Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử cuối tuần qua. Ông Putin sẽ lãnh đạo nước Nga thêm một nhiệm kỳ 6 năm.
Trong nhiều tháng qua, ông Putin đã vạch ra chiến lược của mình trong một loạt bài phát biểu và phỏng vấn công khai. Theo đó, ông nêu rõ những gì đã làm được trong quá trình phát triển kinh tế của Nga và những gì cần đạt được trong những năm tới.
Sputnik đã dẫn lời các chuyên gia kinh tế và quân sự dự đoán về những thay đổi trong chính sách của Nga ở nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo của ông Putin .
Quân đội
“Chiến thắng của Tổng thống Putin là yếu tố quyết định sự thay đổi trong quân đội Nga, đó là chạy đua công nghệ thay vì chạy đua vũ trang, bởi trong khoảng thời gian ông Putin nắm quyền, Nga đã xây dựng chuỗi công nghệ bắt đầu bằng việc nghiên cứu và phát triển vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại cho lực lượng vũ trang Nga”, Alexey Leonkov, nhà phân tích quân sự và biên tập viên của tạp chí Arsenal Otechestva, nói với Sputnik.
“Công việc phát triển công nghệ của quân đội Nga sẽ tiếp tục trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo của ông Putin bởi chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã chứng minh, đối phương đang tìm mọi cách để đánh bại các hệ thống vũ khí hiện đại của Moscow. Công nghệ quân sự có thể mang lại cho Nga một chiến thắng trong bất kỳ hoạt động quân sự nào”, ông Leonkov đánh giá.
Phát biểu trong bản Thông điệp Liên bang trước Quốc hội Nga, Tổng thống Putin cáo buộc “phương Tây đang cố lôi kéo Nga vào một cuộc chạy đua vũ trang”. Tổng thống Putin nhấn mạnh nhiệm vụ của Nga là “phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng theo hướng nâng cao tiềm năng khoa học, công nghệ và công nghiệp của đất nước”.
Theo chuyên gia Leonkov, thay vì tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang, Nga sẽ tham gia vào cuộc cạnh tranh công nghệ với phương Tây, có thể vượt xa phương Tây trên một số lĩnh vực. Ông Leonkov đặc biệt đề cập đến các loại vũ khí siêu thanh của Nga hiện đang được sử dụng trong chiến dịch quân sự đặc biệt, cùng với các loại máy bay không người lái mới và thiết bị tác chiến điện tử do Moscow sản xuất.
Ông Leonkov cho rằng, ngành công nghiệp quốc phòng Nga sẽ trải qua quá trình hiện đại hóa công nghệ liên quan đến việc tăng quy mô lực lượng vũ trang quốc gia lên tới 1,5 triệu người trong 6 năm tới. Nhà phân tích này kỳ vọng thế hệ vũ khí siêu thanh mới có kích thước nhỏ hơn sẽ được chế tạo cho các lực lượng lục quân, không quân và hải quân. Lực lượng vũ trang nga cũng có khả năng nhận được nhiều hệ thống phòng không S-500 hiện đại hơn, hệ thống tác chiến điện tử, pháo và đạn dược có độ chính xác cao cũng như vũ khí dựa trên các nguyên tắc vật lý mới.
Chuyên gia Leonkov nhấn mạnh, công việc này sẽ được thực hiện dựa trên các công nghệ mới, vật liệu hiện đại và những phát triển mới nhất từ các phòng thiết kế của Nga.
Kinh tế
Việc hiện đại hóa công nghệ quân sự của Nga có thể được thực hiện nhờ những thay đổi sâu rộng trong chiến lược kinh tế của Tổng thống Putin. Nga vẫn có thể thực hiện quá trình công nghiệp hóa và đa dạng hóa quan hệ thương mại dù phải đối mặt với những lệnh trừng phạt từ phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
“Nga đã vượt Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới xét theo sức mua tương đương”, Tổng thống Putin cho biết vào năm ngoái, trích dẫn một báo cáo của Ngân hàng Thế giới. Ông Putin lưu ý rằng “điều quan trọng là cấu trúc của nền kinh tế phải thay đổi, trở nên hiệu quả hơn, hiện đại hơn và đổi mới hơn”, đồng thời cho biết thêm rằng ông đang lên kế hoạch thực hiện điều đó nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Ngoài ra, Nga đã đẩy nhanh quá trình từ bỏ dùng đồng USD, vốn từ lâu đã trở thành công cụ trừng phạt trong thương mại toàn cầu.
“Nga được coi là nước đi đầu trong việc ‘phi đô la hóa’, được khởi đầu bởi các lệnh trừng phạt kinh tế và tiền tệ của phương Tây”, chuyên gia Paul Goncharoff nói.
Theo nhà quan sát Goncharoff, Nga hiện nay không chỉ nổi lên là nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu mà còn là một phần, hoặc là đối tác quan trọng của nhóm các quốc gia đang phát triển nhanh chóng về kinh tế, hiện bao gồm BRICS, Liên minh kinh tế Á-Âu, ASEAN, Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh,...
“Một cách nhìn khác về vấn đề này là Nga đã liên kết với các nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và những nền kinh tế này đã chiếm phần lớn động lực tăng trưởng toàn cầu”, ông Goncharoff cho hay.
Chính sách đối ngoại
Theo Dmitry Evstafiev, nhà khoa học chính trị và giáo sư tại Đại học Kinh tế Cao cấp (HSE) thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc gia, các ưu tiên về chính sách đối ngoại của Nga đã được ông Putin nêu rõ trong thông điệp liên bang thường niên trước quốc hội và toàn quốc vào cuối tháng 2 và trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Mỹ Tucker Carlson.
Chuyên gia Evstafiev đã chỉ ra bốn hướng chính trong chiến lược đối ngoại của Nga trong nhiệm kỳ 6 năm tiếp theo của ông Putin.
Thứ nhất, đó là duy trì đối thoại với các đối tác của Nga trong thời kỳ hậu Xô Viết và khu vực Á-Âu nói chung. Chiến lược đối ngoại thứ hai là tổ chức đàm phán với phương Tây và với Mỹ về các vấn đề an ninh lớn của thế giới sẽ diễn ra sau khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024. Thứ ba là tiếp tục tăng cường quan hệ với Nam Bán cầu, gồm các quốc gia ở châu Phi, Mỹ Latinh và các nước đang phát triển ở châu Á. Thứ tư là tạo ra một không gian địa kinh tế mới và một hệ thống thanh toán mới không sử dụng USD.
Nhà phân tích Evstafiev cho rằng, Tổng thống Putin sẽ không đưa ra những thay đổi đột ngột về chính sách ngoại giao trong nhiệm kỳ tới.
“Ông Putin không phải là người thực hiện những bước chuyển biến mang tính quyết định một cách nhanh chóng. Ông ấy sẽ thực hiện chúng theo từng bước”, ông Evstafiev nói.
Xem thêm: nhc.601045491813042881-5-yk-meihn-gnort-nitup-gnoht-gnot-auc-iom-coul-neihc-gnuhn/nv.fefac