Tháng 3/2023, giới chức Thụy Sĩ chỉ đạo thương vụ sáp nhập giữa hai ngân hàng lớn nhất nước này là UBS và Credit Suisse. Khi đó, Credit Suisse chìm sâu vào khủng hoảng, một phần do nhà đầu tư lo ngại sức khỏe chung của các nhà băng sau loạt vụ sụp đổ ngân hàng địa phương tại Mỹ.
Cổ phiếu và trái phiếu Credit Suisse thời điểm đó bị bán tháo ồ ạt. Việc Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) bơm tiền cho nhà băng này chỉ chặn lại đà giảm trong thời gian ngắn. Tiền gửi cũng liên tục bị rút ra. UBS sau đó đồng ý chi hơn 3 tỷ USD mua Credit Suisse, chặn lại nguy cơ nhà băng này sụp đổ, gây ảnh hưởng đến Thụy Sĩ và thế giới.
Một năm sau thương vụ này, giới chức toàn cầu mới ở giai đoạn đầu của việc giúp các ngân hàng chống chịu tốt hơn khi bị rút tiền hàng loạt và cần tiền mặt khẩn cấp. Tháng trước, Hội đồng Ổn định tài chính (FSB) - cơ quan giám sát tài chính hàng đầu thế giới - cảnh báo Thụy Sĩ cần củng cố các quy định kiểm soát ngân hàng, bởi nếu UBS sụp đổ, hệ thống tài chính toàn cầu sẽ bị đe dọa. Sau sáp nhập, UBS hiện là một trong các ngân hàng lớn nhất thế giới.
"Hệ thống tài chính không hề an toàn hơn so với năm ngoái. Các ngân hàng toàn cầu vẫn có thể tổn thương", Anat Admati - Giáo sư tại Trường Kinh doanh Stanford nhận định trên Reuters.
Các quy định được áp dụng sau khủng hoảng tài chính 2008 đã không phát huy hiệu quả nhiều trong khủng hoảng năm ngoái. Việc rút tiền ồ ạt khỏi các ngân hàng vẫn xảy ra.
Một trong các điểm yếu nổi bật năm ngoái là thanh khoản của nhà băng. Credit Suisse bị rút hàng tỷ USD chỉ trong vài ngày, làm cạn kiệt bộ đệm dự phòng vốn được coi là an toàn của họ.
Sau khủng hoảng tài chính 2008, quy định về tỷ lệ đảm bảo thanh khoản (LCR) được đưa ra, trở thành chỉ số chính đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu tiền mặt của ngân hàng. Theo đó, các nhà băng cần có đủ tài sản để đáp ứng nhu cầu rút tiền trong 30 ngày.
Giới chức châu Âu đang tranh cãi liệu có nên tăng tỷ lệ này hay không. Nếu được thông qua, "các ngân hàng sẽ cần lượng tiền thanh khoản và gửi nhiều tài sản hơn ở ngân hàng trung ương", Andrés Portilla - Giám đốc các vấn đề pháp lý tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF) nhận định. Dù vậy, việc này cũng có thể khiến chi phí của các nhà băng đội lên và lãi suất tăng theo.
Reuters trích nguồn tin cho biết nếu có thay đổi tại châu Âu, việc này chỉ có thể diễn ra vào năm tới. Các ngân hàng khu vực này đang thực hiện giai đoạn cuối của Basel III - quy định sau khủng hoảng tài chính yêu cầu ngân hàng tăng bộ đệm vốn.
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng tăng kiểm tra thanh khoản của các nhà băng, trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại việc rút vốn hàng loạt vẫn có thể xảy ra. ECB cho biết họ coi đây là vấn đề ưu tiên từ sau vụ giải cứu Credit Suisse.
Riêng tại Thụy Sĩ, vấn đề đang gây tranh cãi trong giới chức là làm thế nào để việc cho vay khẩn cấp dễ dàng hơn. Hiện, khi vay từ ngân hàng trung ương, các nhà băng phải thế chấp tài sản. Số này cần dễ định giá và bán trên thị trường tài chính. Việc này giúp bảo vệ người dân trong trường hợp các ngân hàng thương mại không thể hoàn trả.
Năm ngoái, khi Credit Suisse bị rút tiền hàng loạt, nhà băng này không còn đủ tài sản để thế chấp với SNB. Việc này buộc Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ cho họ vay tiền mặt mà không có tài sản đảm bảo.
Hiện, một nhóm chuyên gia đang kêu gọi SNB mở rộng danh sách tài sản chấp nhận thế chấp, trong đó có các khoản cho vay doanh nghiệp và vay đảm bảo bằng chứng khoán. SNB cho biết danh sách này sẽ được xem xét lại thường xuyên và trao đổi với các ngân hàng.
Bảng cân đối kế toán của UBS hiện có quy mô hơn 1.600 tỷ USD - gần gấp đôi GDP Thụy Sĩ. Việc này đang khiến nước này phải xem xét lại các quy định về quản lý ngân hàng có tầm quan trọng lớn với hệ thống tài chính toàn cầu.
"Không chính phủ nào có thể liều lĩnh với sự ổn định của các nhà băng này", Peter Hahn, Giáo sư Tài chính - Ngân hàng (Viện Ngân hàng và Tài chính London) nhận xét trên Reuters.
Tuần tới, Chính phủ Thụy Sĩ dự kiến công bố báo cáo kết quả điều tra vụ sụp đổ của Credit Suisse. Một số nhà phân tích cảnh báo họ sẽ siết quy định về vốn với UBS. Tuần trước, CEO UBS Sergio Ermotti cũng cho biết không loại trừ khả năng này.
"Chúng ta mới khắc phục được vấn đề trong ngắn hạn, đặt nền tảng để giải quyết vấn đề lớn hơn về dài hạn. UBS quá lớn", Cédric Tille, Giáo sư kinh tế tại Viện Quốc tế và Phát triển Geneva nhận định. Ông là cựu thành viên hội đồng giám sát SNB.
Từ năm ngoái, ECB liên tục kêu gọi các ngân hàng theo sát tình hình để sớm phát hiện rủi ro bị rút tiền gửi ồ ạt. Năm nay, giới chức tài chính toàn cầu sẽ nghiên cứu sâu hơn về tác động của mạng xã hội đến việc này.
"Thời gian rút tiền đang bị rút ngắn, từ theo tháng xuống còn vài giờ. Các quy định phải được sửa đổi, siết chặt hơn", Xavier Vives - Giáo sư kinh tế - tài chính tại Trường Kinh doanh IESE (Tây Ban Nha) kết luận.
Hà Thu (theo Reuters, CNN)