Nếu không có gì thay đổi, thì chậm nhất là cuối tháng 3/2024, Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh - đơn vị được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) giao làm chủ đầu tư Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn Cam Lộ - La Sơn sẽ hoàn tất việc lắp đặt đinh phản quang, điều chỉnh sơn kẻ vạch đường... trên tuyến cao tốc 2 làn xe vừa xảy ra liên tiếp 2 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng này.
Hiện đơn vị chủ đầu tư đang đốc thúc các nhà thầu bố trí 3 mũi thi công cuốn chiếu để lắp đặt thiết bị bổ sung bằng nguồn kinh phí còn dư tại Dự án, đồng thời rà soát những bất cập mới nảy sinh và tổ chức đếm, phân loại xe lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn làm cơ sở phân luồng, hạn chế xe tải nặng, xe khách đi vào cao tốc.
Dù giải pháp trên có thể làm giảm hiệu quả khai thác tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn được đầu tư tới 7.669 tỷ đồng từ ngân sách, nhưng đây là điều cần được tính đến để cải thiện tình hình an toàn giao thông trên tuyến.
Cần phải nói thêm rằng, do chưa tiến hành thu phí hoàn vốn, nên trong hơn 1 năm qua, các phương tiện giao thông cơ giới, đặc biệt là xe tải nặng, xe container đã đổ dồn vào tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn nhằm né các trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 1 song hành.
Không chỉ khiến các nhà đầu tư BOT Quốc lộ 1 đoạn qua Thừa Thiên Huế, Quảng Trị mất một lượng lớn doanh thu, ảnh hưởng đến phương án tài chính, việc xuất hiện xe khách, xe tải nặng có tốc độ lưu thông thấp 50-60 km/h còn cản trở phương tiện khác, giảm năng lực thông hành của cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Hiện các đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông như Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu có quy mô 4 làn xe hạn chế, không có làn dừng khẩn cấp, đều cấm xe tải trên 10 tấn, giúp giảm lưu lượng xe tải, qua đó giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông .
Được biết, Bộ GTVT đang khẩn trương tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành và địa phương liên quan đến việc đầu tư, nâng cấp các tuyến cao tốc phân kỳ lên quy mô quy hoạch. Theo đó, ưu tiên hàng đầu là tập trung mở rộng các đoạn trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ 2 làn xe lên 4 làn xe và các phân đoạn cao tốc 4 làn xe hạn chế, không có làn dừng khẩn cấp liên tục. Đây là các tuyến cao tốc đặc biệt quan trọng, thuộc dự án quan trọng quốc gia, gồm 98 km đoạn Cam Lộ - La Sơn và 66 km đoạn La Sơn - Hòa Liên.
Trong bối cảnh việc nâng cấp, mở rộng đoạn cao tốc 2 làn xe, không có làn dừng liên tục lên quy mô 4 làn xe tiêu chuẩn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần ít nhất 1 - 2 năm, thì để tránh không xảy ra thêm những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm Công điện số 20/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế; Công điện số 16/CĐ - TTg, ngày 21/2/2024 về việc đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, triển khai đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác, đang đầu tư theo quy mô phân kỳ.
Trong đó, Bộ GTVT có trách nhiệm chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành rà soát, tăng cường tổ chức giao thông hợp lý trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Hòa Liên và hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu.
Lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở những xe chở hàng nặng không đạt tốc độ tối thiểu theo quy định thì không đi lên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan; khẩn trương lắp đặt camera tại những điểm tránh, vượt để xử lý nghiêm các lỗi vi phạm... Các đơn vị khai thác, tuần tra trên đường phải luôn chủ động phương án ứng phó để cảnh giới, cứu hộ xe gặp sự cố, tai nạn trên đường một cách nhanh nhất.
Đây có lẽ là phương án “chung sống” khả thi, phù hợp và cũng là phương án an toàn nhất đối với các tuyến cao tốc phân kỳ đang chờ nâng cấp, mở rộng trong giai đoạn hiện nay.