Sáng 19/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên với chủ đề “Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh”.
Phát biểu tại sự kiện, ông Thomas Jacobs - Giám đốc quốc gia của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam cho rằng, biến đổi khí hậu là một thách thức lớn với sự phát triển của Việt Nam.
Ông Thomas trích dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây cho thấy, Việt Nam đã mất 3,2% GDP vào năm 2020 do tác động của biến đổi khí hậu. Và đến năm 2050, WB ước tính biến đổi khí hậu có thể khiến Việt Nam thiệt hại 12-14,5% GDP.
Theo đó, ông Thomas nhận định Việt Nam cần đẩy nhanh các nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải để đạt mục tiêu kép là trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt được mục tiêu net zero vào năm 2050.
Để thực hiện được những mục tiêu này, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD, tương đương 6,8% GDP mỗi năm cho tới năm 2040, trong đó một nửa nguồn lực sẽ tới từ khu vực tư nhân. Do đó, nguồn vốn FDI đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi xanh.
Tham gia phát biểu, ông Muto Shiro - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cam kết sẽ hỗ trợ đầy đủ mục tiêu tăng trưởng trung tính carbon mà Chính phủ Việt Nam đề ra vào năm 2050. Điều mà các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn, đó là hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng thực tế mà không cản trở sự tăng trưởng kinh tế của doanh nghiệp.
Những mục tiêu đó có thể đạt được với sự đóng góp của Nhật Bản, nơi khu vực tư nhân nước này sẵn sàng đóng góp vào đổi mới xanh thông qua quá trình khử cacbon, công nghệ, đầu tư và tài chính.
Ông Muto Shiro chỉ ra, vào năm ngoái, Nhóm công tác thúc đẩy Chuyển đổi Xanh châu Á được thành lập để thúc đẩy các dự án cụ thể hữu ích cho quá trình chuyển đổi xanh và chia sẻ những kinh nghiệm tốt nhất với Việt Nam nhằm nâng cao hơn nữa mục tiêu đạt được nền kinh tế bền vững.
Bởi vậy, để tiếp tục thực hiện mục tiêu đó, Chủ tịch JCCI nêu ra 3 điểm kiến nghị. Thứ nhất, sớm xây dựng khuôn khổ pháp lý và hướng dẫn tạo thuận lợi cần thiết cho các dự án phát triển điện lực.
Theo ông, đó bao gồm những vấn đề liên quan đến các dự án nhà máy điện ngoài khơi quy mô lớn, như nới lỏng các điều kiện để thỏa thuận dự án điện trực tiếp cho các dự án năng lượng tái tạo; hay xem xét cơ chế định giá hiện hành đối với sản xuất điện từ chất thải sinh khối.
Thứ hai, đó là Việt Nam cần tiếp tục thực hiện Quy hoạch điện VIII. Và thứ 3 là phát triển môi trường có khả năng huy động vốn để thu hút các dự án cơ sở hạ tầng dài hạn.
Cụ thể, JCCI khuyến nghị Việt Nam có thể xem xét việc sửa đổi Luật Đầu tư và các luật có liên quan khác để nâng cao năng lực các dự án cơ sở hạ tầng.
Chỉ ra trong nền kinh tế tuần hoàn, chi phí tái chế cao là một vấn đề, JCCI cho rằng Việt Nam do đó cần xây dựng các hướng dẫn thực hiện chi tiết để mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc định hướng quá trình phát triển.
Ngoài ra, JCCI nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường chuỗi cung ứng và cải cách thủ tục hành chính. Trong vấn đề này, Việt Nam cần xây dựng năng lực cho các công ty địa phương, cũng như giúp họ tăng cường mối quan hệ với các công ty nước ngoài để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Có như vậy, các lĩnh vực kinh tế của Việt Nam mới sớm đổi mới và chuyển đổi thành các ngành công nghiệp tiên tiến có giá trị cao.
Trong nỗ lực đó, Chủ tịch JCCI khẳng định đã và đang hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và nguồn nhân lực công nghiệp tại Việt Nam. Nhật Bản đã giới thiệu nhiều công ty Việt Nam gặp gỡ các nhà sản xuất Nhật Bản thông qua tổ chức các triển lãm công nghiệp hỗ trợ hoặc xuất bản danh mục các nhà cung cấp địa phương tốt.
Về thủ tục hành chính, JCCI mong muốn Việt Nam đẩy nhanh việc cấp giấy phép kinh doanh để hỗ trợ hơn nữa đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, cũng như được cập nhật những thay đổi mới nhất nếu có liên quan tới hệ thống thuế, ví dụ như duy trì luật thực tế và thuế tối thiểu toàn cầu.
JCCI khẳng định, một yếu tố quan trọng là sự quan tâm quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối với những vấn đề, cho đây là sự hỗ trợ to lớn để đạt được mục tiêu. Hai nước vừa kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và đã nâng tầm quan hệ song phương lên tầm chiến lược toàn diện, và 2024 sẽ là năm đầu tiên hai nước hợp tác theo quan hệ đối tác mới này.