Chia sẻ tại tọa đàm "Cảnh báo sử dụng điện mùa nắng nóng" chiều 19/3 do báo Tuổi trẻ tổ chức, ông Phạm Thanh Tùng, lãnh đạo Công ty TNHH Lavie lo lắng thiếu điện sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Năm ngoái, thiếu điện xảy ra tại miền Bắc trong nửa cuối tháng 5, đầu tháng 6 đã để lại nhiều ảnh hưởng trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Một số khu công nghiệp thời điểm đó cắt điện có báo trước, với tần suất 1-2 lần một tuần.
Ông Tùng đề nghị EVN nên có dự báo sớm để doanh nghiệp có phương án ứng phó, tránh tái diễn thiếu điện như mùa nóng 2023.
Trước lo lắng của doanh nghiệp, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nói tập đoàn này sẽ tăng huy động các nguồn điện giá cao và năng lượng tái tạo để "năm nay không thiếu điện".
Thủy điện, nhiệt điện và năng lượng tái tạo là ba nguồn điện chính của hệ thống điện quốc gia. Theo số liệu của EVN, huy động các nguồn này trong tháng 1 chiếm khoảng 90% sản lượng điện toàn hệ thống. Trong đó, điện than là 12,7 tỷ kWh, tương đương 53%.
Ông Lâm cho biết, năm nay EVN sẽ tăng mua từ nhiệt điện khoảng 145% so với 2023. "Chúng tôi phải huy động nguồn điện đắt tiền là nhiệt điện vào đầu mùa khô, để đảm bảo cung ứng cho sinh hoạt, sản xuất", Phó tổng EVN nói.
Ngoài ra, tập đoàn này cũng huy động tối đa nguồn năng lượng tái tạo. Theo đó, sản lượng mua tăng từ điện gió sẽ 25% và điện mặt trời 19% so với năm ngoái.
Dữ liệu của EVN cho thấy, năm ngoái giá mua nhiệt điện khoảng 2.100 đồng một kWh, cao hơn gần 40% so với thủy điện. Mức này tương đương giá từ các nhà máy điện mặt trời (9,35 cent một kWh).
Ông Nguyễn Thế Hữu, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho hay cơ quan này cùng EVN đưa ra nhiều phương án, gồm kịch bản cung ứng khi nhu cầu tiêu dùng điện ở mức cao. Ngành điện cũng đẩy nhanh xây dựng các tuyến truyền tải điện, đường dây 500 kV mạch 3 kéo điện ra miền Bắc.
Ngoài huy động tối đa các nguồn trong nước, Bộ Công Thương, EVN kêu gọi doanh nghiệp và người dân tiết kiệm điện.
TP HCM và nhiều địa phương ở phía Nam đang vào cao điểm nắng nóng. Theo thống kê của EVN, hai tháng đầu năm, lượng điện tiêu thụ tại thành phố bình quân trên 75,3 triệu kWh một ngày, tăng gần 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, điện tiêu thụ của 21 tỉnh, thành phía Nam cũng cao hơn 14% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVNHCM) dự báo tiêu thụ điện của các hộ gia đình, doanh nghiệp tại đây tăng cao khi nền nhiệt bình quân tháng 3 khu vực này là 36,5 độ C. Do đó, tiền điện của các hộ khi dùng trên 401 kWh, có thể tăng 30-40% trong tháng 3, và cao hơn vào tháng 4, 5.
Thi Hà