.
Vào thời điểm ông Putin lên nắm quyền, nền kinh tế Nga đang trì trệ và người dân đang sống trong tình cảnh thiếu thốn. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, nước Nga chìm trong những cuộc xung đột, những cú sốc tài chính và cảnh nghèo đói xuất hiện khắp nước Nga. Cuộc khủng hoảng ở Nga đã leo đến đỉnh điểm năm 1998 khi đồng rúp sụp đổ và nước Nga buộc phải chấp nhận sự cứu giúp của Quỹ Tiền tệ quốc tế.
Trong bối cảnh đó, ông Putin trở thành người được chọn để người dân Nga gửi gắm niềm tin.
Năm 2000, St. Petersburg chứng kiến những rối ren của xã hội Nga lúc bấy giờ. Trong một khu nhà tập thể cũ và ẩm thấp, bà Maria Semyonova, ở tuổi 80, phải sống chung với 30 người khác. “Cần phải đưa người chính trực lên nắm quyền để chúng tôi có thể mở được mắt, và ít nhất, thấy được chút gì gọi là công bằng hay trung thực. Putin là tốt nhất. Tốt nhất là ông ấy. Ông ấy làm mọi việc một cách công bằng”, bà nói.
Khi đó, nền kinh tế Nga đang trên bờ vực sụp đổ, GDP sụt giảm 10 năm liên tiếp; tình hình chính trị rối ren khi nước Nga phải đối mặt với chia rẽ: lực lượng ly khai ở Chechnya nổi loạn, các nước cộng hòa tự trị muốn độc lập; các nhà tài phiệt kiểm soát nền kinh tế và can thiệp vào chính trị để thao túng những vị trí quan trọng của chính phủ.
Nhưng ngay trong năm đầu tiên dưới thời Tổng thống Putin, GDP của Nga ngừng giảm và tăng trở lại, cuộc nổi dậy ở Chechnya bị dập tắt để duy trì đoàn kết và an ninh quốc gia, các tài phiệt sừng sỏ bị trấn áp và cảnh cáo mạnh mẽ nhằm hạn chế khả năng tiếp cận quyền lực.
Không chỉ riêng vấn đề kinh tế, sau khi nhậm chức, ông Putin phải đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng khác. Ngày 12/8/2000 - không đầy nửa năm sau khi Putin đắc cử, tàu ngầm Kursk của Nga gặp nạn, thành tựu cao nhất của công nghệ tàu ngầm hạt nhân Liên Xô chìm xuống đáy biển, toàn bộ 118 thủy thủ đoàn thiệt mạng.
Sau vụ tai nạn, ông Putin đã có cuộc gặp mặt với thân nhân của thủy thủ đoàn.
Nhà báo Nga Andrey Kolesnikov hồi tưởng: “Chúng tôi ngồi trong hội trường chờ ông Putin, tôi ngồi ở hàng ghế thứ hai cùng với vợ các thủy thủ, tôi nghĩ họ sẽ ‘xé xác’ ông ấy”.
Không khí hội trường ngột ngạt, sự căm ghét, tuyệt vọng và đau khổ đông đặc lại. Tất cả thân nhân của 118 thủy thủ gặp nạn mong Kursk được vớt lên và các thủy thủ được cứu thoát, nhưng đồng thời tất cả đều hiểu điều ấy là vô vọng.
Tất cả các câu hỏi đều chĩa vào con người đứng trên bục phát biểu.
Một người phụ nữ ngồi cạnh nhà báo Kolesnikov đã mất bình tĩnh sau khi cuộc họp bắt đầu được 5 phút. Bà ấy hét lên và ngắt lời ông Putin, đội bảo an ngay lập tức làm nhiệm vụ của mình. Thế nhưng ở trên bục phát biểu, ông Putin chỉ đạo: “Để bà ấy nói, đừng ngăn bà ấy lại”.
Đám đông dưới khán đài muốn được nói nhiều hơn là được nghe. Và đôi lúc, thậm chí ông ấy đã im lặng, để chỉ lắng nghe xem họ nói gì với mình, sau đó bắt đầu trả lời tất cả.
“Cuối buổi gặp mặt tôi nhận ra, họ đã cùng với ông ấy, tất cả cùng nhau, bước qua đau đớn trước cái chết của những người thân. Họ đã cùng với ông ấy chấp nhận, vượt qua nó và đi tiếp”, nhà báo Andrey Kolesnikov kể lại.
Cuối nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Putin, tăng trưởng kinh tế Nga đạt hơn 8% mỗi năm và thu nhập thực tế cũng như lương hưu đã tăng hơn gấp đôi, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm chỉ còn một nửa so với trước đó. Chỉ sau vài năm lãnh đạo của Vladimir Putin, một số người Nga nói rằng tự tin khi khẳng định “họ không thất vọng” với nhà lãnh đạo của mình, bất chấp những khó khăn của đất nước mà vị Tổng thống đã thừa hưởng.
Nhà nghiên cứu Thịnh Thế Lương tại Viện Phát triển Xã hội Á-Âu trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển, thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, cho rằng sau hơn 20 năm cầm quyền của Tổng thống Putin, Nga quả thực đã trở thành một đất nước hùng mạnh so với chính mình vào thời điểm được Putin tiếp quản từ Yeltsin.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Liên bang Nga (Rosstat), tăng trưởng GDP năm 2023 của nước này là 3,6%, cao hơn kỳ vọng giữa bối cảnh Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. GDP theo giá hiện tại lên tới 171.041 tỷ rúp (1.867 tỷ USD). Tăng trưởng kinh tế năm 2023 là mức cao nhất trong thập kỷ qua (ngoại lệ duy nhất là tốc độ phục hồi sau Covid-19 vào năm 2021).
Nước Nga cũng lấy lại được vị thế của mình. Trong bối cảnh các nước phương Tây không còn khả năng thống trị tuyệt đối thế giới, nước Nga dưới sự lãnh đạo của ông Putin đã cùng các nước mới nổi khác thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng quốc tế theo hướng đa dạng, đa nguyên và đa cực - Giáo sư Phùng Thiệu Lôi - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga tại Đại học Sư phạm Hoa Đông (Trung Quốc) nói, dẫn chứng bằng vai trò quan trọng của Nga trong các tổ chức quốc tế như Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và tham gia hợp tác quốc tế trong cơ chế G20 sau năm 2008.
Tuy nhiên, kể từ sau hành động sáp nhập bán đảo Crimea và gần đây là chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, kinh tế Nga đã phải chịu những tác động tiêu cực từ một loạt các lệnh trừng phạt.
Theo nền tảng theo dõi cấm vận trực tuyến Castellum.AI, Nga đã phải hứng chịu 16.587 lệnh trừng phạt kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt năm 2022. Khoảng 300 tỷ USD tài sản của Nga đã bị đóng băng. Trong đó, các biện pháp trừng phạt có hậu quả nghiêm trọng nhất là hạn chế xuất khẩu khí đốt tự nhiên và đặt ra giới hạn trần đối với giá dầu của Nga.
Trong một bài phát biểu, Tổng thống Putin đánh giá mức tăng trưởng GDP 3,6% vào năm ngoái của Nga là mạnh hơn bất kỳ quốc gia nào trong Nhóm G7, những nước đã “bao vây” Moscow bằng làn sóng trừng phạt liên quan đến khủng hoảng Ukraine.
Tuy nhiên, những dữ liệu khác mà Reuters trích dẫn lại vẽ nên một bức tranh ảm đạm hơn. Nền kinh tế tập trung vào chiến tranh của Nga, với các nhà máy vũ khí làm việc 3 ca suốt ngày đêm, đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, suy giảm dân số, năng suất và đầu tư thấp.
Tổng thống Nga cũng cho biết nền kinh tế Nga, hiện đứng thứ năm trên thế giới tính theo sức mua tương đương, sẽ sớm lọt vào tốp 4. Nhưng Giám đốc đầu tư Dmitry Polevoy tại Astra Asset Management cho rằng xếp hạng theo GDP bình quân đầu người - thước đo phù hợp hơn về mức sống - cho thấy Nga không vượt xa mức trung bình của tất cả các nước.
Trong một khảo sát hồi tháng 2 do ngân hàng trung ương Nga thực hiện, lạm phát đã tăng nhanh vượt xa mục tiêu 4% của ngân hàng trung ương Nga trong những năm gần đây - đạt 8,4% vào năm 2021, 11,9% vào năm 2022 và 7,4% vào năm 2023 - và lãi suất ở mức 16%.
Sự đột phá về mức sống vẫn chưa thành hiện thực. Thu nhập thực tế của người lao động Nga đã tăng 7,6% kể từ khi ông Putin đưa ra lời hứa năm 2018 nhưng vẫn thấp hơn một chút so với năm 2013.
Năm ngoái, giá trứng tăng vọt đã buộc ông chủ Điện Kremlin phải đưa ra lời xin lỗi hiếm hoi khi ông trả lời họp báo trực tuyến tháng 12/2023.
Chiến phí cũng ngày một gây căng thẳng cho ngân sách nhà nước. Chi tiêu quân sự tăng từ 3,9% GDP lên khoảng 6% vào năm 2023 - mức cao nhất kể từ khi Liên Xô tan rã. Năm nay, chi tiêu quân sự dự kiến sẽ chiếm gần 1/3 chi tiêu của chính phủ.
Đối mặt với những thách thức này, ngành năng lượng khổng lồ của Nga đã giữ cho tiền tiếp tục chảy vào kho bạc nhà nước. Trường Kinh tế Kyiv ước tính rằng Moscow đã kiếm được 178 tỷ USD từ việc bán dầu vào năm ngoái và doanh thu có thể tăng lên 200 tỷ USD vào năm 2024 - không xa mức 218 tỷ USD kiếm được vào năm 2022.
Tuy nhiên, về dài hạn, nếu cuộc chiến kéo dài thì căng thẳng sẽ ngày càng gia tăng trong những năm tới giữa mục tiêu kép của Tổng thống Putin là thành công quân sự ở Ukraine và đạt được sự ổn định kinh tế vĩ mô trong nước - Capital Economics dự báo.
Bất chấp các thách thức, sự ủng hộ của người Nga với ông Putin vẫn ở mức cao. Cho đến trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 2024, con số này là 86%, theo cuộc khảo sát của tổ chức nghiên cứu phi chính phủ Nga Levada.
Trong một bài viết đăng trên CNN ngày 14/3/2024, tất cả những người được hỏi đều hoàn toàn ủng hộ Tổng thống Putin.
Dmitry, một nhân viên bất động sản 41 tuổi cho biết: “Chúng tôi chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho Putin, ông ấy đã biến nước Nga thành một đất nước tốt đẹp hơn nhiều”.
Khi được hỏi về cuộc chiến ở Ukraine Dmitry cho biết anh ủng hộ quyết định của ông Putin. “Chiến thắng sẽ thuộc về chúng ta và nếu cần, tôi cũng sẽ đi chiến đấu”, Dmitry nói.
Trong khi đó, Sergey, nhân viên văn phòng 25 tuổi, cho biết anh cảm thấy công việc của mình an toàn và ổn định, đồng thời bác bỏ mọi ý kiến cho rằng các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Nga đã khiến nước này trở nên nghèo hơn.
Artyom, kỹ sư thiết kế 30 tuổi cho biết cuộc chiến ở Ukraine và căng thẳng với phương Tây đã đưa Nga đi đúng hướng. “Nga cần được thừa nhận trên trường thế giới; chúng tôi không phải là nước hạng hai”, anh nói.
“Ông Putin, điều gì mà một người phải từ bỏ khi làm Tổng thống?” - Nhà báo Nga Vladimir Solovyov, khi ấy đang ngồi trên chiếc ghế đối diện với ông Putin đặt câu hỏi. Khoảng cách giữa hai người chỉ tầm 2 mét, ngăn cách bởi một chiếc bàn nhỏ.
Ông Putin bặm môi. Có lẽ xuyên suốt bộ phim tài liệu The President dài hai tiếng rưỡi về vị Tổng thống quyền lực nhất nước Nga, đây là thời khắc người ta thấy ông trầm ngâm nhất.
Im lặng 3 giây, ông Putin đáp: “Sự bình thường – theo nghĩa thường nhật – trong cuộc sống. Đó là điều không thể tránh khỏi, ta không thể sống như một người bình thường: không thể đi xem phim, không thể bỗng dưng đến nhà hát, không thể đi mua sắm”.
Ở góc quay rộng, không gian rộng lớn của Điện Kremlin bao trùm.
Chính trị gia quyền lực nhất nước Nga luôn hiện lên với hình ảnh đầy sức mạnh, như khi ông đi săn gấu, mình trần bơi trong hồ nước giá lạnh, lái phi cơ chiến đấu hay thử sức với tàu lặn…
Bộ phim I, Putin năm 2012 của nhà làm phim Seipel đã mang đến một góc nhìn khác.
Trong một phân cảnh của phim, ông Putin - khi ấy là Thủ tướng Nga - đang tập luyện khúc côn cầu trên băng vào ban đêm, chỉ có mình ông giữa sân vận động mênh mông và hoàn toàn trống vắng.
Ở góc máy khác, ông Putin đến hồ bơi vào sáng sớm, người bạn đồng hành duy nhất là chú chó Labrador màu đen mang tên Koni.
Trong các cảnh quay tiếp theo đó, người ta thấy ông đi tới cuộc họp Nội các một mình, nghỉ giải lao một mình sau trận đấu hockey với đội vệ sĩ.
Khi trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS năm 2014, ông Putin - trong một dịp hiếm hoi - đã hé lộ về gia đình với hai cô con gái. Nhà lãnh đạo Nga không giấu giếm việc thiếu vắng thời gian cho tổ ấm. Ông thừa nhận bản thân “có lịch trình công việc dày đặc”.
"Ngay cả với các con gái thì tôi cũng chỉ gặp được 1-2 lần mỗi tháng, và tôi phải tính toán thời gian kỹ càng”, ông nói.
Nhưng chính Tổng thống Nga cũng cho hay thường ông không cảm thấy cô đơn, mặc dù điều này nghe thật lạ lùng.
“Đây là mất mát không lớn nếu so với những gì mà số phận và nhân dân đã giao phó cho những người ở vào vị trí của tôi, đó là: Đóng góp tối đa, làm được tất những gì có thể cho đất nước mình, cho nhân dân mình”, ông Putin nói với nhà báo Vladimir Solovyov.
“Những điều này đã bù đắp cho tất cả”, ông nói.
Theo Ban Quốc tế
Đời sống Pháp luật