Sáng 18/3, tại phiên họp thứ 31, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, các đại biểu Quốc hội đề nghị có biện pháp cụ thể để ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại.
Đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) cho biết, hiện nay, một vấn đề đang báo động là tình trạng buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Năm 2023, các lực lượng phòng, chống ma túy đã gặp nhiều khó khăn, thách thức khi lượng ma túy vào Việt Nam qua đường hàng không bị thu giữ bằng số lượng của 5 năm gần đây cộng lại.
Đánh giá đây cũng là chỉ dấu cho những khó khăn, thách thức mới trong phòng, chống buôn bán ma túy trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết ngoài những giải pháp hiện tại thì Bộ Tài chính và ngành hải quan có những giải pháp cụ thể nào để tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy qua đường hàng không?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua, ngành hải quan đã phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng triệt phá rất nhiều vụ án ma túy lớn. Riêng lực lượng hải quan của hàng không thông qua hệ thống soi chiếu và các biện pháp nghiệp vụ khác đã phát hiện, bắt giữ 2,8 tấn ma túy.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với cơ quan Công an, Biên phòng và các địa phương để xác định, đưa ra giải pháp mới đấu tranh với tội phạm ma túy, đặc biệt là qua đường hàng không, cảng biển, lối mở, các cửa khẩu…
Tham gia chất vấn tại phiên họp, đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) thì cho biết, trong thời gian qua, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm, nhất là trâu, bò, lợn, gà tại các khu vực biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia dã làm cho giá thành ngành chăn nuôi trong nước ảnh hưởng rất lớn.
Ngoài ra, còn có nguy cơ xâm nhiễm bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi cho các đàn gia súc, gia cầm trong nước dẫn đến rất khó khăn cho người dân trong việc chăn nuôi.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết trong thời gian tới, ngành tài chính có những giải pháp như nào để ngăn chặn tình trạng trên?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thừa nhận thực trạng này tác động xấu đến tình hình kinh tế đất nước, làm cho ngành chăn nuôi khó khăn, có thể mang một số mầm bệnh ở giống vật nuôi vào nội địa…
Theo Bộ trưởng, điều cốt yếu để ngăn chặn được tình trạng này phải bắt đầu từ nhận thức của người dân. “Qua hệ thống cửa khẩu chính, những đường mòn, lối mở có Hải quan thì sẽ ngăn chặn một cách triệt để. Nhưng khi trâu bò đi qua biên giới mở mà không có người kiểm soát thì phải có giải pháp về tuần tra, đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền địa phương và hơn ai hết những người mua bán trâu, bò và những người dắt trâu, bò. Tuy nhiên, do nhiều người dân vi phạm là những đồng bào khó khăn hoặc người dân dắt hộ nên cán bộ xử lý đúng pháp luật nhưng cũng có những lăn tăn.
Do đó, giải pháp làm thế nào để tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức và tăng cường tuyên truyền về răn đe và phối kết hợp giữa các huyện sát biên giới; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng như là biên phòng, công an, hải quan để ngăn chặn vấn đề này"- Bộ trưởng cho hay.
Băn khoăn giá đường cát ở nước ta lại cao hơn các nước lân cận như là Thái Lan, Campuchia… sẽ dẫn đến nguy cơ là buôn lậu mặt hàng đường này sẽ cao, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu cụ thể hơn về các chính sách nhằm góp phần tạo giá trị cho ngành mía đường của Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh và ngăn chặn tình hình buôn lậu.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng khẳng định, cơ quan hải quan phối hợp với Công an, Biên phòng kiểm tra, kiểm soát vấn đề này. Cơ quan Hải quan cũng bắt hàng chục vụ buôn lậu, đồng thời tuyên truyền giáo dục nhân dân hai biên giới để ngăn chặn tình trạng nhập lậu đường vào Việt Nam.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết, thời gian qua, ngành Hải quan đã nỗ lực thực hiện chống buôn lậu và gian lận thương mại. Năm qua đã bắt được trên 15.000 vụ và xử lý với giá trị khoảng 12.000 tỷ đồng, trực tiếp khởi tố 48 vụ và chuyển cơ quan điều tra gần 200 vụ.
Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp kiểm tra giám sát, thông tin tình báo từ sớm, từ xa; sử dụng hệ thống máy soi, phân tích dữ liệu…phát hiện từ sớm và xử lý; đồng thời tăng cường phối hợp với cơ quan Biên phòng, Công an để trao đổi thông tin và phối hợp xử lý, bắt giữ, lập các chuyên án để xử lý nghiêm minh vi phạm.