Nhạc sĩ Đài Loan (Trung Quốc) Bao Tiểu Bá "hồi sinh" con gái bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), "hiện thực hóa" cảnh cả gia đình ba người cùng hát bài chúc mừng sinh nhật.
Hay tại hội nghị thường niên năm 2024 của SenseTime gần đây, nhà sáng lập quá cố Thang Hiểu Âu đã có bài phát biểu gần 10 phút trên sân khấu dưới dạng người kỹ thuật số. Công nghệ AI không chỉ khôi phục tinh tế thần thái và ngoại hình, mà còn tái hiện hoàn toàn phong cách hài hước "Thang thị" độc đáo của ông.
Với sự bùng nổ của công nghệ AI, độ chân thực của "hồi sinh" ngày càng được nâng cao, hình ảnh của những người quá cố được tạo ra bằng AI gần đây đã trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội Trung Quốc, nhưng cũng gây nhiều tranh cãi.
Ngày 16/3, khi những hình ảnh "hồi sinh" của cố ca sĩ - diễn viên người Trung Quốc Kiều Nhậm Lương xuất hiện trên mạng, bố mẹ của anh công khai bày tỏ sự bất bình. Họ cho biết: "Chúng tôi không thể chấp nhận và cảm thấy không thoải mái. Việc 'hồi sinh' Nhậm Lương không có sự đồng ý của chúng tôi và việc làm đó đang khơi gợi lại vết thương lòng".
Theo The Paper , mặc dù việc sử dụng AI để "hồi sinh" người thân nhận được nhiều sự quan tâm nhưng do tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý, hiện nay nó vẫn là một dịch vụ cực kỳ ít người sử dụng. Ngành công nghiệp này nhìn chung vẫn đang trong giai đoạn quan sát và thử nghiệm.
AI 'hồi sinh' người quá cố thế nào?
Năm 2019, chìm trong nỗi đau buồn sau khi mẹ qua đời, Tôn Khải đã nảy ra ý tưởng sử dụng công nghệ AI để "hồi sinh" mẹ mình. Anh đã sử dụng những bức ảnh, tin nhắn thoại trên WeChat của mẹ kết hợp với công nghệ AI để tái hiện lại hình ảnh và giọng nói của bà.
Khi anh có thể trò chuyện với "mẹ" trong video, nỗi nhớ nhung và đau buồn của anh cũng vơi đi phần nào. Sau khi thành công "hồi sinh" mẹ bằng công nghệ AI, Tôn Khải quyết tâm trở thành doanh nhân, đầu tư và phát triển lĩnh vực "bất tử" bằng công nghệ số.
Tôn Khải cho rằng, công nghệ "bất tử" kỹ thuật số đang được bàn tán sôi nổi hiện nay thực tế đã trải qua ba giai đoạn phát triển: bản sao, nguyên sinh và bất tử.
Tôn Khải giải thích, trong giai đoạn "bản sao" kỹ thuật số, AI chỉ tạo ra hình ảnh kỹ thuật số bằng cách phân tích và xử lý dữ liệu hình ảnh như ảnh và video cá nhân. Trọng tâm kỹ thuật ở giai đoạn này là tái tạo chính xác ngoại hình của nhân vật.
Giai đoạn "nguyên sinh" kỹ thuật số tập trung vào việc trích xuất đặc điểm giọng nói, đào tạo mô hình và tạo ra giọng nói của nhân vật. Lúc này, người kỹ thuật số không chỉ có ngoại hình mà còn bắt đầu có những đặc điểm "nội tại" như giọng nói.
Giai đoạn "bất tử" kỹ thuật số có nghĩa là người kỹ thuật số không chỉ giống con người về ngoại hình và giọng nói mà còn có thể mô phỏng hành vi và suy nghĩ của con người, như thể họ còn sống. Tuy nhiên, để đạt được trạng thái "bất tử" này, thường cần truyền tải nhiều dữ liệu của người đã khuất, chẳng hạn như kinh nghiệm sống, kiến thức, đặc điểm tính cách,... Khi người thân nhìn thấy người quá cố do AI tạo ra trong video và mở miệng nói chuyện, họ thường không thể kìm nén cảm xúc của mình.
Kể từ khi chính thức bước vào lĩnh vực "hồi sinh" bằng AI vào năm 2019, công ty của Tôn Khải đã phục vụ hơn 70.000 người và trở thành công ty dẫn đầu trong lĩnh vực này. Sản phẩm "sự sống bất tử" kỹ thuật số của công ty có giá niêm yết là 9.800 nhân dân tệ (hơn 33 triệu đồng), kèm theo một chiếc máy tính bảng 10 inch.
Khách hàng của 'sự sống bất tử'
Ngoài các công ty AI lớn, hiện nay ở Trung Quốc cũng có nhiều nhóm nhỏ nhận đơn trên các nền tảng mạng xã hội và cung cấp dịch vụ "hồi sinh" bằng AI cho những người có nhu cầu với mức giá phải chăng.
Năm 2023, sau khi nghỉ việc tại một công ty công nghệ lớn, A Lượng đã tham gia vào làn sóng khởi nghiệp AI ở Bắc Kinh, tập trung vào việc sử dụng công nghệ AI để "hồi sinh" người đã khuất. Dịch vụ của anh hiện được chia thành hai loại: phiên bản miễn phí dành cho cộng đồng và dịch vụ bản sao kỹ thuật số AI, với giá 298 nhân dân tệ (hơn 1 triệu đồng) cho một video ngắn một phút.
Khách hàng đầu tiên của A Lượng là một Hoa kiều. Yêu cầu của người này tương đối đơn giản, bởi vì áp lực cuộc sống ở nước ngoài rất cao, anh muốn quay về tuổi thơ và nói chuyện với bà ngoại. Sau khi xem sản phẩm của A Lượng, khách hàng không ngần ngại mua dịch vụ hàng tháng và sau đó gia hạn tư cách thành viên hàng năm.
Ngày nay, phần lớn khách hàng của A Lượng là phụ nữ ở độ tuổi 30 - 40 sống tại các thành phố lớn ở Trung Quốc. A Lượng cho rằng, nhóm này có thể vì trách nhiệm gia đình hoặc ràng buộc tình cảm nên có nhu cầu và khả năng tiếp nhận dịch vụ "hồi sinh" người thân bằng kỹ thuật số cao hơn.
Quá trình A Lượng dùng AI "hồi sinh" người thân không hề phức tạp. Sau khi mua sản phẩm, khách hàng sẽ nhập thông tin như ảnh, ký ức, tính cách và trải nghiệm chung vào trang web, sau đó thiết lập giọng nói để tạo sản phẩm.
A Lượng chia sẻ: "Hiện nay, ngành công nghiệp này không có tiêu chuẩn khách quan cho công nghệ 'bất tử' hay 'bản sao' kỹ thuật số AI. Nhu cầu của khách hàng đến tìm hiểu cũng rất đa dạng, phổ biến nhất là mong muốn tùy chỉnh 'hình ảnh kỹ thuật số', 'giọng nói của người quá cố' và 'trò chuyện bằng văn bản với người quá cố'".
Anh cho biết thêm: “Chúng tôi luôn nói với khách hàng rằng đây là những bản sao do AI tạo ra và sẽ không nhấn mạnh đến việc 'hồi sinh', điều này có thể hạ thấp kỳ vọng của người dùng ở một mức độ nhất định. Nếu nói là 'hồi sinh', khách hàng sẽ so sánh với quá khứ. Nếu nói là bản sao AI, có lẽ khách hàng sẽ hiểu và dễ chấp nhận hơn”.
Không dễ kiếm lời
Dù sự quan tâm của xã hội rất cao nhưng trên thực tế, hoạt động kinh doanh 'hồi sinh' người đã khuất không dễ mang lại lợi nhuận.
A Lượng cho biết kể từ tháng 11 năm ngoái, anh đã đầu tư gần 100.000 nhân dân tệ (khoảng 345 triệu đồng) và cho đến nay vẫn đang hoạt động thua lỗ.
Theo anh, có 3 khó khăn khi kinh doanh lĩnh vực này. Thứ nhất, đối với khái niệm "bất tử" và "hồi sinh" bằng kỹ thuật số AI, phần lớn người dân Trung Quốc chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa truyền thống, nên rất khó chấp nhận việc sử dụng công nghệ để tái hiện hình ảnh người thân đã khuất.
Thứ hai, 80% khách hàng đến tìm hiểu dịch vụ này đều khó cung cấp đầy đủ dữ liệu về người thân đã khuất. A Lượng cho biết: “Khi hồi sinh một người thân, cần cung cấp giọng nói, nếu không có tệp âm thanh thì không thể thực hiện được. Có người dùng chỉ có thể mô tả rằng người thân có giọng Đông Bắc, hơi khàn khàn, thông tin mơ hồ như vậy hoàn toàn không thể mô phỏng được”.
Thứ 3 là phần lớn khách hàng có khả năng chi trả hạn chế, dịch vụ này là một thị trường ngách trong số các dịch vụ công nghệ con người kỹ thuật số. A Lượng ước tính một cách thận trọng rằng hiện nay có không quá 10.000 người trả phí mua dịch vụ "hồi sinh" bằng AI ở Trung Quốc. Bên canh jđó, mức độ nhận thức của công chúng về công nghệ "hồi sinh" bằng AI chưa cao.
Tôn Khải cũng cho rằng thị trường "hồi sinh" bằng AI nhỏ nhưng cạnh tranh ngày càng cao.
Việc khách hàng chi hàng chục nghìn nhân dân tệ để tạo ra con người kỹ thuật số đã trở thành quá khứ, khi hiện nay họ có thể tiếp cận nhiều loại hình dịch vụ mô phỏng khác nhau với giá thành phải chăng.
Tiềm ẩn rủi ro pháp lý
Theo The Paper , khi tìm kiếm từ khóa "AI hồi sinh người thân" trên Internet ở Trung Quốc, hầu hết các cửa hàng sẽ đánh dấu các từ khóa như "AI phục hồi", "AI tùy chỉnh" và "AI nhân bản thông minh" trên trang giao dịch.
Hầu hết các cửa hàng đều đặc biệt thận trọng trong quá trình tư vấn. Khi được hỏi liệu họ có thể “hồi sinh” những người nổi tiếng hay không, phần lớn thương nhân được hỏi cho biết họ không thể nhận đơn hàng và chỉ phục vụ nhu cầu tưởng nhớ người thân đã khuất. Một nhân viên chăm sóc khách hàng khi nhận được yêu cầu “hồi sinh” người nổi tiếng, đã thẳng thừng nói rằng đơn hàng “có rủi ro nhất định” và từ chối giao dịch.
Tôn Khải chia sẻ, đối với những khách hàng đến mua dịch vụ "bất tử" bằng kỹ thuật số AI, anh sẽ yêu cầu họ phải được ủy quyền bởi người thân trực hệ của người quá cố (như vợ, chồng hoặc con cái). Thủ tục này có nghĩa là quyền 'hồi sinh' người thân không phải ai cũng có thể thực hiện, mà cần phải được ủy quyền hợp pháp từ người thân trực hệ.
Luật sư Lý Vân Khải của Công ty luật Thiên Nguyên ở Bắc Kinh cho biết, mặc dù hiện nay số lượng người sử dụng AI "hồi sinh" kỹ thuật số không lớn, nhưng vẫn tồn tại những rủi ro từ góc độ pháp lý.
Ông Lý cho rằng vấn đề pháp lý chủ yếu vẫn là định nghĩa chưa rõ ràng. Đến nay, Trung Quốc vẫn chưa có quy định cụ thể về cách bảo vệ và quản lý quyền lợi của người quá cố. Người ta thường cho rằng quyền và lợi ích của người quá cố thuộc về tất cả những người thân, ở đây sẽ liên quan đến một vấn đề, đó là nếu một người thân muốn hồi sinh người thân của mình, nhưng những người khác không muốn hồi sinh thì phải xử lý như thế nào? Nếu tự ý sử dụng thông tin cá nhân của người quá cố để tạo ra con người kỹ thuật số mà không có sự đồng ý của những người thân khác, quá trình này có thể dẫn đến vấn đề xâm phạm quyền lợi.
Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, nếu thông tin bị lạm dụng vào mục đích trái pháp luật như lừa đảo hoặc các thiệt hại khác do quản lý không đúng cách, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trước những tranh luận về đạo đức xã hội xoay quanh việc "hồi sinh" người thân bằng AI, nhà nghiên cứu Lâm Tử Hán của Sở Giao dịch Dữ liệu Thượng Hải đã đặt ra câu hỏi đáng để suy ngẫm: "Chúng ta đối xử với người thân được 'hồi sinh' như thế nào? 'Họ' có giống như thú cưng điện tử của chúng ta không? Có phải là 'vật' thuộc về chúng ta không?".
Xem thêm: nhc.900417261913042881-couq-gnurt-o-iac-hnart-ueihn-yag-oc-auq-iougn-hnis-ioh-ia-gnud-gnu/nv.fefac