Hành động của Houthi ở Biển Đỏ đã ảnh hưởng tới các quốc gia và những nền kinh tế ở xa tâm điểm của các xung đột ở Yemen và Gaza.
Mỹ và đồng minh thiệt hại
Những cuộc tấn công ở Biển Đỏ khiến các công ty vận tải lớn phải chuyển lộ trình di chuyển. The Hill cho hay, Mỹ và các đồng minh đang phải đối mặt với những hạn chế của can thiệp quân sự trong khi phải đảm bảo an toàn và hiệu quả của thương mại hàng hóa. The Hill đánh giá, sự chuyển hướng của các tàu hàng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nước trong khối BRICS, làm suy yếu các đồng minh của Mỹ.
Khi các công ty vận tải biển định tuyến lại hướng đi cho các tàu để tránh vùng Biển Đỏ, thì Ai Cập - đồng minh lớn nhất của Mỹ trong khu vực đang bị giảm 50% doanh thu qua kênh đào Suez, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tiền tệ của quốc gia này.
Cùng với đó, khi các quốc gia châu Âu vật lộn với việc đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng trong bối cảnh căng thẳng với Nga, việc chuyển hướng các tuyến thương mại toàn cầu có thể vô tình thắt chặt sự kiểm soát của Bắc Mỹ đối với an ninh năng lượng của châu Âu. Sự thay đổi này có ý nghĩa sâu sắc đối với các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và sự cân bằng năng lượng toàn cầu.
Không trực tiếp tham gia vào căng thẳng, BRICS hưởng lợi
Sự gia tăng số lượng tàu chọn hành trình dài hơn và tốn kém hơn quanh Mũi Hảo Vọng mang lại lợi ích cho nền kinh tế Nam Phi. Cung đường này làm tăng lượng tàu cập cảng Nam Phi và nâng cao tầm quan trọng chiến lược của tuyến hàng hải khu vực. Lưu lượng giao thông gia tăng qua vùng biển Nam Phi có thể nâng cao vị thế của nước này trong liên minh BRICS và các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu.
Việc chuyển hướng các tuyến hàng hải này cũng có thể mang lại lợi ích cho Ấn Độ. Là một nước quan trọng trong BRICS, Ấn Độ nhận thấy mình đang ở ngã ba đường của một hành lang thương mại mới nổi.
Việc định tuyến lại các chuyến hàng dầu khí quanh Mũi Hảo Vọng phù hợp với nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Ấn Độ, mang lại cho New Delhi khả năng đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định hơn từ các quốc gia vùng Vịnh, đặc biệt là Ả Rập Saudi. Sự thay đổi này củng cố an ninh năng lượng của Ấn Độ và tăng cường mối quan hệ kinh tế với các quốc gia vùng Vịnh, nâng cao hơn nữa sức mạnh kinh tế chung của liên minh BRICS.
Mặt khác, Trung Quốc nổi lên là nước hưởng lợi lớn từ bối cảnh hàng hải đang thay đổi. Sự bất ổn ở Biển Đỏ giúp đẩy nhanh nỗ lực định vị Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh như một giải pháp thay thế an toàn và đáng tin cậy hơn cho thương mại Á - Âu.
Các mối quan hệ đối tác chiến lược và đầu tư của Trung Quốc trên khắp châu Phi và châu Á sẽ được hưởng lợi từ việc tàu hàng tăng cường vận chuyển qua các tuyến đường thay thế. Điều này củng cố tham vọng của Bắc Kinh trong việc trở thành trung tâm của dòng chảy thương mại toàn cầu.
"Cơ hội bất ngờ" cho Moscow
The Hill cho biết, Nga - quốc gia đang hứng chịu các lệnh trừng phạt từ nhiều quốc gia phương Tây - cũng nhận thấy tình trạng gián đoạn này là một điều may mắn. Việc định tuyến lại giao thông hàng hải khiến giá dầu tăng đột biến đã mang lại cho Moscow cơ hội bất ngờ.
Giá dầu toàn cầu cao hơn làm tăng doanh thu của Nga từ xuất khẩu hydrocarbon, tạo ra bước đệm tài chính chống lại áp lực kinh tế của các lệnh trừng phạt. Tình huống này cho thấy một thực tế rằng xung đột địa chính trị ở những nơi khác có thể củng cố khả năng phục hồi kinh tế và là đòn bẩy của Nga trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Như vậy, các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ là xúc tác cho việc tái tổ chức địa chính trị rộng lớn. The Hill kết luận, mặc dù không tham gia trực tiếp, các quốc gia BRICS nhận thấy vị thế của mình được củng cố, trong khi Mỹ và các đồng minh phải đối mặt với ảnh hưởng của xung đột đối với an toàn và an ninh thương mại toàn cầu.