Hiện hạn-mặn đang vào mùa cao điểm nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân do thiếu nước ngọt. Rút kinh nghiệm 2 năm hạn - mặn lịch sử (2016 và 2020), người dân giờ đây đã thực hiện nhiều giải pháp để thích ứng.
Mặn "dồn ép" ngọt
Đối với diêm dân, bà con cười xởi lởi khi nghe nguồn nước có độ mặn cao, còn đối với bà con nông dân ĐBSCL, nghe độ mặn thì ai cũng cười méo xệch cả mặt kèm theo hơi thở dài sườn sượt. Trong những ngày qua, nước mặn đã xâm nhập vào nhiều tuyến sông lớn ở các tỉnh ĐBSCL, trong đó 2 địa phương độ mặn cao nhất là Tiền Giang và Bến Tre. Ông Nguyễn Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang cho biết, độ mặn trên sông Tiền, cống Vàm Giồng, Xuân Hòa, công viên Lạc Hồng, cầu Trường Chính Trị... đều tăng vọt.
Trước diễn biến gay gắt trên, tất cả các cống ngăn mặn tại các vùng dự án: Ngọt hóa Gò Công, Bảo Định, Phú Thạnh - Phú Đông đã đóng để ngăn mặn. Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Tiền Giang, từ ngày 08-18/03, trên sông Tiền, độ mặn cao nhất có xu thế tăng cao và đạt đỉnh đến ngày 13/03. Phía thượng lưu của TP.Mỹ Tho, xâm nhập mặn đạt đỉnh vào ngày 13-15/03 và lấn sâu vào nội đồng.
Cũng theo dự báo, chiều sâu ranh mặn 1% trong thời kỳ này sông Tiền có phạm vi xâm nhập từ 56-64km (từ bến phà Song Thuận đến cầu Phú Phong), sông Hàm Luông phạm vi xâm nhập mặn 72-77km, sông Vàm Cỏ Tây phạm vi xâm nhập mặn 75-80km. Cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn trên sông Tiền ở mức 2.
Theo ông Đặng Hoàng Lam (Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre), theo dự báo độ mặn trên sông Hàm Luông có xu thế tăng đến ngày 12/03. Theo dự báo trước đó, độ mặn 4% xâm nhập đến ấp An Mỹ, xã An Khánh (H.Châu Thành), cách cửa sông 52km, xấp xỉ so với tháng 03/2016 (52km). Độ mặn 1% xâm nhập đến Cống Doi, xã Phú Đức xã Tân Phú (H.Châu Thành), cách cửa sông 72-76km, xấp xỉ so với tháng 03/2016 (64-76km).
Trên sông Hàm Luông, dự báo độ mặn 4% xâm nhập đến ấp Phú Luông, xã Tân Phú (H.Châu Thành), ấp Long Huê, xã Long Thói (H.Chợ Lách), cách của sông 69km, ít sâu hơn 3,0km so với tháng 03/2016 (72km). Trên sông Cổ Chiên, dự báo độ mặn 4% xâm nhập đến ấp Thanh Yên, xã Tân Thiềng (H.Chợ Lách), cách cửa sông 62km, sâu hơn 4km so với tháng 03/2016 (58km). Độ mặn 1% xâm nhập đến ấp Hòa Thuận, xã Vinh Bình (H.Chợ Lách) cách của sông 77km, sâu hơn 9km so với tháng 3/2016 (68km).
Thông tin về tình hình xâm nhập mặn tại địa phương, ông Trần Công Tuấn (Chủ tịch UBND xã Tân Phong, H.Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) cho biết: "Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tình hình xâm nhập mặn có ảnh hưởng đến nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất nông nghiệp và độ mặn đang tăng cao. Để có nước ngọt sinh hoạt, người dân phải đi xa lấy từ các giếng hoặc mua từ nơi khác chờ đến".
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, xâm nhập mặn mùa khô năm nay lấn sâu hơn so với trung bình nhiều năm, độ mặn cao hơn năm 2023 nhưng thấp hơn 2016. Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam nhận định, mùa khô 2023 - 2024 xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL sẽ sâu hơn trung bình nhiều năm và có khả năng đạt đỉnh trong tháng 3 năm nay.
Đe dọa "thủ phủ" trái cây
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, độ mặn trên sông Tiền đã tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm 2016, 2021 và 2023. Từ đó có khoảng 35.000ha cây ăn trái bao gồm: sầu riêng, cây có múi, vú sữa... mẫn cảm với mặn cần được bảo vệ thuộc các xã cặp sông Tiền từ xã Phước Thạnh (TP.Mỹ Tho) đến xã Hòa Hưng (H.Cái Bè), trong đó chủ yếu là cây sầu riêng với diện tích 22.000ha.
Theo ghi nhận, các địa phương bị ảnh hưởng nhiều do hạn - mặn phải kể đến là các H.Trần Văn Thời, Thới Bình (Cà Mau), Tân Phú Đông (Tiền Giang), Long Phú (Sóc Trăng)... Những ngày này, men dọc theo tuyến kênh Tắc Thủ - Sông Đốc (Cà Mau), phóng viên bắt gặp nhiều cánh đồng đã thu hoạch lúa xong, một vài nơi đã cày xới đất nhưng vẫn chưa bắt đầu mùa vụ mới vì chờ nước.
Do bị ảnh hưởng của hạn mặn nên năng suất vụ lúa đông xuân giảm đáng kể. Ông Phạm Thanh Huyền (nguyên trưởng ấp Trùm Thuật A, xã Khánh Hải, H.Trần Văn Thời) cho biết: "Tôi làm được 16 công lúa. Thời điểm đầu thấy lúa có thể cho năng suất cao hơn mọi năm, tuy nhiên do bị hạn - mặn nên chỉ đạt 800kg/công, thấp hơn năm trước 200kg/công. Nguyên nhân là thiếu nước, lúa trổ bị lép nhiều. Hiện cánh đồng thu hoạch xong phải chờ mưa mới gieo sạ lại được. Vùng này mỗi năm chỉ làm được 2 vụ lúa".
Theo ông Huyền, ở đây người dân chủ yếu sử dụng nước ngầm để phục vụ sinh hoạt vì hệ thống nước máy không đến được. Trước đây, chỉ cần khoan xuống từ 80 - 100m là có nước ngọt, giờ phải khoan ít nhất là 120 - 150m. Không chỉ vậy, vùng đất này liên tục chịu ảnh hưởng của sụt lún.
Ông Kiều Minh Tiếng (Phó chủ tịch UBND H.Trần Văn Thời) cho biết, nắng hạn nên việc bốc hơi nước diễn ra nhanh, cộng với việc bơm tát nước phục vụ sản xuất đã làm cho hầu hết các tuyến kênh, rạch vùng ngọt đều khô cạn, trong khi đó cao độ đáy kênh sâu, chênh lệch độ cao giữa mặt đường và mực nước hiện tại rất lớn, làm mất phân áp gây sụt lún. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sụt lún, sạt lở đất, làm hư hỏng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn các xã, thị trấn vùng ngọt.
Còn theo ông Đỗ Văn Sử (Trưởng phòng NN&PTNT H.Trần Văn Thời), địa phương đang bị ảnh hưởng nặng do khô hạn, dẫn đến khoảng 2.000ha lúa và 80ha rau màu có nguy cơ bị ảnh hưởng năng suất.
Huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang được xem là "thủ phủ” sản xuất cây sả của vùng ĐBSCL, qua ghi nhận có một số diện tích nằm ngoài vùng ngọt hoá bị thiệt hại do ảnh hưởng của hạn mặn. Bà Huỳnh Thị Minh Nhật (ngụ xã Phú Đông) cho biết, gia đình bà có 3 công đất trồng sả nhưng đã bị thiệt hại không thu hoạch được. Chi phí đầu tư trồng hết hàng chục triệu, nhưng đến nay gia đình bà vẫn chưa bán được để thu hồi vốn. Theo bà Nhật, khô hạn, nước nhiễm mặn khiến toàn bộ ruộng sả của bà bị chết khô. Trong khi đó, việc sử dụng nước máy để tưới nhằm "cứu" ruộng sả là không thể, bởi giá nước khá cao, ở mức 10.000 đồng/m³.
Đồng bằng "khát" nước
Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL), thông thường giữa tháng 3 hàng năm là đỉnh điểm của mùa khô, mùa hạn mặn, năm nay hạn mặn đến muộn so với nhiều năm trước. Từ tháng 6/2023, tình trạng El Nino đã được công bố và dự báo có thể là một siêu El Nino kéo dài đến hết mùa khô năm nay. Tuy nhiên, theo dự báo cập nhật mới nhất thì El Nino đang suy yếu dần và đến tháng 5/2024 lại có thể chuyển sang La Nina.
Hiện nay đã giữa tháng 3, tháng đỉnh điểm của mùa khô, nên mùa khô năm nay sẽ có xâm nhập mặn vùng ven biển ĐBSCL cao hơn năm trung bình nhưng sẽ không gay gắt như những mùa khô cực đoan 2016 và 2020. Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, khi nói về hạn mặn ĐBSCL có 2 vùng khác biệt. Vùng cửa sông Cửu Long trải dài từ Tiền Giang qua Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng là nơi ranh giới xâm nhập mặn có sự tranh chấp giữa lực sông và lực biển, khi nào sông yếu thì biển lấn sâu. Vùng Bán đảo Cà Mau từ Bạc Liêu xuống Cà Mau và qua một phần Hậu Giang và Kiên Giang là vùng ít nhận được - nước sông Cửu Long, nguồn nước ngọt chủ yếu là nước mưa. Sự thiếu hụt nước ngọt và gia tăng mặn ở vùng này trong mùa khô phụ thuộc vào lượng mưa. Với những năm El Nino gay gắt thì vùng này thiếu nước ngọt trong mùa khô.
Như vậy, đối với mùa khô năm 2024 vùng cửa sông Cửu Long, tình hình xâm nhập mặn có sự dao động ngắn hạn, thì ranh giới mặn dịch chuyển vào - ra thất thường theo hoạt động đóng - xả của các đập thủy điện Mê Kông phía thượng nguồn trong giai đoạn tháng 2, tháng 3 tới. Nếu mặn không gay gắt thì vùng cửa sông Cửu Long có thể thích ứng được bằng cách lấy nước ngọt trong những giờ nước ròng (triều cường thấp trong ngày) khi nước mặn lùi ra phía biển trong vài giờ.
Ngoài ra, đối với vùng cửa sông Cửu Long còn có thêm một yếu tố ảnh hưởng nữa là hiện nay đập thủy điện Tuoba (Thác Bạt) 1.400MW mới hoàn thành trên dòng chính sông Mê Kông ở phần lãnh thổ Trung Quốc. Đập này bắt đầu tích nước từ ngày 01/02/2024. Thông tường các đập lớn khi mới đưa vào vận hành phải mất 1 năm mới tích đủ nước. Việc tích nước của đập Thác Bạt sẽ có ảnh hưởng đến lượng nước về vùng hạ lưu Mê Kông, trong đó có ĐBSCL và mùa khô này.
(Còn tiếp...)
Xem thêm: lmth.421061_tahk-oht-uahc-neim-ut-uuc-uek-gneit/us-gnohp/na-uv/nv.moc.nagnoc