Diễn đàn của HILL ASEAN Việt Nam với chủ đề "Cộng đồng Người Cận Giàu"
Chân dung người cận giàu
Theo HILL ASEAN, "người cận giàu" là một thuật ngữ dùng để mô tả một tầng lớp xã hội mới xuất hiện tại Việt Nam, nằm giữa tầng lớp giàu có và tầng lớp trung lưu. Họ được định nghĩa là những người có thu nhập hàng tháng từ 22,5 - 60 triệu đồng, vươn lên từ tầng lớp trung lưu bằng chính nỗ lực của bản thân.
Sau quá trình nghiên cứu, HILL Việt Nam hé mở những phát hiện thú vị về tầng lớp mới nổi này, được chuyên gia chia sẻ tại buổi họp báo.
Đặc tính tìm kiếm sự tự do là một nét đặc trưng thú vị về nhóm người cận giàu. HILL Việt Nam chỉ ra rằng người cận giàu "có khả năng mở rộng cuộc sống và sự lựa chọn bằng việc tích lũy kinh nghiệm và các kết nối".
Theo một nghiên cứu với 6 quốc gia Đông Nam Á, người cận giàu ở Việt Nam đứng đầu trong việc đầu tư học hỏi những điều mới, không ngừng thúc đẩy bản thân. Họ liên tục theo đuổi sự phát triển cá nhân và tìm mọi cơ hội để đi du lịch và giao lưu, cũng như phát triển các kỹ năng khác.
CEO Tập đoàn Hakuhodo Việt Nam Ginta Yamaguchi chia sẻ tại diễn đàn
Không chỉ thúc đẩy bản thân, người cận giàu cũng coi gia đình là động lực lớn để họ không ngừng tiến về phía trước. Họ luôn sẵn sàng chi trả để chăm sóc ba mẹ, lo cho con cái ăn học. Sự tự do với họ còn là "đủ khả năng và tài chính để mang lại hạnh phúc cho những người thân yêu của họ".
Cuối cùng, tự do đối với người cận giàu tại Việt Nam còn là "được công nhận sự tiến bộ ở hiện tại và tiềm năng trong tương lai".
HILL Việt Nam công bố những khác biệt của Người Cận Giàu tại TPHCM và Hà Nội
Từ những luận điểm trên, HILL Việt Nam định danh người cận giàu tại Việt Nam bằng cụm từ The proud mind-freedom seeker (người kiêu hãnh tìm kiếm sự tự do trong tâm trí). Họ tự hào rằng đã đạt được "lối sống tự do của riêng mình", nhưng chưa thỏa mãn và luôn sẵn sàng làm việc chăm chỉ và phát triển bản thân xa hơn nữa.
Sáng kiến cho doanh nghiệp
Các nghiên cứu chuyên sâu và góc nhìn mới mẻ về một tầng lớp mới trong nền kinh tế Việt Nam từ HILL Việt Nam là những gợi ý giúp doanh nghiệp có thêm hiểu biết về cộng đồng này và đưa ra chiến lược tiếp cận hiệu quả.
Tuy khả năng chi trả cho cuộc sống của người cận giàu không giống như tầng lớp thượng lưu, nhưng lối sống của họ dường như dễ tiếp cận hơn, thể hiện qua sự lựa chọn thương hiệu và hành vi tiêu dùng.
Nếu như giới thượng lưu thường lựa chọn các thương hiệu mang tính độc quyền, độc bản nhằm phản ánh địa vị và tầm ảnh hưởng của họ xã hội, thì người cận giàu tìm kiếm sự uy tín để thể hiện khả năng và kỹ năng cá nhân của họ. Thay vì chỉ đơn giản là thể hiện địa vị, họ còn mong muốn có được sự công nhận của xã hội về khả năng sở hữu các món đồ xa xỉ đó. Vì vậy, họ cần sự "xa xỉ lý tính" để đưa ra các lựa chọn mang tính chiến lược đối với các sản phẩm này.
HILL Việt Nam cũng đưa ra một cách khác để phân tích người cận giàu tại Việt Nam bằng cách so sánh nhóm này giữa Hà Nội và TP.HCM, khám phá sự khác biệt của họ tại mỗi thành phố.
Từ những nghiên cứu về cộng đồng người cận giàu tại Việt Nam, Hakuhodo Việt Nam cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các thương hiệu để đề xuất các chiến lược đa dạng nhằm tiếp cận và khai thác tập khách hàng đặc biệt này.
Bắt đầu như một tổ chức tư vấn nội bộ nghiên cứu về Sei-katsu-sha (những cá nhân toàn diện với lối sống, khát vọng và ước mơ của riêng họ) vào năm 2014, trung tâm Hakuhodo Institute of Life and Living ASEAN (HILL ASEAN) chính thức được thành lập tại Thái Lan vào tháng 3-2017. Trung tâm hỗ trợ các hoạt động truyền thông marketing của khách hàng tại Đông Nam Á thông qua hiểu biết sâu sắc và những đề xuất hữu ích về Sei-katsu-sha tại đây.
HILL ASEAN chi nhánh Việt Nam (HILL Việt Nam) nghiên cứu nhận thức và thói quen của Sei-katsu-sha tại Việt Nam.