Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Ngọc Hồi - phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM - cho rằng vai trò của người phát ngôn ngày càng trở nên quan trọng, không chỉ là những người biểu đạt ý kiến của cơ quan mà còn là những đại diện của nguyên tắc và mục tiêu mà đơn vị hướng tới.
Điều này đặt ra một thách thức lớn là làm thế nào để truyền đạt thông điệp một cách chính xác, hiệu quả, đồng thời đảm bảo tính minh bạch và trung thực.
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP mong muốn qua lớp bồi dưỡng, học viên sẽ có điều kiện tiếp thu, cơ hội thảo luận, học hỏi và phát triển các kỹ năng để thực hiện tốt các công tác phát ngôn, truyền thông và giao tiếp hiệu quả với báo chí.
Đợt này, Trung tâm Báo chí TP tổ chức 3 lớp đào tạo, bồi dưỡng. Mỗi lớp diễn ra trong 2 ngày. Trong suốt khóa học, các học viên sẽ được các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí - truyền thông chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm theo 6 chuyên đề như một số quy định cơ bản của Luật Báo chí, nghị định 09/2017/NĐ-CP; tình hình thực hiện Luật Báo chí, nghị định 09/2017/NĐ-CP về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian qua; quan hệ báo chí, trả lời phỏng vấn báo chí;
Kỹ năng tổ chức họp báo, soạn thông cáo báo chí; khủng hoảng truyền thông và xử lý khủng hoảng, một số tình huống cần lưu ý; thực hành trả lời phỏng vấn, viết thông cáo báo chí.
Phạt tiền như hiện nay chưa đủ mức răn đe, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất tăng hình thức xử phạt những nghệ sĩ, người nổi tiếng, KOL có phát ngôn sai sự thật, lệch chuẩn.