Theo đài CNN, Nga đã bắt đầu sử dụng một loại bom có sức công phá lớn nhằm chọc thủng lá chắn phòng thủ của Ukraine và giành ưu thế trên chiến tuyến.
Nước này đã đạt được mục tiêu trên bằng cách biến một loại vũ khí bình thường thời Liên Xô thành một quả bom lượn với sức công phá mạnh tới mức khi nổ có thể tạo ra một miệng hố rộng 15 m.
Quả bom này là FAB-1500, về cơ bản là loại vũ khí nặng 1,5 tấn, trong đó gần một nửa trọng lượng là chất nổ có uy lực rất lớn.
Nó được các máy bay chiến đấu Nga phóng từ khoảng cách khoảng 60-70 km, ngoài tầm bắn của nhiều hệ thống phòng không mà Ukraine đang sở hữu.
Sức công phá kinh hoàng
Những video gần đây (do Nga công bố) về tình hình chiến tuyến ở tỉnh Donetsk đã cho thấy sức mạnh to lớn của những quả bom này khi chúng tấn công các nhà máy nhiệt điện, nhà máy sản xuất và các tòa nhà cao tầng ở Ukraine - những nơi mà quân Kiev phối hợp phòng thủ.
Theo nhà bình luận quân sự Joseph Trevithick, loại bom này mang đến cho Nga một phương án tấn công tầm xa mới và có sức tàn phá cao hơn nhiều so với máy bay chiến thuật của Nga, đồng thời giúp phi công Nga không bị rơi vào tầm ngắm của hệ thống phòng thủ của đối phương.
Hồi đầu tháng 3, một binh sĩ thuộc Lữ đoàn không vận số 46 của Ukraine nói với CNN rằng các lực lượng Nga gần đây đã bắn phá các địa phương Ukraine một cách quyết liệt hơn, trong đó có sử dụng bom FAB-1500.
Theo người này, bom FAB-1500 của Nga có sức tàn phá rất kinh khủng, những ai trúng bom này nếu không mất mạng thì cũng sẽ bị thương rất nặng.
“Nó gây áp lực rất lớn lên tinh thần của binh sĩ. Không phải người nào cũng có thể chịu đựng được. Mặc dù hiện tại các binh sĩ ít nhiều đã quen với FAB-500 (dòng bom cũ), nhưng FAB-1500 thì quá kinh khủng” - binh sĩ này nói.
Việc sử dụng bom FAB-1500 đã trở thành một chìa khoá quan trọng trong cuộc tấn công của Nga ở tỉnh Donetsk, đặc biệt là trong việc san bằng các tuyến phòng thủ của Ukraine trong và xung quanh TP Avdiivka tỉnh này.
Theo ông Yury Ihnat - phát ngôn viên lực lượng không quân Ukraine, khi dồn quân tấn công Avdiivka, phía Nga đã thả hàng trăm quả bom FAB-1500 xuống TP này. “Có tới 250 quả bom trong số đó dội thẳng về hướng Avdiivka chỉ trong 48 giờ” - ông Ihnat nói.
Ông Justin Bronk - nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức tư vấn Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia ở London (Anh) - nói rằng Nga đã sở hữu một lượng thuốc nổ lớn, do đó có nguồn lực hỏa lực rất mạnh để sử dụng cho hoạt động tấn công và làm tăng thương vong cho Ukraine.
Phòng không Ukraine khó tiếp cận
Các blogger quân sự Nga lần đầu đề cập FAB-1500 vào tháng 9 năm ngoái khi quân đội Nga thử nghiệm độ chính xác của loại vũ khí này. Kênh thông tin Fighterbomber lưu ý rằng “sau nhiều tháng thử nghiệm và sai sót”, lần đầu tiên một chiếc FAB-1500 đã “bắn trúng chính xác mục tiêu chiến đấu”.
Vài tuần sau đó, cả nguồn tin Ukraine và Nga đều báo cáo về việc loại bom này được sử dụng ở 2 mặt trận Kherson (miền nam Ukraine) và Kharkiv (đông bắc Ukraine).
Tiếp đó, đến tháng 1 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đi thị sát nhà máy của Tổng công ty Tên lửa Chiến thuật - một nhà sản xuất vũ khí lớn ở Nga. Tại đây, ông Shoigu được giới thiệu phần cánh mà công ty này đã phát triển cho quả bom. Theo video của Bộ, phía công ty cho biết họ đã cải tiến một loại bom rơi tự do cũ thành bom lượn có độ chính xác cao.
Theo CNN, các máy bay mà Nga được sử dụng để phóng những quả bom này không phải là "bất khả xâm phạm". Không quân Ukraine từng tuyên bố bắn hạ một số máy bay chiến đấu Su-34 trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, hầu hết các hệ thống phòng không mà Ukraine đang sở hữu đều không có đủ tầm bắn để bắn hạ các máy bay cách đó từ 70 km trở đi.
“Lực lượng phòng không của chúng tôi ngày càng mạnh hơn nhưng vẫn chưa đủ. Mục tiêu của Nga không chỉ là tấn công các vị trí tiền tuyến của chúng tôi mà còn nhắm mục tiêu vào các sở chỉ huy, cứ điểm hậu cần, kho đạn,... nằm sâu bên trong tuyến phòng thủ" - ông Ihnat nói.
Theo ông, khi phóng bom lượn FAB-1500, các máy bay Su-34 và Su-35 không bay gần mục tiêu (vì tầm bay của FAB-1500 lên tới 70 km như đã nói bên trên), do đó hệ thống phòng không Ukraine không bắn tới.
“Nếu chúng tôi có thêm lực lượng phòng không tầm xa, chúng tôi sẽ có thể bắn hạ những tiêm kích này ở khoảng cách xa hơn” - ông Ihnat nói thêm.
Theo ông Bronk, việc phát triển bom FAB-1500 đã giúp Nga tận dụng lực lượng không quân chiến thuật của họ hiệu quả hơn ở thời điểm hiện tại. Ông nói rằng chỉ tổ hợp phòng không Patriot của Mỹ gần như là loại vũ khí phòng thủ duy nhất có tầm bắn đủ để bắn hạ các tiêm kích nói trên, nhưng hiện quân Ukraine không có nhiều các tổ hợp này.
Các gói viện trợ Patriot mà Mỹ hứa hẹn cung cấp cho Ukraine cũng đang bị trì hoãn do quốc hội Mỹ đến nay vẫn chưa thông qua gói viện trợ bổ sung cho Kiev.
Đổi chiến thuật bảo vệ tiêm kích, Nga rơi vào thế 'gậy ông đập lưng ông'
(PLO)- Theo chuyên gia, việc một số máy bay chiến đấu của Nga bị Ukraine bắn hạ gần đây có thể là do Nga tăng cường sử dụng bom lượn.